Tính đến nay, tỉnh Lào Cai đã công nhận được 56/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới (sau sáp nhập có 51/127 xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới); bình quân đạt 14,1 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn ước đạt 27 triệu đồng/người/năm.
Người dân huyện Bát Xát (Lào Cai) tham gia làm đường giao thông nông thôn (Ảnh: Hồng Minh) |
Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai cho biết, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Lào Cai đã xác định đây là chương trình khung để phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã trên địa bàn tỉnh. Từ đây, Lào Cai đã huy động cả hệ thống chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tham gia thực hiện.
Qua 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong khu vực nông thôn. Trong đó, chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được nâng cao; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; tiêu chí môi trường được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư cơ bản đồng bộ, hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống ở vùng nông thôn.
Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế, lao động có sự chuyển dịch tích cực; đời sống vật chất và tinh thần người dân khu vực nông thôn đã được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Tính đến nay, tỉnh Lào Cai đã công nhận được 56/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới (sau sáp nhập có 51/127 xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới); bình quân đạt 14,1 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến nay ước đạt 27 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn ước còn 13,7%. Trước đó, hết năm 2018, tỉnh Lào Cai không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, nhằm góp phần thực hiện chương trình từ đơn vị hành chính cấp nhỏ nhất, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Bộ tiêu chí về “Thôn nông thôn mới” và “Thôn kiểu mẫu”. Trong quá trình triển khai thực hiện, các huyện, thị xã, thành phố đã linh động áp dụng các cơ chế chính sách của tỉnh để hỗ trợ đầu tư các thôn, bản. Ngoài ra, một số huyện, thị xã, thành phố đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các thôn, bản từ nguồn ngân sách địa phương như: hỗ trợ nguyên vật liệu làm đường ngõ xóm; hỗ trợ thắp sáng đường quê; hỗ trợ xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh; hỗ trợ phát triển sản xuất… Đến nay, toàn tỉnh đã có 117 thôn kiểu mẫu, 131 thôn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn, bản các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã bổ sung nhiệm vụ thực hiện của Đề án vào trong chương trình của của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, gắn với xây dựng nông thôn mới các xã biên giới Việt - Trung trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.
Trong đó, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND, Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 1385. Đồng thời, UBND tỉnh ưu tiên bố trí lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ các xã thực hiện Đề án 1385 về đầu tư kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, theo đúng quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương trao đổi hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Hỗ trợ các chương trình, dự án phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thế mạnh của địa phương, tạo vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm nhằm tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân.
Đến nay, đời sống của người dân tại các xã thực hiện Đề án 1385 đã được nâng lên. Trong đó, có 1/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến hết năm 2020 có 3/13 xã được công nhận đạt chuẩn; bình quân đạt 13 tiêu chí/xã.
Từ những kết quả đạt được ở trên, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai cho rằng, để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống chính trị cần phải có quyết tâm cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục... Chỉ như vậy, mới có thể huy động toàn xã hội vào cuộc nhanh chóng và có hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền giúp khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của người dân. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện. Đồng thời, cần phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, bởi đây là yếu tố rất quan trọng. Thực tiễn cho thấy nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp thực sự quan tâm vào cuộc, thường xuyên, quyết liệt thì trong cùng hoàn cảnh khó khăn vẫn tạo ra sự chuyển biến rõ nét, hiệu quả.
Đi cùng với đó, cần phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ ở thôn, bản, người có uy tín. Mỗi cán bộ, đảng viên cần trở thành những điển hình gương mẫu, nhiệt huyết trong thực hiện chương trình. Đồng thời, cần quan tâm lồng ghép sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực khác. Việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ và không quá sức dân.
Thứ nữa, cần nắm chắc tình hình, chỉ đạo sâu sát thực tế, thường xuyên sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu có cách làm hay, mô hình điển hình; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong quá trình thực hiện sẽ giúp tiến độ xây dựng nông thôn mới nhanh hơn.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai, địa phương sẽ không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền để phù hợp với từng đối tượng, trong đó, nội dung tuyên truyền phong phú dễ nghe, dễ hiểu, dễ tiếp cận.
Mặt khác, rà soát, đánh giá cụ thể tình hình kinh tế - xã hội và thế mạnh của các xã; định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; lựa chọn ngành nghề mũi nhọn, thế mạnh để ưu tiên hỗ trợ đầu tư.
Với các xã vẫn chủ yếu là thuần nông, cần cơ cấu lại nông nghiệp, nông thôn, phát triển theo hướng bền vững; hỗ trợ phát triển các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường; ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết, hình thành các chuỗi liên kết bền vững.
Đi cùng với giải pháp trên là công tác ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; lồng ghép các nguồn vốn hợp lý, sử dụng nguồn lực hiệu quả, tránh lãnh phí. Quan tâm phát triển hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa và tăng cường phát triển, duy trì, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.
Mặt khác, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, cán bộ, đảng viên, người có uy tín hiểu rõ, nắm chắc cơ chế, chính sách, nhiệm vụ của chương trình cũng như chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần thực hiện hiệu quả hơn chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.
Theo dangcongsan.vn
Tin tức khác