Để nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương nói chung và ngành sinh vật cảnh (SVC) nói riêng phát triển theo đúng định hướng, phù hợp với quy hoạch... đặc biệt đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giúp chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, việc lập Dự án “Hình thành vùng sản xuất và cung ứng các loại SVC vùng phía nam Bình Dương giai đoạn 2018- 2022” là rất cần thiết.
Mô hình trồng lan mokara cắt cành đạt hiệu quả kinh tế cao ở thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo
Sự cần thiết
Ngành SVC được phát triển tại phía nam tỉnh Bình Dương từ khá lâu, nhiều sản phẩm được biết đến như nuôi trồng hoa lan, hoa mai, bon sai, cá cảnh… Với tốc độ đô thị hóa ngày một cao thì ngành SVC là một trong những hướng đi đúng đắn mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, nhìn chung phát triển ngành SVC vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa hình thành khu vực sản xuất tập trung, chưa thật sự góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, nông thôn sang sản xuất nông nghiệp đô thị.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1153/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án “Hình thành vùng sản xuất và cung ứng các loại SVC vùng phía nam Bình Dương giai đoạn 2018-2022”. Mục tiêu của dự án là hình thành vùng chuyên sản xuất và cung ứng các loại SVC bao gồm: Hoa lan, hoa mai, bonsai, cây kiểng, cá cảnh... cung cấp cho thị trường vùng kinh tế đô thị phía nam và từng bước tham gia xuất khẩu. Đồng thời, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, tận dụng các nguồn lực sẵn có để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tạo cảnh quan, nét đẹp đô thị, góp phần giải quyết nhu cầu giải trí của người dân. Cụ thể, nâng diện tích trồng và kinh doanh SVC lên 139 ha. Trong đó, hoa lan 70 ha, hoa mai và các loại cây cảnh - bon sai khác 69 ha, nâng quy mô nuôi cá cảnh các loại lên 2,9 triệu con. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 160 - 180 triệu đồng/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên hoa lan, hoa mai, bonsai - cây cảnh từ 1,1 - 1,3 tỷ đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người tham gia sản xuất nông nghiệp đô thị đạt 70 - 80 triệu đồng/năm.
Sản xuất bền vững
Dự án được triển khai có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành một ngành sản xuất hiệu quả, ổn định và bền vững trên địa bàn tỉnh. Chi cục Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì phối hợp các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã, thành phố vùng nam Bình Dương, hội nghề nghiệp có liên quan, hộ sản xuất và cung ứng SVC trên địa bàn các thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2020- 2022 ở các phường, xã, thị trấn thuộc TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, cơ sở giống tổ chức thực hiện theo hình thức xã hội hóa, lựa chọn đối tượng là các hợp tác xã, trang trại trồng, kinh doanh hoa lan, nuôi cá cảnh trên địa bàn có năng lực về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm để hỗ trợ thực hiện. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu để khuyến khích các đơn vị đầu tư. Thời gian sau, các đơn vị sản xuất, kinh doanh tự chủ trong việc quản lý, vận hành sản xuất, kinh doanh, chuyển giao kinh nghiệm cho người sản xuất khác, Nhà nước chỉ tuyên truyền, quảng bá để hỗ trợ các cơ sở giống này phát triển.
Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tạo sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất, hình thành các ngành sản xuất mới thích ứng với điều kiện giảm về diện tích sản xuất và giảm về lao động. Trong quá trình đó, ngành sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ven đô thị đã hình thành và phát triển trong thời gian gần đây, với các lợi thế về thị trường, nguồn vốn, nguồn khoa học công nghệ… Bình Dương đã xác định nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là định hướng phát triển của sản xuất nông nghiệp. Trong đó các đối tượng sản xuất mới như hoa, cây cảnh, cá kiểng có hiệu quả kinh tế cao, tiềm năng thị trường lớn. Vì vậy Dự án “Hình thành vùng chuyên sản xuất và cung ứng các loại SVC vùng phía nam Bình Dương giai đoạn 2018-2022” có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành một ngành sản xuất hiệu quả, ổn định và bền vững trên địa bàn.
Theo BD
Tin tức khác