Thời gian 13/12/2024 7:21 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Lướt qua những mảnh làng đào Hà Nội

Những làng ven đô thường chịu tác động của cuộc đô thị hóa mạnh nhất, với biểu hiện rõ nhất là sự chuyển đổi sử dụng đất canh tác. Những cánh đồng hoa của làng ven Hà Nội xưa cũng thế, phần lớn chuyển ra ngoài đê sông Hồng, phần còn lại vỡ ra từng mảnh nhỏ, đất trồng đào xen lẫn những khu nhà cao tầng. Chúng ta đang chứng kiến những nỗ lực cuối cùng của những cây đào vươn tìm ánh sáng trong chen chúc các khối bê tông… 

Những làng trồng đào nổi tiếng của Hà Nội vào mỗi dịp Tết đến xuân về lại tấp nập người mua kẻ bán, nhưng cùng với quá trình đô thị hóa, mỗi làng đào lại có những sự đổi thay khác nhau…

Nhân rộng "công nghệ'' trồng đào Nhật Tân

Từ xa xưa, đào được trồng ở làng cổ Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội đẹp nức tiếng kinh kỳ. Theo truyền thuyết, vào ngày 5 Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đã sai quân mang cành đào Nhật Tân vào Phú Xuân để tặng công chúa Ngọc Hân thay thiệp báo tin mừng chiến thắng vì đã tiêu diệt thành công mấy chục vạn quân xâm lược nhà Thanh ở Thăng Long.


Vườn đào của anh Chu Hữu Hùng, làng Tây Tựu được trồng theo bí quyết trồng đào của làng Nhật Tân.
 (Ảnh: PV) 

Ngày xưa, người Nhật Tân chỉ trồng một giống đào phai, có nguồn gốc từ đào rừng, có màu nhạt. Từ khoảng thế kỷ 19, người Nhật Tân đã trồng thêm đào bích. Cây đào được trồng chủ yếu ở ngoài đồng. Những năm 1990-1995, diện tích đất đồng của Nhật Tân vào khoảng 34 ha, nhưng khi thành phố quy hoạch khu đô thị Nam Thăng Long vào đầu những năm 2000, diện tích đất trồng đào bị thu hẹp gần hết, người dân chuyển đổi ra trồng đào ra phía ngoài đê, giáp với sông Hồng.

Hiện có 690 hộ gia đình đang canh tác trên diện tích đất 92,45 ha, trong đó diện tích đất trồng đào là 66 ha.

Những ngày giáp Tết, cả bãi sông Hồng được phủ một màu đỏ hồng rực rỡ của những nụ đào đang khoe sắc. Người dân nhộn nhịp người dân đến ngắm và thưởng đào, có khi chỉ là để ghi lại những khoảnh khắc rực rỡ nhất trong năm của làng đào. Không ít những người dân ở các địa phương xa gần cũng đến tận vườn để tự tay lựa chọn những gốc đào ưng ý

Dù đào được trồng ở ngoài đất bãi, màu sắc không thắm đượm như đào trồng trong đất thịt, nhưng với kỹ thuật trồng đào được tích lũy hàng trăm năm, đạt đến trình độ điêu luyện khó nơi nào sánh bằng, đào Nhật Tân luôn mang một vẻ đẹp rất riêng và được nhiều người ưa chuộng.


Tiểu thương thu mua đào Nhật Tân. (Ảnh: Lao Động)

Đào Nhật Tân đa dạng, phong phú các chủng loại, từ những cây đào nhỏ, đào gốc, đào tự nhiên, cành đào phục vụ cho các gia đình đến những gốc đào cổ, thân to, phục vụ cho các công sở, công ty. Từ cuối tháng 11 âm lịch, nhiều người rành chơi đào đã đến tận vườn để lựa chọn những cây đào ưng ý, đặt cọc và gần Tết mới bứng về.

Một số người dân của làng Nhật Tân cũng đã thuê đất, mang "công nghệ'' trồng đào nhân rộng tại nhiều địa phương khác. Đam mê trước vẻ đẹp đặc biệt của đào Nhật Tân, người dân các địa phương khác cũng đã học hỏi và mua giống đào của Nhật Tân về thử nghiệm trên chính mảnh đất của địa phương mình. Chẳng hạn, hộ gia đình của anh Tiệp ở Hưng Yên hay anh Chu Hữu Hùng, trú tại quận Bắc Từ Liêm cũng đã và đang thu được những kết quả khả quan từ việc trồng đào ngay trên mảnh đất của làng hoa Tây Tựu theo "bí quyết" của người làng Nhật Tân.

