Thời gian 24/11/2024 1:22 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Lan mokara nở bừng trên đất cát

Là thanh niên dám nghĩ, dám làm cùng với niềm đam mê sắc màu hoa lan, anh Huỳnh Văn Thiện (xã Bình Trị, Thăng Bình, Quảng Nam) đã quyết tâm dành toàn bộ công sức, vốn liếng đầu tư trại khởi nghiệp với loại hoa lan công nghiệp mokara. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh đã thành lập HTX nông nghiệp Nam An nhằm phát triển mô hình lan mokara, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.

Hiện thực hóa ước mơ từ chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạchBa Tơ: Bức tranh giảm nghèo nhiều khởi sắcHiệu quả thiết thực từ mô hình trồng rau an toàn của THT xã Hạ Long

Đam mê với lan

Anh Huỳnh Văn Thiện tốt nghiệp ngành cơ khí ô tô tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Ra trường, anh làm nhân viên thẩm định chất lượng linh kiện ô tô cho một tập đoàn Nhật Bản tại Việt Nam. Sau 5 năm, anh quyết định nghỉ việc về làm tự do.

hoa-lan-mokara-3298-1596103510.png

Nhận thấy tiềm năng từ lan mokara, anh Huỳnh Văn Thiện đã quyết định đầu tư khởi nghiệp (Ảnh: TL)

Là người mê hoa lan nên khi nghỉ việc, anh có nhiều nhiều thời gian hơn để sống với đam mê của mình. Thú chơi lan cảnh cũng bắt đầu từ đó. Anh đã đi khắp mọi miền đất nước, đến những “thủ phủ hoa lan” như Củ Chi, Đà Lạt để tìm hiểu. Nhận thấy nhiều người có thể làm giàu từ lan mokara công nghiệp và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình nên anh nảy ra ý tưởng làm giàu từ giống lan này.

Sau khi tìm hiểu và học hỏi kỹ về loại lan mokara, anh Thiện quyết định đầu tư.“Trước đây, mình có đi du lịch ở Củ Chi - vốn là thủ phủ của hoa lan. Vốn thích lan lâu lắm rồi, nhưng khi vào đây, mình càng mê hơn”, anh Thiện nói.

Theo anh Thiện, mokara là loại lan có thể thích nghi với điều kiện thời tiết nóng, độ ẩm cao nên anh tận dụng mảnh đất rộng hơn 100 m2 tại nhà vợ ở xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) để thí điểm mô hình vào năm 2017. Sau một thời gian, lan sinh trưởng phát triển tốt và ra hoa. Tuy nhiên chất lượng lan mokara đã không được như mong muốn.

“Khởi nghiệp thì ban đầu bao giờ cũng có rất nhiều khó khăn như về kỹ thuật, cách chăm sóc. Ban đầu do chưa nắm rõ cách chăm sóc nên lan cho bông ngắn cũng như ít, chưa đạt chuẩn. Để khắc phục điều đó, mình lên mạng internet cũng như học hỏi kinh nghiệm những người trồng lan lâu năm, từ đó mình trồng lan phát triển tốt và bông đạt được độ dài chuẩn”, anhThiện chia sẻ.

Mở rộng phát triển

Sau khi tìm ra hướng khắc phục được những khó khăn, anh Thiện bắt đầu tìm khách hàng tại địa bàn TP Hội An (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng. Hoa lan mokara của anh được khách hàng đánh giá cao, ưa chuộng nên cầu luôn vượt cung.

Anh-Thien-cham-soc-lan-mokara-5350-15961

Anh Huỳnh Văn Thiện chăm sóc lan mokara tại trang trại của mình (Ảnh: TL)

Chị Thái Ngọc Quỳnh Nga, chủ shop hoa Mys Flower (Hội An) cho biết: "Lâu nay, mình vẫn lấy lan ở những đầu mối khác tại miền Tây. Từ ngày Thiện tới giới thiệu về loại lan này, mình thấy chất lượng không kém gì. Hoa lan mokara được khách hành ưa chuộng nên mình đã quyết định đặt hàng lâu dài".

Tiếp nối những thành công ban đầu, anh Thiện đã đầu tư thêm trại lan mới rộng 700 m2, nâng tổng số gốc lan của cả 2 trại lên hơn 5.500 gốc.

Theo anh Thiện, chăm sóc lan mokara không quá khó nhưng đòi hỏi người trồng phải đam mê, tỉ mẩn. Để có vườn lan mokara đẹp, hiệu quả cao cần chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây hằng ngày, trong đó yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, các loại dịch bệnh cũng như dinh dưỡng cung cấp cho cây là đặc biệt quan trọng.

“Sắp tới, mình sẽ nhân rộng mô hình để có thể tạo ra những nông trại như ở Đà Lạt nhằm thu hút nguồn khách du lịch từ TP Hội An và phát triển vùng đông Quảng Nam thành vựa hoa”, anh Thiện nói và cho hay ước tính mỗi tháng, 2 trại lan cho thu hoạch khoảng 7.000 cành hoa. Với giá 8.000 đồng/cành, sau khi trừ chi phí, anh thu về khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng.

Để nhân rộng, phát triển mô hình trồng lan mokara, anh Thiện đã kêu gọi các nông dân tại xã Duy Hải thành lập HTX nông nghiệp Nam An với 7 thành viên do anh làm giám đốc. Đến nay, thu nhập của các thành viên HTX luôn ổn định, khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Chị Phạm Mơ, thành viên HTX cho biết: "Duy Hải vốn là vùng bạc ngàn cát trắng, gia đình tôi sống bằng nghề chài lưới cùng với trồng rau màu trên cát, nương nhờ nước trời, tuy nhiên thu nhập bấp bênh. Tham gia HTX, cùng phát triển trồng hoa lan mokara, đời sống gia đình đã dần khấm khá, ổn định hơn trước đây rất nhiều".

Hiện, HTX đang nỗ lực chuẩn bị cho việc mở rộng dự án và phát triển thương hiệu lan mokara trên vùng cát Duy Hải.

Mô hình trồng lan mokara của anh Thiện đã được chính quyền địa phương đánh giá cao, đặc biệt quan tâm đầu tư, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho HTX trong quá trình sản xuất để HTX có thể mở rộng thị trường. UBND xã kỳ vọng sẽ nhân rộng mô hình, mở ra hướng phát triển mới, giàu tiềm năng về kinh tế với hoa lan mokara, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Nguyễn Đan

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng