Đang gửi...
Thời gian 09/10/2024 5:18 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

Lan đột biến, những điều cần biết (kỳ 1)

Thời gian gần đây, “lan đột biến” đang là chủ đề gây tranh cãi trên nhiều hội, nhóm, diễn đàn; để rộng đường dư luận và minh xác các thông tin liên quan, Tạp chí Việt Nam Hương Sắc có loat bài phỏng vấn PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả về vấn đề này.

Chuyển nhượng lan với giá trị cao bất thường (nguồn Internet)

Hiện nay, cộng đồng mạng và rất nhiều nhà vườn, xôn xao thậm chí sửng sốt vì giá trị của lan đột biến, giá 1 cây lan cứ tăng đến giật mình, lúc đầu là giá 1,2 tỷ, rồi, 3,6 tỷ, đến 6,8 tỷ thậm chí đến hàng trăm tỷ…Các câu hỏi được đặt ra: thế nào là lan đột biến, ngoài tác dụng làm cảnh, lan đột biến còn có giá trị đặc biệt gì nữa không, mà lại đắt đến như vậy?, con người có thể tạo ra lan đột biến nhân tạo không?.  Những cây lan đột biến đắt đỏ đang được giao dịch có thể  nhân nhanh ra sản xuất đại trà được không? các thương vụ chuyển nhượng trên liệu có thật hay chỉ là chiêu trò?, công tác quản lý lan đột biến thuộc về cơ quan nào?, với giá trị cao như vậy thì liệu ngành nuôi trồng lan đột biến có tồn tại được lâu không, có thể xuất khẩu được lan đột biến ra nước ngoài không?, liệu lan đột biến có trở thành vết xe đổ như cơn sốt ảo chim cảnh, cây cảnh mấy năm về trước.... Đó là hàng loạt các câu hỏi mà dư luận đang quan tâm, cần có sự trả lời thích đáng từ các cơ quan hữu quan tránh những hệ lụy không đáng có.

PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng ban Hoa, cây cảnh - Hội Sinh vật cảnh Việt Nam - một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực hoa, cây cảnh ở Việt Nam đã có lý giải  về vấn đề này trên Tạp chí Việt Nam Hương Sắc.

PGS.TS Đặng Văn Đông tại vườn ươm lan của Viện

PV. Thưa ông, như ông đã biết, thời gian qua rất nhiều các giao dịch về lan đột biến với giá trị khủng, vậy với vai trò là 1 nhà khoa học nghiên cứu về cây hoa, ông có thể cho chúng tôi biết thế nào là “đột biến”; “lan đột biến”  

PGS.TS. Đặng Văn Đông: Cây hoa lan là một loại thực vật, mà đặc tính của thực vât có thể xảy ra quá trình biến dị sinh học. Biến dị sinh học chính là những biến đổi mới, mà cơ thể thực vật thu được do tác động của các yếu tố môi trường và do quá trình tái tổ hợp di truyền.

Biến dị sinh học bao gồm 2 loại đó là : Biến dị không di truyềnBiến dị di truyền.

Biến dị không di truyền (còn gọi là Thường biến): Là những biến đổi liên quan đến kiểu hình (tức các tính trạng như hình dáng, màu sắc hoa, kích thước lá, chiều dài đốt...) không liên quan gì tới vật chất di truyền, nên không truyền lại các tính trạng này cho các thế hệ sau, hoặc nếu gặp điều kiện phù hợp, có thể tự thay đổi về những tính trạng nguyên gốc.

Biến dị di truyền: Là những biến đổi có liên quan tới vật chất di truyền, trong loại biến dị di truyền này lại bao gồm 2 dạng đó là: Biến dị tái tổ hợpBiến dị đột biến.

Biến dị tái tổ hợp là những tổ hợp sắp xếp gen mới, do lai tạo (thụ phấn) mà đời con thu được khác với bố mẹ do sự phân ly độc lập và sự trao đổi chéo của các gen.

Biến dị đột biến là những biến đổi bất thường trong vật chất di truyền ở cấp độ phân tử (ADNgen) hoặc cấp độ tế bào (nhiễm sắc thể), dẫn đến sự biến đổi đột ngột của một hoặc một số tính trạng, những biến đổi này có tính chất bền vững và có thể di truyền cho các đời sau.

Đa số là đột biến gen là đột biến lặn và có hại, chỉ có một số ít có lợi, những đột biến lợi có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình tiến hóa và chọn giống, những cây trồng mang gen hoặc nhiễm sắc thế đột biến đã biểu hiện trên kiểu hình của cơ thể gọi là cây đột biến.

Từ những khái niệm trên cho thấy:

1. Việc xuất hiện “lan đột biến” là 1 hiện tượng tự nhiên của sinh vật, không chỉ diễn ra ở cây lan mà ở mọi loại cây trồng, mọi loại sinh vật, lan đột biến có từ lâu, tuy nhiên trước đây mọi người chưa chú ý, nên ít ai nhắc đến, giờ đây mọi người quan tâm nhiều, nên thấy có vẻ như “xuất hiện nhiều hơn”.