Làng Phú Thượng chăm đào bonsai kiêm nấu xôi chè

Nằm cách không xa phường Nhật Tân, làng trồng đào Phú Thượng những năm gần đây ngày càng được nhiều người yêu hoa biết đến.  Khác với đào trồng ở ngoài đất bãi, đào của Phú Thượng trồng trong đất thịt nên cánh hoa dầy, hoa bền, tươi lâu. Theo những người trồng đào lâu của làng Phú Thượng, nếu biết cách chăm sóc, cây đào có thể chơi được hàng tháng.  

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa với sự xuất hiện của hàng loạt chung cư cao tầng nên nhu cầu chơi đào của người dân cũng có sự dịch chuyển. Người trồng đào vì thế cũng chuyển hướng sản xuất. Nếu như trước đây, các gia đình chuộng những cây đào truyền thống cao, to thì những năm gần đây, đào bonsai có chiều cao dưới 1 mét lại được đặc biệt ưa chuộng. Đào bonsai năm nay có giá trung bình từ  900 ngàn đến 2 triệu đồng tùy cây, phù hợp với nhóm khách hàng bình dân, sống tại các căn hộ chung cư có diện tích vừa phải.


Những chậu đào gốc cổ thụ của làng hoa Phú Thượng, Hà Nội. (Ảnh: PV)

Năm nay, ông Công Văn Vinh đưa ra thị trường khoảng 70 gốc đào. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trồng đào, ông Công Văn Vinh cho biết, trồng đào tương đối đơn giản, khó nhất là công đoạn  uốn và tạo thế cho cây. Để uốn được 1 thế đào 5 tay phải mất thời gian từ 2-2,5 tháng, chia làm 2 giai đoạn, tháng đầu tiên chỉ uốn từ 2-3 tay, sau đó chỉnh sửa cho ngay ngắn rồi mới thực hiện tiếp.

Trung tuần tháng 8, đầu tháng 9 hàng năm là thời điểm thực hiện khoanh cây đào, mục đích là hãm cây không phát triển chiều cao, già lá và ra hoa, dăm không dài quá (chỉ 10-15cm).  Công đoạn này đòi hỏi người trồng đào phải có kỹ thuật cao, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, chỉ một chút sơ sẩy có thể khiến cây bị chết.

Người làng Phú Thượng còn trồng cả đào cắt cành, đào thất thốn và đào ghép cây. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ hoạt động trồng đào của làng Phú Thượng đạt trên 20 tỷ đồng.

Anh Nghĩa Trường, một người trồng đào tuy còn trẻ tuổi nhưng lại rất nhanh nhạy trong nắm bắt xu hướng thị trường, tập trung đầu tư vào trồng, bán và cho thuê đào ghép cây. Anh Trường đã lặn lội lên Lạng Sơn thu mua những gốc đào cổ hàng chục năm đem về trồng, tạo dáng và ghép đào Phú Thượng cho cây. Những cây đào nhà anh Trường thường là những cây có gốc to, phù hợp đặt ở các sảnh, hội trường lớn, có giá vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Không chỉ nổi tiếng ở Hà Nội, đào của Phú Thượng còn được nhiều người dân ở các địa phương khác biết tới. Trung bình mỗi năm, vườn anh Trường xuất ra thị trường khoảng 250 gốc đào, từ đầu tháng 12, nhiều cây đã được chở đi các địa phương khác.


Người dân Phú Thượng chăm sóc đào dịp giáp Tết.
 (Ảnh: Vietnamplus)

Những năm gần đây, diện tích trồng đào của làng Phú Thượng ngày càng bị thu hẹp do quy hoạch đô thị. Hiện diện tích trồng đào của địa phương chỉ còn khoảng 60ha trong tổng số diện tích đất nông nghiệp 75ha. Một số người dân Phú Thượng đã đến Sóc Sơn, Đông Anh, thậm chí lên Sa Pa, Lào Cai để thuê đất trồng đào với tổng diện tích ước tính khoảng từ 10-12 ha.

Nhiều hộ gia đình không còn diện tích đất nông nghiệp đã chuyển hướng sang nghề nấu xôi chè và rượu nếp. Hiện cả làng Phú Thượng có khoảng 600 hộ gia đình làm nghề nấu xôi chè và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi diện tích trồng đào dự kiến sẽ giảm xuống mức 35-40ha trong những năm tới.

Quá trình đô thị hóa là xu hướng tất yếu nhưng lãnh đạo hợp tác xã và nhiều người dân làng Phú Thượng vẫn mong muốn đảm bảo được diện tích đất để người dân làng nghề tiếp tục gắn bó và duy trì nghề trồng đào, như một cách để giữ gìn làng nghề truyền thống, giữ gìn bảo tồn loài hoa đặc trưng của mùa xuân trong tâm trí người Việt.

Nguyễn Lê

(Người Đô Thị)

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng