Đang gửi...
Thời gian 09/10/2024 3:59 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

Nét tương đồng và khác biệt trong nghệ thuật Sinh Vật Cảnh

Trịnh Đức Thuận

Các nước trong một khu vực do chịu ảnh hướng của một nền văn hóa lớn như Đông Á với văn hoá Trung Hoa, Nam Á với văn hóa Ấn Độ nên có nhiều yếu tố văn hoá giống nhau gọi là những nét tương đồng. Tuy nhiên, khi nền văn hoá lớn lan toả đến từng nước, do điều kiện môi trường, nền kinh tế, tập quán, đời sống tinh thần và tâm linh riêng (văn hoá bản địa) mà nó tạo ra những sự khác biệt. Nét khác biệt góp phần tạo nên bản sắc văn hóa.

Cây Bonsai đạt Huy chương vàng tại Lễ hội triển lãm bonsai và suiseki châu Á - Thái Binh Dương lần thứ 15

Ta có thể khác sảt qua thực tế sau: 

Các nước Á Đông đều dùng kiểu chữ tượng hình của Trung Quốc (Chữ Hán). Nhưng vào đến Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc nó đã biến đổi đi không còn hoàn toàn như chữ Hán. Đến Việt Nam, mặc dầu bị đồng hoá khốc liệt nhưng người Việt một mặt dùng chữ Hán nhưng lại đọc theo âm Việt, mặt khác đã cải biên ra chữ Nôm. Chữ Nôm của người Việt và chữ Nôm của người Dao không giống nhau và đều khác so với chữ Hán. 

Khái niệm rồng là nét tương đồng của các nước Á Đông. Nhưng cách thể hiện con rồng cụ thể thì Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam lại rất khác nhau. Ngay tại Việt Nam thì rồng thời Lý đã có sự khác biệt với rồng thời Trần. 

Theo giáo sư, nhạc sĩ Trần Văn Khê, các nước theo đạo Phật có nét tương đồng trong câu niệm: “Nam mô a di đà Phật”. Nhưng cách niệm và giai điệu câu niệm mỗi nước lại khác nhau dưa trên nền dân ca đặc thù của mỗi nước. 

Nhiều câu chuyện Cổ tích có nét tương đồng với cả thế giới nhưng tình tiết câu chuyện mỗi nước lại diễn ra một cách khác nhau theo điều kiện, đời sống của mối nước như Cô bé Lọ Lem Châu Âu với Cô Tấm Việt Nam. 

Trên những cơ sở đó, chúng ta liên hệ vào SVC để thấy những nét tương đồng và khác biệt như thế nào? 

Các nước Á Đông có nét tương đồng trong lối tạo hình cây cảnh trên bồn chậu, nhưng mỗi nước lại có lối tạo hình đặc trưng riêng để chuyền tải những chủ đề theo quan niệm riêng. Cây cảnh Trung Quốc đa phần lấy cảm hứng văn học để tạo nên hình tượng những tác phẩm. Mặc dầu là nước sản sinh ra nho giáo nhưng họ lại không chú tâm đến việc chuyển tải những tư tưởng nho giáo, nhất là những mối quan hệ theo đạo ngũ luân như ở Việt Nam trước đây. Bonsai Nhật cũng lấy nguồn cảm hứng từ thiên nhiên nhưng đượm màu thiền đạo. Cây cảnh nghệ thuật (CCNT) Việt Nam xưa và nay thường tạo hình để chuyển tải những tình cảm gắn với đời thường, gần gũi với con người, (vợ chồng, cha con, anh chi em, bằng hữu...). 

Đá cảnh và non bộ cũng có những nét tướng đồng lớn, song cũng có nhiều khác biệt quan trọng. 

