Thời gian 22/11/2024 1:24 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Nam Vân phát triển kinh tế sinh vật cảnh

Hơn 25 năm xây dựng gắn với sự phát triển của phong trào sinh vật cảnh (SVC) thành phố Nam Định, Hội SVC xã Nam Vân đã có những đóng góp không nhỏ trong việc làm xanh - sạch - đẹp môi trường, cảnh quan đô thị, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Ông Phạm Quý Tạo, Chủ tịch Hội SVC xã Nam Vân cho biết: Từ năm 1993, Hội SVC xã được thành lập, thu hút hơn 40 hội viên tham gia sinh hoạt tại 5 chi hội. Để phát triển phong trào, Hội SVC xã thường xuyên tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về phát triển kinh tế SVC để đưa SVC trở thành ngành kinh tế chủ lực. Đồng thời định hướng cho hội viên đổi mới tư duy về cây cảnh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Người dân các xóm trong xã đã tận dụng diện tích đất xấu, đất bỏ hoang để trồng cây cảnh, cây thế cho thu nhập cao. Hiện toàn xã có khoảng 10ha đất với hàng trăm hộ tham gia trồng, chăm sóc cây cảnh; trong đó 40% diện tích đất trồng đào, quất; hơn 20% diện tích đất dùng để trồng các loại hoa, phong lan, địa lan. Để nâng cao tay nghề cho hội viên, hàng năm Hội SVC xã tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cảnh... Tháng 7-2020, Hội SVC xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc quất cảnh, quất bonsai trên bình gốm, thu hút hơn 30 hội viên tham dự. Bên cạnh đó, Hội SVC xã đã tổ chức cho hội viên tham quan các nhà vườn, các địa phương trồng cây cảnh nổi tiếng ở trong và ngoài tỉnh như: làng quất Tứ Liên (Hà Nội), Trung tâm Giống cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam)… Năm 2019, các hội viên SVC xã đã đưa hàng chục tác phẩm tham dự Trưng bày, triển lãm SVC tại Bảo tàng tỉnh, tham dự Triển lãm SVC các tỉnh đồng bằng sông Hồng... Với bản tính chịu khó, ham làm và với đôi bàn tay khéo léo, tư duy nghệ thuật tinh tế, các sản phẩm SVC của người dân Nam Vân được nhiều khách hàng yêu thích. Nghề trồng hoa, cây cảnh đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Hiện phong trào SVC trên địa bàn xã phát triển khá đa dạng, ngoài việc trồng đào và quất cảnh truyền thống, những năm gần đây, nhiều hội viên đã thành công với trồng đào, quất bon sai trong những bình gốm thu hút nhiều người tiêu dùng. Là một trong những người đầu tiên chuyển sang trồng quất bonsai, anh Trần Văn Hiếu, ở xóm Địch Lễ A cho biết: Gia đình tôi đã trồng quất cảnh được chục năm nhưng 2 năm nay chuyển sang trồng quất bon sai. Điểm nổi bật là quất bon sai trồng vào bình gốm đỡ tốn diện tích đất, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, khác với trồng quất trên vườn, những cây quất trồng trong bình phải mất khoảng 2 năm kỳ công chăm sóc. Để có những bình quất đẹp, người dân phải trồng cây quất trong bình từ khi còn nhỏ, sau đó, quất được tỉa, uốn tạo thành các dáng, thế khác nhau. Quất bonsai được các nhà vườn tạo nhiều kiểu dáng như: Long giáng, thác đổ, dáng trực… Bình trồng quất có hình dáng, họa tiết đa dạng được nhập từ làng gốm Phù Lãng hay làng gốm Bát Tràng (Hà Nội). Những bình, chậu quất thường có dáng nhỏ, cao từ 20-70cm. Cách chơi cây cảnh này có ưu điểm nhỏ gọn, dễ vận chuyển, phù hợp với nhiều hộ gia đình sống tại thành