Đang gửi...
Thời gian 09/10/2024 5:02 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

Lan đột biến - cơ sở khoa học và pháp lý để nuôi trồng và phát triển (kỳ 3)

Hai kỳ trước phóng viên tạp chí Việt Nam Hương sắc đã có các cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó viện trưởng viện nghiên cứu Rau quả, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Hoa cây cảnh - Hội sinh vật cảnh Việt Nam  về  khái niệm về lan đột biến, định hướng nuôi trồng và phát triển lan đột biến ở Việt Nam; Các bài viết đã lý giải vấn đề dựa trên cơ sở khoa học, nhìn nhận trên bình diện tổng thể từ việc nuôi, cấy, sản xuất cho đến thị trường… và đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ dư luận.

PGS.TS Đặng Văn Đông và sản phẩm lan Hồ điệp nhân giống từ nuôi cấy mô

 

Kỳ này chúng tôi sẽ trao đổi về cơ sở khoa học và pháp lý để nuôi trồng và phát triển lan đột biến ở Việt Nam:

PV: Thưa ông, như ông đã trao đổi ở 2 kỳ trước, độc giả đã hiểu được rõ hơn bản chất của lan đột biến là gì, những định hướng để nuôi trồng phát triển lan đột biến ở Việt Nam, vậy xin ông cho biết chúng ta đã có những cơ sở khoa học nào để phát triển lan đột biến này ?

PGS.TS Đặng Văn Đông: Như đã giải thích ở các kỳ trước, những cây lan được gọi là đột biến hiện nay, gọi tắt là lan đột biến, có hai loại.

 

Loại thứ nhất sinh ra do ảnh hưởng của sự tái tổ hợp ngẫu nhiên và tương tác đặc thù của các gen bố mẹ, dẫn đến một vài đặc tính khác lạ không giống cả cây bố lẫn cây mẹ hoặc vượt trội hơn hẳn cây bố mẹ. Hiện tượng này được gọi là biến dị tổ hợp, rất bình thường và phổ biến trong tự nhiên ở cả động thực vật và đã được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Ví dụ như các nhà tạo giống ngô cố gắng để các cây ngô giao phấn chéo với nhau thay vì tự thụ phấn để nâng cao khả năng cao xuất hiện cây con, với năng suất chất lượng cao hơn hẳn cây bố mẹ. Hay nói vui một chút, trong xã hội có nhiều cặp vợ chồng “thấp, bé” lại sinh được đứa con cao hẳn 1,8m. Rất có thể một số cây “lan đột biến” được tìm thấy trong tự nhiên thuộc dạng biến dị tổ hợp này. Với loại lan này, nếu để cây nhân giống hữu tính tự nhiên (bằng hạt) thì những đặc tính đặc biệt sẽ mất dần, cây sẽ dần trở về trạng thái giống các cá thể khác cùng loài/cùng giống, và do đó sẽ không còn quý hiếm nữa.

 

Loại thứ hai xứng đáng với từ đột biến hơn vì những khác biệt kiểu hình của chúng quả thực đến từ sự biến đổi đột ngột rất “tình cờ” trong bộ gen và hoàn toàn khác biệt với gen của bố, mẹ hay bất cứ cá thể nào khác trong cùng loài. Những biến đổi này xảy ra do sai sót trong giải mã và sao chép gen khi cây hình thành, sinh trưởng và phát triển, loại này rất hiếm gặp trong tự nhiên. Chúng có thể được di truyền trong tự nhiên hay không tùy vào loại mô/tế bào cây xảy ra đột biến. Do đó, loại lan đột biến này vô cùng hiếm, phải may mắn mới có thể tìm được. Một số cây lan đột biến thuộc giống lan phi điệp chúng ta thấy xuất hiện trong thời gian gần đây có thể nằm trong số cá thể đột biến hiếm hoi này.

 

Việc phát hiện ra các cá thể lan “đột biến” (nếu dùng thuật ngữ khoa học chính xác thì phải gọi là “biến dị”), dù là thuộc loại nào nói trên, là đều rất quý và rất đáng trân trọng. Ngoài việc bán hay trao đổi với mục đích thương mại, cá nhân hoặc tổ chức nếu khám phá ra được các cá thể lan đột biến và duy trì sự ổn định của bộ gen của chúng qua các thế hệ, thì hoàn toàn có thể công bố giống mới và được bảo hộ bởi pháp luật Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Về lý thuyết, công nghệ nuôi cấy mô tế bào (nuôi cấy in vitro) cho phép mọi tế bào/mô đột biến đều có thể được nuôi trồng thành cây đột biến hoàn chỉnh và có thể truyền lại cho thế hệ sau. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như lý thuyết. Mỗi cá thể lan đòi hỏi điều kiện nuôi cấy in vitro khác nhau và vô cùng nghiêm ngặt, do đó, cần khá nhiều thời gian, công sức và vốn đầu tư nghiên cứu mới có thể công bố bản quyền một giống lan hoàn chỉnh và phát triển được giống đó ra sản xuất đại trà. (không giống như một số bài báo nói việc này rất đơn giản)

 

Công nghệ hiện đại ngày nay cho phép con người thay tự nhiên tạo ra đột biến. Rất nhiều giống cây trồng có giá trị cao hiện nay được tạo ra từ đột biến nhân tạo, được thúc đẩy bởi tác nhân vật lý (tia UV, tia phóng xạ, sốc nhiệt, …) hoặc hóa học (EMS, NMU, Colchicine, …). Những đột biến này không có định hướng, mang tính may rủi (có thể tạo ra cây hoa nhiều màu vô cùng diễm lệ, nhưng cũng có thể tạo ra cây không có hoa, hoặc hoa dị dạng), nên cần có sự sàng lọc lựa chọn rất kỹ càng sau đột biến. Để có thể gây đột biến chính xác một gen cụ thể (ví dụ gen kháng sâu bệnh, gen chịu hạn mặn, gen cho cánh hoa màu trắng tuyền, cánh hoa màu trắng môi màu hồng v.v), các nhà khoa học sử dụng phương pháp biến đổi gen hoặc chỉnh sửa gen. Tuy còn có nhiều tranh cãi về tính pháp lý và hệ lụy xã hội - môi trường của những phương pháp này, nhưng không thể không công nhận tính đột phá của chúng trong việc tạo ra những giống cây trồng không những có năng suất cao, chất lượng tốt, màu sắc độc đáo mà còn có khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là những bệnh khó phòng trừ.

 

Như vậy về cơ sở khoa học, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để có thể phát hiện, tạo ra và phát triển hoa lan đột biến (không chỉ với phi điệp mà còn cho nhiều chủng loại lan khác) thực tế ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều đã ứng dụng và đã mang lại thành công.

 

Nhiều giống Lan Hồ Điệp mới, đẹp, được tạo ra bằng đột biến nhân tạo và biến dị tái tổ hợp

 

PV: Với những cơ sở khoa học như vậy, liệu chúng ta có thể phát triển lan đột biến và các loại lan khác thành sản phẩm hàng hóa lớn, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới?

PGS.TS Đặng Văn Đông: từ những cơ sở khoa học trên, có thể khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể phát triển lan phi điệp đột biến, hoặc 1 loài lan đột biến nào đó thành hàng hóa lớn.

 

Nếu chúng ta biết khai thác các thế mạnh về nguồn gen ( một số loài lan đặc hữu chỉ Việt Nam mới có); khai thác thế mạnh về các điều kiện tự nhiên khí hậu của các vùng miền ở Việt Nam; nếu chúng ta đầu tư 1 cách bài bản, đồng bộ; áp dụng các công nghệ tiên tiến; nếu chúng ta có niềm tin cũng như lòng đam mê và có sự hợp tác giữa các nhà vườn, giữa nhà quản lý, nhà khoa học với người sản xuất, kinh doanh thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm tòi phát hiện, tạo ra được nhiều giống hoa lan biến dị khác, đồng thời phát triển các giống lan mới này thành hàng hóa lớn, đủ sức cạnh tranh với các cường quốc về hoa (ví dụ chúng ta có thể tạo ra hàng vạn chậu hoa lan phi điệp đột biến, có chất lượng cao, giá thành hạ, cạnh tranh với các loại lan hoàng thảo của Thái Lan, hoa hồ điệp của Đài Loan..) không những phục vụ thị trường trong nước và mà còn để xuất khẩu.

 

PV:  Cơ sở khoa học đã có, vậy còn cơ sở pháp lý thế nào ? những giao dịch về lan đột biến trên thị trường vừa qua, đã tuân thủ các quy định hiện hành chưa ?

PGS.TS Đặng Văn Đông: Về cơ sở pháp lý, việc phát hiện, tạo giống mới, nhân giống, phát triển giống, sản xuất kinh doanh giống, cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

 

Theo điều 157, Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019 thì tổ chức, cá nhân chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng được quyền bảo hộ quyền đối với giống cây trồng đó. Do vậy những tổ chức cá nhân nào có giống lan đột biến, thì nên làm các thủ tục để “bảo hộ” giống đó tránh việc tranh chấp bản quyền xảy ra sau này.

 

Mặt khác theo điều 9, Luật Trồng trọt số: 31/2018/QH14 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020). Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt gồm: (1). Sản xuất, buôn bán, giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành; (3). Sản xuất, buôn bán giống cây trồng không đáp ứng điều kiện sản xuất, buôn bán; (3). Sản xuất, buôn bán  giống cây trồng không rõ nguồn gốc. (5). Cung cấp thông tin về giống cây trồng, sai lệch với thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sai lệch với thông tin tự công bố.

 

Như vậy thì khi muốn sản xuất, kinh doanh 1 giống cây trồng nào đó, thì giống đó phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng (hoặc phải có bản quyền giống, hoặc phải chứng minh giống đó là do mình phát hiện, tạo ra, hoặc phải chứng minh giống đó được 1 tổ chức cá nhân - là chủ thể bảo hộ giống - chuyển nhượng, chuyển giao cho mình). Đồng thời tổ chức cá nhân trước khi sản xuất kinh doanh giống, phải tự công bố lưu hành giống.

 

Các giao dịch lan đột biến vừa qua chưa rõ, đã đáp ứng được những điều kiện đó chưa, nếu chưa đáp ứng được thì cần phải lưu ý những quy định này để bổ sung cho đầy đủ, mới được phép kinh doanh. 

 

PV:  Theo ông, nếu các giao dịch lan đột biến đó chưa đủ cơ sở pháp lý, thì cần phải có giải pháp thế nào để khắc phục tình trạng này thưa ông ?

PGS.TS Đặng Văn Đông : Theo như ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ NN PTNT đã trả lời trên báo Đất Việt ngày 6/8/2020,  Cục Trồng trọt đã ban hành một văn bản mới nhất gửi cho tất cả các đơn vị, đề nghị các Sở NN&PTNT địa phương kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, sản xuất các loại giống cây trồng chưa được công bố lưu hành, hoặc chưa tự công bố lưu hành, đảm bảo các quy định của pháp luật, trong đó có cả cây phong lan".

 

Theo tôi để đảm bảo quyền lợi cho cả người bán và người mua thì những người đang kinh doanh lan đột biến cần tìm hiểu để công bố tự lưu hành giống đó, và khi bán cần có những cam kết đảm bảo đúng giống, chất lượng, cả việc hướng dẫn cho người mua các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lan đó.

 

PV: Là 1 Ủy viên Thường vụ Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, ông có khuyến cáo gì cho những hội viên Sinh vật cảnh, những người đã, đang và sẽ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hoa lan đột biến.

PGS.TS Đặng Văn Đông: Hiện nay đang có rất nhiều các thông tin, thậm chí trái chiều về vấn đề này, do vậy trước hết tôi muốn đề nghị tất cả các hội viên Sinh vật cảnh cũng như mọi người dân đã đang và sẽ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hoa lan đột biến hãy bình tĩnh, sáng suốt chọn lọc những thông tin chính thống, tránh những thông tin thất thiệt. Với những người đang có kế hoạch đầu tư, hãy tìm hiểu kỹ thị trường, tìm hiểu kỹ về giống cây lan đột biến, suy nghĩ về hệ lụy của nó (nếu đầu tư một số tiền lớn mà không tiêu thụ được), để có quyết định sáng suốt.

 

Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan thông tin, truyền thông hãy thông tin các sự việc về lan đột biến một cách khách quan, trung thực, có cơ sở, không nên lúc quá cổ súy, lúc quá tiêu cực về cây lan đột biến. Cần kiểm chứng 1 số thông tin trước khi đăng tải trên báo, nhất là các quan điểm của các nhà quản lý, nhà khoa học, tránh gây hoang mang hoặc gây sự hiểu nhầm không đáng có.

PV

Tin tức khác

  • Hội kỷ lục gia Việt Nam
  • Hội SInh vật cảnh tỉnh Đồng Nai
  • Nhà vườn Cảnh Lan Viên
  • Công ty sinh vật cảnh Thăng Long
  • TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH
  • Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam
  • Hội nhiếp ảnh Việt Nam
  • Hội đá cảnh Việt Nam