Thú chơi đá, non bộ của người Trung Quốc có 2 kiểu thức lớn là: đưa những khối đá to, nặng nề, có hình thù kỳ lạ xếp thành từng dãy như dãy núi thật trong một khuôn viên lớn của một tư dinh. Người ta có thể đi len lỏi hoặc luồn lách qua các hang động tự tạo như đi du sơn ngoài thiên nhiên. Kiểu thức thứ hai là chơi non bộ với trình độ nghệ thuật tạo hình khá cao, bố cục chặt chẽ trên một bồn bằng đá trắng. Thành bể thường rất nông chỉ chứa một lớp nước rất mỏng đủ để tạo cảm giác mênh mông nhưng không thể thả cá được. Đương nhiên Trung Quốc còn nhiều lối chơi đá khác cũng không kém phần đặc sắc. 

Nhật Bản có lối xếp đá trong các vườn thiền, song quan trọng nhất là lối chơi đá cảnh (Suiseki). 

Non bộ Việt Nam có hai loại chủ yếu: Loại khá phổ biến và lâu đời là non bộ cố định thường thấy ở các đình, chùa, đền, lăng, các công viên, các gia đình khá giả có khuôn viên rộng. Các cơ quan, xí nghiệp ngày nay cũng ưa tạo dựng bể non bộ ở mặt tiền. Người ta xây một bể cố định to hay nhỏ, chữ nhật hay tròn, bầu dục... tùy theo khuôn viên, chiều sâu chừng 40 – 50cm. Đá thường dùng là đá vôi được sắp xếp như một quả núi ngoài thiên nhiên. Trên núi có trồng cây vì thường để cây phát triển tự nhiên. Bốn mặt núi thường gắn đủ các loại tuợng đất nung mô phỏng đời sống xã hội. Trong bể thường được thả cá hoặc rùa... Cũng có thể người ta chọn những hòn đá lũa to và đẹp tương xứng rồi đặt vào trong bể nước, chân núi có trồng cây cỏ. Nhìn chung non bộ ở các nơi thờ cúng, công cộng thường ít được đầu tư nghệ thuật nên chất lượng nghệ thuật không cao. Loại thứ hai tạm gọi là non bộ di động. Người ta tự tạo những ang bồn bằng xi măng, trên đặt núi, có thể di chuyển được. Vật liệu thường dùng là đá ngấm nước, được tạo thành các hòn độc phong, song phong, tam sơn, ngũ nhạc... 

Non bộ Việt Nam có phần khác với non bộ Trung Quốc và Nhật Bản. Riêng đá cảnh Việt Nam gần đây có bước phát triển khá mạnh nhớ tìm tòi, khai thác được những hình thù, chất liệu, màu sắc quý và đa dạng hơn xưa, làm phong phú cho thú chơi đá và có thể giao lưu hội nhập với đá cảnh của thế giới. 

Trên đây chúng tôi chỉ nêu những nét khái quát của một số loại hình nghệ thuật cốt để chứng minh rằng văn hoá luôn luôn có những nét tương đồng nhưng đồng thời lại luôn luôn có những nét khác biệt. Ngày nay sự giao lưu văn hoá đang trở nên sôi động trên phạm vi toàn cầu, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Hệ quả là sẽ tạo ra nhiều nét tương đồng mới với nhiều nền văn hoá thế giới. Thái độ ứng xử của chúng ta nên như thế nào? 

Trong đời sống, người ta luôn cần cái mới, cái lạ trong nghệ thuật để thưởng ngoạn. Chìa khoá của vấn đề bảo tồn và phát triển là luôn luôn cần có những nét tương đồng mới, đồng thời cần tỉnh táo, chủ động sáng tạo để tạo ra những khác biệt mới ở tầm ngày càng cao hơn. Đó cũng là phương châm hành động của con đường nghệ thuật SVC nước nhà. 

Theo Tạp chí VNHS

 

 

Tin tức khác

  • Hội kỷ lục gia Việt Nam
  • Hội SInh vật cảnh tỉnh Đồng Nai
  • Nhà vườn Cảnh Lan Viên
  • Công ty sinh vật cảnh Thăng Long
  • TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH
  • Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam
  • Hội nhiếp ảnh Việt Nam
  • Hội đá cảnh Việt Nam