phố, có thể dễ dàng bày tại phòng khách, bàn làm việc hay trong không gian nhỏ hẹp, bởi vậy loại quất này nhận được sự yêu thích của nhiều người, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán. Gia đình anh Hiếu hiện có khoảng 500 bình gốm quất bonsai, nếu thời tiết đến cuối năm thuận lợi, tùy theo kiểu dáng, kích cỡ, mỗi cây sẽ có giá dao động từ 500 nghìn đồng đến 4 triệu đồng. Cùng với duy trì, phát triển nghề trồng đào, quất cảnh truyền thống, để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều hội viên đã chuyển đổi sang trồng, mua bán hoa phong lan, địa lan. Ông Phạm Văn Tần, ở xóm 7 là người chơi địa lan nổi tiếng trong Hội Hoa lan Nam Định. Hiện ông Tần sở hữu nhà lưới với tổng diện tích 1.000m2 lắp đặt hệ thống phun tưới tự động công nghệ cao với kinh phí đầu tư hàng chục triệu đồng. Nhà vườn của ông Tần hiện có hơn 150 chậu địa lan hoàng vũ, thanh ngọc. Mỗi năm, trừ chi phí, ông thu về từ 100-200 triệu đồng. Ông Hoàng Bá Quý, ở xóm Địch Lễ, năm nay đã 85 tuổi, một trong những hội viên tiêu biểu của Hội SVC xã, cho biết: Với tinh thần “Tuổi cao, gương sáng” hàng ngày tôi chăm sóc từng gốc cây cảnh của gia đình. Nhờ có nghề sinh vật cảnh, tôi được thỏa mãn với thú chơi cây cảnh, mỗi ngày lại được vận động chân tay, trí óc nâng cao sức khỏe, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để có những cây cảnh, cây thế đẹp mang giá trị nghệ thuật, ngoài việc dày công sưu tập, tìm kiếm các loại phôi từ nhiều nhà vườn trong tỉnh, ông Quý cũng dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết để thể hiện ý tưởng của mình trong từng tác phẩm. Có không ít cây cảnh khi mua về giá chỉ vài trăm nghìn đồng sau khi qua bàn tay tài hoa của ông, giá trị của tác phẩm đã được nâng lên hàng chục triệu đồng. Một số hội viên còn mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên chậu, tiêu biểu như gia đình ông Phạm Bá Dũng ở xóm Tân Lợi có hàng nghìn chậu cảnh cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi đỏ, hồng, ổi, khế, hồng xiêm... Các cây ăn quả làm cảnh được uốn nắn, cắt tỉa gốc, thế có giá từ 3-15 triệu đồng/cây tùy mã quả, dáng cây, độ tuổi được khách hàng ở các tỉnh, thành phố phía Bắc rất ưa chuộng, đặc biệt vào dịp lễ, tết. Nhờ phát triển trồng cây ăn quả làm cảnh, tổng doanh thu của ông Dũng đạt 400 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình hội viên đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển kinh tế từ mô hình cây cảnh, cây thế, nhà vườn trồng hoa ngắn ngày như gia đình anh Lại Viết Trọng, Trần Văn Thanh, ông Vũ Quang Đạo... cho thu nhập ổn định từ làm nghề và bán cây cảnh. 

Phong trào SVC ở xã Nam Vân phát triển khá toàn diện cả về tổ chức hội và hiệu quả kinh tế, là một trong những địa phương có phong trào mạnh của thành phố Nam Định. Thời gian tới, Hội SVC xã tiếp tục củng cố tổ chức hội, phát triển phong trào, mở các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho hội viên, đồng thời đẩy mạnh phong trào trồng, chăm sóc cây xanh, cây bóng mát trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học, các di tích lịch sử - văn hoá, góp phần tạo cảnh quan môi trường trên địa bàn “xanh - sạch - đẹp”./.

Theo Nam Định online

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng