Thực tế khảo sát, đánh giá chất lượng các thành phần môi trường tại khu vực nông thôn của ngành chức năng cho thấy môi trường nước mặt ao, hồ, sông ngòi, môi trường nước dưới đất cơ bản bị ô nhiễm một số chỉ tiêu đặc trưng như: DO, BOD5, COD, TSS, Fe, nitrite, photphat, amoni; mangan. Riêng môi trường đất chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm, tuy nhiên hàm lượng các kim loại nặng có xu hướng tăng nhẹ. Môi trường không khí có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ. Về các loại chất thải phát sinh: Chất thải chăn nuôi là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất ở khu vực nông thôn hiện nay. Toàn tỉnh có khoảng hơn 50.000 hộ, trang trại chăn nuôi nhỏ, lẻ trong khu dân cư , tổng khối lượng chất thải phát sinh khoảng 2.175 tấn/ngày. Đối với chất thải đồng ruộng, mỗi năm, thải ra môi trường khoảng 16.894 kg bao bì, chai, lọ hóa chất bảo vệ thực vật đã sử dụng. Đây là nguồn thải thuộc danh mục độc hại cần thu gom, xử lý đúng quy định. Chất thải từ hoạt động trồng trọt như rơm rạ, thân các loài cây lương thực sau thu hoạch cũng chiếm tỷ trọng khá lớn và không được tái sử dụng, thường được đổ thải và đốt ngay trên đồng ruộng, đặc biệt vào những thời điểm mùa thu hoạch, việc đốt tập trung một khối lượng lớn rơm rạ đã gây hiện tượng khói mù, ô nhiễm môi trường không khí cho các vùng lân cận…
Hội phụ nữ chung tay làm sạch đường làng, ngõ xóm.
Trước thực trạng đó, nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả đã được các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, các địa phương hưởng ứng tích cực theo đúng lộ trình của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025. Hiện nay, nhiều phong trào làm sạch môi trường nông thôn đã được duy trì và đi vào nền nếp. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động và duy trì phong trào thu gom rác thải, phế thải, làm sạch ruộng đồng, vớt bèo, rác, khơi thông dòng chảy các kênh mương, làm sạch đường làng, ngõ xóm; vận động nhân dân không đốt rơm rạ tại cánh đồng, bờ ruộng... Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người dân về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học; áp dụng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ; phổ biến nhân rộng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ, phục vụ lại cho trồng trọt; quy hoạch một số vùng chăn nuôi tập trung theo hướng phát triển ngành chăn nuôi quy mô trung bình và lớn, di dời các cơ sở chăn nuôi ra khu chăn nuôi tập trung, có phương án, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, theo hướng tái tạo làm chất đốt bằng hầm bioga; chỉ đạo, hướng dẫn người dân sử dụng, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật không có nguồn gốc rõ ràng hoặc đã bị cấm. Nhiều địa phương chú trọng cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng; thường xuyên nạo vét bùn, tiêu diệt các loài côn trùng gây bệnh truyền nhiễm. Xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước có nắp kín tại các thôn, làng; hệ thống các trạm xử lý nước thải tập trung cho các khu dân cư nông thôn. Bố trí lắp đặt các thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tổ chức thu gom định kỳ 6 tháng/lần, chuyển đến đơn vị có chức năng xử lý.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã duy trì tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, làm sạch đường làng, ngõ, xóm; “Ngày Thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ Nhật xanh”; triển khai 16 mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường (mỗi huyện, thị xã, thành phố 2 mô hình) gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng một số mô hình điểm “Khu dân cư không rác thải”, phân loại chất thải tại nguồn; nhân rộng mô hình làng 3 sạch, mô hình đường hoa, mô hình điểm làng nông thôn mới kiểu mẫu; các điểm tập kết rác thải thường xuyên áp dụng các biện pháp đánh đống, phun chế phẩm, dùng vật liệu chống thấm bao phủ bề mặt hạn chế phát tán mùi, không để rác thải tràn ra ngoài. Tỉnh cũng đang triển khai xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu vực nông thôn; xây dựng kè, gia cố bờ các ao, hồ, đầm và tập trung đầu tư xây dựng các lò đốt rác công suất nhỏ theo số lượng đã đăng ký, hoàn thành đúng tiến độ, giải quyết thỏa đáng bài toán rác thải nông thôn hiện nay, hướng tới mục tiêu sáng, xanh, sạch, đẹp.
Theo Báo Bắc Ninh
Tin tức khác