Ngành Lâm nghiệp được tỉnh quan tâm đầu tư đúng mức: đã quy hoạch, xây dựng phát triển vùng nguyên liệu trên 71.000 ha tại các địa phương vùng thấp: Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, Văn Bàn; Triển khai thực hiện các dự án như Dự án trồng cây gỗ lớn thay thế diện tích trồng sắn hai bên đường cao tốc, Dự án trồng cây sơn tra ở vùng cao Sa Pa, Dự án trồng dược liệu dưới tán rừng và trên đất lâm nghiệp, chủ trương trồng cây hoa đào (đào rừng) gắn với các vùng trọng điểm du lịch… Gắn kết vùng nguyên liệu với quy hoạch các nhà máy, xây dựng được 02 nhà máy chế biến lâm sản quy mô lớn đã đi vào sản xuất ổn định và 10 nhà máy chế biến tinh dầu quế tầm cỡ khu vực đang đi vào hoạt động tiêu thụ phần lớn sản phẩm gỗ khai thác, sản phẩm quế trên địa bàn và một phần của các tỉnh lân cận... Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng cao nhất so với các giai đoạn trước, bình quân trên 12 % năm. Tăng từ 1.048 tỷ đồng /năm 2016, lên 2.355 tỷ đồng năm 2020.
Có thể khẳng định, bằng sự quan tâm đầu tư của nhà nước, của hệ thống chính trị tỉnh và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, Ngành Lâm nghiệp Lào Cai đã hình thành nền tảng bền vững, đang đi vào phát triển ổn định và đóng góp lớn vào giá trị kinh tế nội ngành; sản xuất lâm nghiệp đã chuyển dần sang lâm nghiệp xã hội có sự vào cuộc của các thành phần kinh tế; Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xâm hại đến tài nguyên rừng; góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; Tạo ra các sản phẩm lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao (ván dán, ván ghép thanh, tinh dầu quế, cánh kiến trắng, vỏ quế, hoa hồi và các loại lâm sản ngoài gỗ khác...) thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm cho trên 30.000 hộ gia đình trên địa bàn của tỉnh, tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng.
Ngành Lâm nghiệp được tỉnh Lào Cai quan tâm đầu tư đúng mức
Giai đoạn 2021-2025, thực hiện Luật Lâm nghiệp, chỉ đạo của Chính phủ về chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật, phát triển đồng bộ và tiếp tục phát huy kết quả trồng rừng giai đoạn vừa qua, cũng như khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh về phát triển rừng, NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đưa ra mục tiêu: “Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 60% vào năm 2025”; Tỉnh Lào Cai xác định nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng bền vững gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp là lợi thế của tỉnh, cùng định hướng phát triển cụ thể như sau:
- Phát triển ngành lâm nghiệp theo quy hoạch nhu cầu đầu ra của thị trường;
- Phát triển vùng nguyên liệu, lựa chọn loài cây trồng phù hợp với vùng sinh thái, quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh;
- Đẩy mạnh phát triển trồng rừng sản xuất, trồng cây gỗ lớn theo hướng gắn với quy hoạch, xây dựng, phát triển các nhà máy chế biến, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững.
- Thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của tỉnh; xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Lào Cai.
- Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc góp phần phát triển kinh tế du lịch. Quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả để đảm bảo tỷ lệ che phù rừng.
Để cụ thể hóa và thực hiện thành công những định hướng đã đề ra, ngay từ cuối năm 2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 về Đề án phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 04/02/2021 của UBDN tỉnh Lào Cai về Kế hoạch thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố, thị xã tham mưu, thực hiện một số giải pháp trọng tâm, cụ thể là:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, vào cuộc, gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đặc biệt là cấp xã trong việc triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương; Hàng năm, giao sớm chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến từng xã; gắn chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch với kết quả hoạt động của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu cấp xã; của người đứng đầu; phân công trách nhiệm đến từng đảng viên.
Trước mắt, năm 2021, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ: trồng mới 9.450 ha rừng, gồm 7.000 ha rừng trồng sản xuất, 550 ha rừng phòng hộ thay thế chuyển đổi mục đích, 300 ha rừng trồng thay thế nương rãy; 1.600 ha trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi mới 2.450 ha rừng, khoanh nuôi chuyển tiếp 2.550 ha rừng; bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng hiện có.
Thứ hai, xây dựng hệ thống chính sách phù hợp và đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng; hỗ trợ trồng rừng sản xuất tại các xã khó khăn (khu vực II, III); hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng. Ban hành các chính sách khuyến khích phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến lâm sản. Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng, tiến tới việc thực hiện thu phí dịch vụ hấp thụ cacbon rừng.
Thứ ba, huy động nguồn lực tổng hợp để thực hiện kế hoạch, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế như GREAT, SNV, KFW8, SRMN2… nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cho phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị của rừng, của cây xanh phân tán; đổi mới nội dung tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để đạt được hiệu quả, thay đổi tư duy, nhận thức của người dân; vận động tất cả các thành phần trong xã hội tích cực đầu tư trồng rừng, trồng cây xanh phân tán, tích cực tham gia quản lý bảo vệ rừng, PCCCR rừng, bảo tồn thiên nhiên.
Tăng cường công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các chính sách lâm nghiệp đến người dân địa phương, các doanh nghiệp; nâng cao vai trò trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ năm, đổi mới phương thức sản xuất, bằng việc đẩy mạnh hình thành các tổ, nhóm nông dân sở thích (nòng cốt) tiến tới hình thành các hợp tác xã lâm nghiệp mang tính chuyên môn cao và đáp ứng yêu cầu thị trường; Hình thành các hiệp hội nông sản để thúc đẩy sản xuất và hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và quảng bá sản phẩm lâm nghiệp của Lào Cai.
Với các biện pháp đồng bộ tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2025 như trên, cùng với sự vào cuộc thực hiện của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chắc chắn các mục tiêu nêu trên sẽ đạt kết quả mong đợi. Qua đó, tạo bước chuyển lớn trong sản xuất lâm nghiệp với giá trị sản xuất cao trên 1đơn vị diện tích đất canh tác, bình quân thu được 40 triệu đồng/ha; đồng thời tạo việc làm ổn định cho khoảng 60.000 người và tạo việc làm thời vụ cho khoảng 120.000 người; góp phần cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình nghèo sống ở vùng sâu, vùng xa; tăng thu nhập góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; an ninh, trật tự vùng nông thôn được ổn định; đồng thời tạo vanh đai xanh biên giới góp phần củng cố tuyến phòng thủ quốc gia; tạo điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, góp phần phục hồi và duy trì vai trò, chức năng đa dạng sinh học của các loại rừng, góp phần giữ các nguồn sinh thuỷ, chống xói mòn, bảo vệ đất, chống xâm thực, góp phần cải thiện môi trường sống xung quanh. Việc quản lý rừng theo hướng phát triển bền vững sẽ giúp giảm bớt thiên tai, hạn hán góp phần làm giảm biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, góp phần giúp môi trường được cải thiện theo hướng xanh, sạch, đẹp, tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng./.
Theo http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Tin tức khác