2. Những cây lan đột biến mà chúng ta thấy (từ thực tế hoặc trên hình ảnh) chưa chắc đã phải là lan đột biến từ sự “biến dị đột biến” (tức là đột biến như mọi người thường hiểu) mà còn có thể là do “Biến dị tái tổ hợp” tức là do quá trình thụ phấn (do con người hoặc do côn trùng, gió) đã tạo ra những hạt lan lai, để từ đó tạo ra những cây lan mới, khác với đặc tính của cây bố mẹ, khác màu hoa của cây bố, mẹ.

3. Trong một số cây mà mọi người gọi “đột biến”, có thể có cả những cây thường biến (biến dị không di truyền) tức là cây chỉ khác biệt với cây gốc (hoặc cây mẹ) ở một số thời gian và môi trường nhất định, sau đó nó sẽ trở về trạng thái, với những tính trạng ban đầu. Chính điều này lý giải tại sao, một số cây ban đầu có màu hoa này, sau lại chuyển sang màu hoa khác.

PV: Thưa ông, như ông phân tích như vậy lan đột biến, chưa hẳn đã là đột biến, vậy khi có cây lan đột biến có thể tiếp tục cho thụ phấn để tạo ra cây con hay nhân giống bằng cách nào?

PGS.TS. Đặng Văn Đông : Cây lan có thể nhân giống bằng hạt (hữu tính) và bằng giâm cành (vô tính). Với những phân tích ở trên, chúng ta đã phần nào hiểu được, nếu lan nhân giống bằng hữu tính (lầy phấn do cây tự thụ, côn trùng thụ, con người thụ…) thì hạt phấn sẽ bị phân ly, tức là cây con sẽ không còn giữ được đặc tính của cây mẹ nữa, do vậy phải nhân giống bằng vô tính mới giữ được đặc tính của cây mẹ

Nhân bằng vô tính cũng có 2 cách, đó là giâm cành bằng kie (các đốt thân) và nhân giống bằng Invitro (nuôi cấy mô), nếu nhân bằng kie ngoài vườn ươm hệ số nhân giống thấp, cây thường bị sâu bệnh hại, còn nhân bằng Invitro cây khỏe, hệ số nhân giống cao, sức sống cây con và cây sau này sẽ rất tốt nhưng đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, trang thiết bị nhiều, hiện đại. 

Phòng nuôi cấy mô Invitro và một kie “lan đột biến” khách hàng gửi Viện chăm sóc

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng chỉ có thể nhân bằng kie mới giữ được đặc tính của cây mẹ, nếu nhân bằng Invitro, cây con sẽ bị thay đổi, không còn giữ được đặc tính cây mẹ nữa, ông lý giải việc này thế nào ?  

PGS.TS. Đặng Văn Đông: Việc nhân giống bằng kie hay bằng Invitro đều cùng 1 bản chất đó là nhân lên từ mô tế bào.

Đặc điểm của thực vật nói chung và cây hoa lan nói riêng, đó là tính toàn năng, tức là từ 1 mô (thậm chí 1 tế bào) có thể phát triển thành 1 cây hoàn chỉnh, cây con hoàn toàn giữ nguyên đặc tính di truyền của cây mẹ. Do vậy tôi xin khẳng định việc nhân giống bằng Invitro không làm thay đổi đặc tính của cây con so với cây mẹ ban đầu, cây con được nhân từ 1 đoạn cành hoặc 1 mô của của cây mẹ, có thể cho ra hàng vạn cây con giữ nguyên hoàn toàn đặc tính của cây mẹ (trừ trường hợp cây mẹ đang ở trạng thái “ thường biến” nên có sự hiểu nhầm)

PV: Vậy tại sao các nhà khoa học hoặc các doanh nghiệp không đưa vào nhân nuôi cấy Invitro để chúng ta có nhiều cây lan quý ?

PGS.TS. Đặng Văn Đông: Vấn đề về khoa học thì không có gì phải bàn cãi, nhiều cơ sở có thể nhân nuôi được những cây lan đột biến này với những tính trạng được giữ nguyên như cây mẹ. Ở đây là vấn đề khác, đó có thể là do những người có cây, cứ nghĩ cây con nhân ra sẽ bị thay đổi đặc tính, nên không muốn dùng phương pháp Invitro, cũng có thể họ suy nghĩ cái gì hiếm thì sẽ đắt, nếu nhân bằng phương pháp Invitro, thì khi nhân nhiều rồi, sẽ mất đi giá trị quý và hiếm, nên họ không áp dụng phương pháp này.

Xin cảm ơn ông!

(Mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo)

 

Tin tức khác

  • Hội kỷ lục gia Việt Nam
  • Hội SInh vật cảnh tỉnh Đồng Nai
  • Nhà vườn Cảnh Lan Viên
  • Công ty sinh vật cảnh Thăng Long
  • TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH
  • Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam
  • Hội nhiếp ảnh Việt Nam
  • Hội đá cảnh Việt Nam