Trong những năm gần đây, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất vùng ven đô vốn đất hẹp, người đông, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, mạnh mẽ, thành phố Mỹ Tho đã tích cực vận động hộ nông dân chuyển đổi từ mô hình canh tác truyền thống, độc canh cây lúa sang mô hình nông nghiệp đô thị, đa dạng hóa các giống cây trồng và vật nuôi, sản xuất theo nhu cầu thị trường và ứng dụng khoa học, công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản hàng hóa. Nhiều hộ nông dân áp dụng sáng tạo mô hình nông nghiệp đô thị đã vượt khó, thoát nghèo và làm giàu bền vững. Đi tiên phong có nông dân Cao Văn Đẹp, sinh năm 1955, cư ngụ tại Khu phố 1, Phường 9, thành phố Mỹ Tho.
Ông Cao Văn Đẹp phát biểu tham luận tại Hội nghị điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tỉnh Tiền Giang. |
Gia đình ông Đẹp có truyền thống làm nông nghiệp. Với diện tích đất canh tác 2.000m2 (0,2 ha), trước đây, ông chuyên trồng rẫy với các loại hoa màu cung ứng thị trường như: Rau, cải, hành, hẹ, khổ qua, dưa leo,... mùa nào thức nấy. Tuy nhiên, đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh và thu nhập không cao, đời sống hộ dân còn gặp khó khăn.
Nhờ được tập huấn những kiến thức khoa học trong sản xuất nông nghiệp và giới thiệu, định hướng về việc chuyển đổi từ thuần nông sang xây dựng những mô hình nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện thực tiễn của gia đình, vài năm gần đây, ông Đẹp đã chuyển sang trồng hoa kiểng phục vụ thị trường, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Theo ông Đẹp, mô hình này rất phù hợp với điều kiện sản xuất đất hẹp, người đông, tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ và đầu ra sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế cao.
Với 2.000m2 đất canh tác, mỗi vụ hoa Tết, ông Đẹp trồng từ 4.000 đến 5.000 giỏ hoa, các chủng loại được thị trường ưa chuộng như: Cúc Hà Lan, cúc Vàng Hòe, hoa sống đời, các loại kiểng bonsai,... Theo ông Đẹp, thời gian trồng và chăm sóc một vụ hoa Tết thường kéo dài từ 03 đến 04 tháng tùy theo chủng loại hoa. Ngoài vụ hoa Tết, ông còn tận dụng đất canh tác trồng thêm các loại hoa bán chưng hàng ngày và cây kiểng phục vụ nhu cầu thị trường mà chủ lực là: Vạn thọ, mào gà, sứ, các loại cây kiểng khác... Các loại hoa và kiểng này tiêu thụ gần như quanh năm.
Ngoài ra, ông Đẹp còn đóng chuồng trại chăn nuôi với quy mô 50 con thỏ sinh sản, nuôi thỏ thịt,... Trung bình mỗi tháng, ông cung ứng ra thị trường từ 60 đến 80 con thỏ thịt, hàng trăm con thỏ giống,... Dưới ao mương, ông thả thêm 2.000 con cá tai tượng cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, gia đình ông Đẹp thu lãi ròng trên 270 triệu đồng/năm, cao gấp chục lần so với trồng rau màu trước đây. Từ khi chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp đô thị, kinh tế gia đình ông trở nên khấm khá.
Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Đẹp còn tham gia Hội Nông dân, được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chi hội phó Chi hội nông dân Khu phố 1. Trên cương vị công tác của mình, ông tích cực hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho hội viên trong khu phố, giúp bà con cùng làm giàu theo mô hình nông nghiệp đô thị. Vừa qua, ông được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen về thành tích nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang.
Nhờ sự hưởng ứng tích cực của những nông dân tiên phong như ông Cao Văn Đẹp từ việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố Mỹ Tho đã góp phần thiết thực giúp cho diện mạo nông nghiệp - nông thôn các xã ven đô thị thay đổi hẳn, thịnh vượng lên từng ngày. Những mô hình làm ăn mới, hiệu quả lan tỏa rộng, nông dân vùng ven đô giàu có hẳn lên, 100% số xã ven đều được công nhận đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới. Năm 2020, xã Tân Mỹ Chánh được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, đồng thời hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2021.
Theo http://tiengiang.gov.vn/
Tin tức khác