Thời gian gần đây đã nổi lên hàng loạt sự việc người dân báo cáo rằng mình bị lừa mua lan đột biến với giá trị cao, có người thậm bị lừa hàng chục tỉ đồng.
Nhiều người đã bỏ tiền hoặc thế chấp nhà, đất để đầu tư lan đột biến. Giá cả các loại lan đột biến cũng vì thế mà bị đẩy lên cao, từ vài trăm ngàn đồng đến vài tỷ đồng/cm.
Vậy, lan đột biến thực tế là hoa gì? Tại sao lại có sức hút mãnh liệt và giá trị cao đến vậy?
Lan đột biến - khái niệm được "thần thánh hóa"?
Để làm rõ những câu hỏi nêu trên, Dân trí đã liên hệ với PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả - một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực hoa, cây cảnh ở Việt Nam.
Theo giải thích của PGS.TS, lan đột biến chỉ là một khái niệm cơ bản trong thực vật học, nhưng được "thần thánh hóa", đã khiến nhiều người đã lầm tưởng, dẫn tới bỏ ra rất nhiều tiền vào đầu tư.
Theo lý giải của chuyên gia này, đặc tính của tất cả các loại thực vật là có thể xảy ra quá trình biến dị sinh học. Đây là những biến đổi mới, mà cơ thể thực vật thu được do tác động của các yếu tố môi trường và do quá trình tái tổ hợp di truyền.
"Cây hoa lan là một loại thực vật, và do đó, sự biến dị trên loài cây này là hoàn toàn bình thường, không có gì đặc biệt", PGS Đông cho biết.
Thực tế cũng ghi nhận lan đột biến là cụm từ đã có từ rất lâu, tuy nhiên trước đây mọi người chưa chú ý, nên ít ai nhắc đến. Giờ đây khi dư luận quan tâm nhiều, nên chúng ta thấy khái niệm này có vẻ như xuất hiện nhiều hơn.
Về giá trị của lan đột biến, cũng chưa có công trình khoa học nào công bố tác dụng làm dược liệu hoặc công dụng khác của loài cây này.
Nói cách khác, mức giá bị thổi phồng về lan đột biến, cũng như mức độ quý hiếm của chúng chỉ hoàn toàn dựa trên cảm quan cá nhân về cái đẹp và độ hiếm của người trồng hoa mà thôi.
Ngay cả những giao dịch "bạc tỷ" của lan đột biến cũng hoàn toàn không có sổ sách nào ghi lại, hoặc được cơ quan chức năng kiểm chứng. Do đó, đây hoàn toàn có thể chỉ là những "con số ảo" được thổi phồng lên nhằm tăng giá trị thực tế của cây lan vốn có.
"Lan đột biến", nhưng chưa hẳn là đã đột biến
Theo PGS. Đặng Văn Đông, có nhiều trường hợp những cây lan đột biến mà chúng ta thấy (từ thực tế hoặc trên hình ảnh) chưa chắc đã phải là lan đột biến từ sự "biến dị đột biến", mà còn có thể chỉ là "biến dị tái tổ hợp".
Trong đó, "biến dị tái tổ hợp" ở đây có thể hiểu là do quá trình thụ phấn (do con người hoặc côn trùng, gió) đã sinh ra những hạt lan lai, để từ đó tạo ra những cây lan mới, khác với đặc tính của cây bố mẹ, khác màu hoa của cây bố, mẹ.
Sự khác biệt này không phải là "biến dị đột biến" trong quá trình sinh trưởng, mà đã hình thành ngay từ khi cây hoa lan sinh ra, do đó về giá trị mà nói, chúng không thể so sánh với những trường hợp đặc biệt.
Cũng có trường hợp, một số cây mà mọi người gọi "đột biến", có thể có cả những cây thường biến (biến dị không di truyền) tức là cây chỉ khác biệt với cây gốc (hoặc cây mẹ) ở một số thời gian và môi trường nhất định, sau đó nó sẽ trở về trạng thái, với những tình trạng ban đầu. Điều này đã lý giải hiện tượng một số cây lan đột biến ban đầu có màu hoa này, sau lại chuyển sang màu hoa khác.
Một trường hợp khác cũng dễ bắt gặp, đó là những cây hoa bị nhiễm virus khiến chúng thay đổi cấu trúc sinh học, chứ thật ra chẳng hề có sự đột biến nào ở đây.
"Hồi thế kỷ 17, hoa tulip trồng ở Hà Lan bỗng dưng có một vài bông bị nhiễm virus nên có sọc màu. Thứ bị lỗi bỗng dưng thành lạ, thành quý, thành giá đắt. Đến mức một bông tulip đỉnh điểm bán được nhiều tiền hơn một căn nhà khang trang ở trung tâm Amsterdam", PGS. Đặng Văn Đông kể lại.
Thế rồi như ai cũng biết, "bong bóng" tulip bị vỡ, và "tulipmania" (tạm dịch: hội chứng hoa tulip) đi vào các trang sách giáo khoa kinh tế như một ví dụ điển hình của việc đầu cơ lợi nhuận dựa trên ước đoán tâm lý thị trường.
Đối với lan đột biến ở Việt Nam, PGS. Đặng Văn Đông cho biết cũng có tình trạng như tương tự, nhưng không nhiều.
Lý giải cho "cơn sốt bạc tỷ" của lan đột biến, PGS. Đặng Văn Đông nhấn mạnh sở dĩ hình thành nên trào lưu này là do sự thổi phồng quá mức của người chơi lan, cũng như do các cơ quan chức năng chưa có biện pháp can thiệp đủ mạnh.
Đặc biệt những người sản xuất, kinh doanh cây trồng nói chung và hoa lan đột biến nói riêng cần phải tuân thủ các quy định trong Luật trồng trọt số 31/2018/QH14 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020).
Trong đó điều 9 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt đó là: (1) Sản xuất, buôn bán giống cây trồng chưa tự công bố lưu hành, (2) Sản xuất, buôn bán giống cây trồng không đáp ứng điều kiện sản xuất, buôn bán, hoặc sản phẩm cây trồng giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, (3) Cung cấp thông tin về giống cây trồng sai lệch với thông tin tự công bố.
Công an Hà Nội xác minh vụ chủ vườn lan đột biến "ôm" 11 tỷ đồng bỏ trốn
Ngày 13/4, Công an TP Hà Nội thông tin, Công an huyện Ứng Hòa đang phối hợp các đơn vị chức năng Công an Hà Nội xác minh thông tin liên quan đến vụ việc chủ vườn lan trên địa bàn huyện Ứng Hòa "ôm" tiền của khách mua lan rồi bỏ trốn.
Trước đó, ngày 12/4, Công an huyện Ứng Hòa tiếp nhận đơn trình báo của 3 công dân phản ánh về vụ việc trên.
Theo trình báo, 3 cá nhân trên đã chuyển tiền cho chủ vườn lan H. T. (địa chỉ tại xóm Chợ, thôn Đình Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa) để mua bán lan đột biến. Tuy nhiên, đến ngày giao cây, các cá nhân này không liên lạc được với chủ vườn lan, khi đến nhà không biết chủ vườn lan đi đâu.
Tổng số tiền theo đơn trình báo là khoảng 11 tỷ đồng. Trong khi đó, cộng đồng chơi lan đột biến rộ thông tin chủ vườn lan ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã "ôm" tới 200 tỷ đồng của khách.
Hiện Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Ứng Hòa phối hợp các đơn vị chức năng Công an TP khẩn trương xác minh, triệu tập những người có liên quan để điều tra, làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Theo Báo Dân Trí
Tin tức khác