Thời gian 06/11/2024 6:43 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

Làm giàu từ nuôi cá cảnh

Với mô hình sản xuất, kinh doanh cá cảnh, ông Hồ Nhuận Đăng Sơn, ngụ phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An nhiều năm liền được Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.

Nói về cơ duyên đến với nghề sản xuất và kinh doanh cá cảnh, ông Hồ Nhuận Đăng Sơn chia sẻ, sau khi ra trường năm 1992, với vốn kiến thức được học từ Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, ông bắt tay vào nuôi gà công nghiệp với quy mô lớn. Tuy nhiên, cơ duyên không đến với người kỹ sư nông nghiệp nhiều hoài bão, đợt dịch bệnh cúm gia cầm năm 2003 đã làm cho bao vốn liếng của ông gần như tiêu tan. Đứng dậy sau thất bại, ông Sơn bắt đầu tìm tòi và chuyển sang đầu tư vào nuôi cá cảnh.

Ông Hồ Nhuận Đăng Sơn bên hồ cá dĩa của mình

Ông Sơn cho biết: “Muốn nuôi cá cảnh hiệu quả, người nuôi phải có tính kiên trì, đam mê và có vốn hiểu biết về cá. Lúc đầu khi mới chuyển sang nuôi cá, tôi phải cố gắng học tập qua sách, báo và tham gia các đợt đào tạo ngắn hạn của các trường chuyên về thủy sản. Ngoài ra, tôi còn đi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với những anh em có chung niềm đam mê cá cảnh trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó mà vốn kiến thức về cá cảnh của tôi ngày càng nhiều hơn và việc sản xuất, kinh doanh cá cũng đạt hiệu quả cao hơn”.

Qua tìm hiểu và học hỏi từ những người đi trước, ông Sơn biết được loài cá dĩa Nam Mỹ có nhiều chủng loại và là loài cá có tiềm năng cao, dễ nhân giống, lai tạo và được thị trường ưa chuộng. Ban đầu, ông Sơn chỉ mua cá con về nuôi, khi đủ lớn thì bán. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, ông phát hiện và nghiên cứu lai tạo ra nhiều loại giống và ươm cá con cung cấp cho thị trường cá cảnh.

Được biết, sau vài lứa cá đầu, ông bán lẻ cho thương lái, để có thêm vốn tái sản xuất và đầu tư mở rộng thêm. Khi số lượng cá tương đối nhiều, ông chủ động tìm đến các cửa hàng kinh doanh cá cảnh trong và ngoài tỉnh để liên kết tiêu thụ. Nhờ sản phẩm đẹp, đa dạng và đáp ứng được thị hiếu của người chơi cá cảnh, cá cảnh của ông có đầu ra ổn định cho đến nay.

Hiện nay, ông Sơn có khoảng 300 hồ kính, 500 bể bạt để nuôi, ươm cá dĩa, cá bảy màu và 1,2ha ao nuôi để ươm các loại cá cảnh như trân châu, bình Tihchs, hồng tượng,... Doanh thu trung bình hàng năm của gia đình ông khoảng 3 tỉ đồng. Ngoài ra, ông còn hợp tác với nhiều hộ nuôi, ươm cá ở trong và ngoài tỉnh để cung cấp cá cảnh ra thị trường trong nước và thế giới.

Ông Sơn cho biết thêm: “Cá cảnh được bán theo số lượng đầu con chứ không phải cân nặng nên người nuôi cá cảnh không cần đặt nặng vấn đề cá phải lớn nhanh mà chú trọng đặc biệt vào ngoại hình, màu sắc cá. Cá càng có ngoại hình đẹp, chủng loại càng quý thì càng bán được giá. Như hiện tại, tại cơ sở của tôi, có rất nhiều chủng loại cá dĩa Nam Mỹ như cá dĩa bồ câu, cá dĩa Đỏ,… trong đó, cá dĩa Albino (cá dĩa bạch tạng) được ưa chuộng nhất và có giá bán dao động từ 800 ngàn đến vài triệu đồng/cặp bố mẹ”.

Ngoài ra, ông Sơn cũng đang nghiên cứu thêm về loài cá dĩa với mong muốn vừa giảm giá thành, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, qua đó tăng lợi nhuận cho người nuôi cá cảnh.

Với những nỗ lực của mình, liên tục 10 năm liền, ông Sơn được công nhận Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 5 năm liền là Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Ông Sơn nhận được nhiều bằng khen, bằng vinh danh và giấy khen cấp thành phố, cấp tỉnh và Trung ương. Trong đó, ông vinh dự 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 1 lần được Trung ương Hội Nông dân tặng bằng khen và 1 lần Hội Sinh vật cảnh Việt Nam vinh danh./.

Bùi Tùng

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng