Thời gian 24/11/2024 9:01 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Kiến trúc cảnh quan - Một chặng đường phát triển

Kiến trúc cảnh quan đã có một lịch sử phát triển lâu dài, nhưng lĩnh vực này vẫn chưa được phát triển mạnh ở Việt Nam. Nhân dịp thành lập Chi hội KTS Cảnh quan, cùng kienviet điểm lại những dấu mốc của kiến trúc cảnh quan trên thế giới.

Ngày 11 tháng 1 vừa qua, Chi hội KTS Cảnh quan chính thức được thành lập trực thuộc Hội KTS Việt Nam, đánh một dấu mốc quan trọng, xác định vai trò của cảnh quan đối với không gian đô thị và nông thôn cũng như đối với kiến trúc nói chung. Bởi dù đã được đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học đào tạo kiến trúc, kiến trúc cảnh quan vẫn là một lĩnh vực mới mẻ và chưa được quan tâm đúng mức tại Việt Nam.

Link đăng ký tham gia Chi hội: https://bom.to/lCxjrZTKf

Chia sẻ về sự kiện này, PGS.TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên cho biết: “Tôi may mắn được bước chân ra khỏi Việt Nam lần đầu tiên và lần thứ hai là đến những nơi mà kiến trúc cảnh quan phát triển từ rất sớm, hiệp hội KTS cảnh quan ở đó rất có vị trí, có tiếng nói mạnh mẽ với chính quyền đô thị.

Năm 1999 tôi đến Hà Lan và Pháp, năm 2000 đến Canada. Tại những nước này hội KTS cảnh quan của các thành phố có nhiều chương trình hoạt động và hàng năm họ có giao lưu với nhau. Năm 2000, thành phố tôi ở (Montreal) đã diễn ra một cuộc trưng bày quy mô lớn các tác phẩm đạt giải trong cuộc thi quốc tế về kiến trúc cảnh quan (mà giải nhất đến từ Trung Quốc với tác phẩm Trái tim cây – là một cái cây uốn bằng kim loại, trên đó có những hình trái tim được đắp đất trồng hoa. Kiểu này hiện vẫn đang được dùng rất nhiều tại Việt Nam trong đường hoa ngày Tết). Khách du lịch từ Châu Âu bay sang để xem triển lãm. Khu triển lãm dài mấy cây số đi mỏi chân không hết các tác phẩm… Ngày đó tôi ước mơ Việt Nam cũng có những hoạt động như thế, cảnh quan cũng được coi trọng như thế…

Nhân sự kiện này hãy cùng kienviet.net điểm lại chặng đường phát triển của kiến trúc cảnh quan trên thế giới.

Lịch sử ngành cảnh quan bắt nguồn từ Châu Âu

Không chỉ ngành cảnh quan mà các ngành nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc đều bắt nguồn từ cái nôi nghệ thuật Châu Âu. Trong giai đoạn trước năm 1800, lịch sử của kiến trúc cảnh quan là làm vườn cảnh, phần lớn là quy hoạch tổng thể và thiết kế sân vườn cho trang viên, cung điện hoàng gia, khu tôn giáo và trung tâm làm việc của chính phủ. (Một ví dụ là tác phẩm mở rộng vườn cho Vua Louis XIV của Pháp tại Cung điện Versailles.)

Thuật ngữ kiến trúc cảnh quan lần đầu tiên được Gilbert Laing Meason (người Anh sinh ra ở Scotland) sử dụng năm 1828. Sau đó thuật ngữ “làm vườn cảnh quan” được dùng nhiều tại khắp các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ.

Mặt bằng cảnh quan cung điện Versailles, Pháp

Một góc cung điện nhìn từ trên cao

Một góc cung điện nhìn từ trên cao

Sự hình thành Hiệp hội Kiến trúc Cảnh quan:

Giai đoạn 1900 – 1939: Giai đoạn này thể hiện sự phát triển ban đầu của các cơ quan chuyên môn đại diện cho nghề KTS cảnh quan đang nổi ở nhiều nước châu Âu và các nước không thuộc châu Âu. Nhiều cơ quan trong số này đã đưa ra các cấu trúc và kiểm soát để giáo dục và thực hành nghề nghiệp. Một mối quan hệ chặt chẽ sau đó đã được xây dựng giữa các cơ quan chuyên môn và các cơ sở giáo dục mà lúc đó hầu hết là liên kết với các trường đại học.

Năm 1948, Liên đoàn KTS Cảnh quan Quốc tế (IFLA) được thành lập tại Cambridge, Anh với Chủ tịch đầu tiên là Sir Geoffrey Jellicoe. Nó đại diện cho 15 tiểu bang từ châu Âu và Bắc Mỹ.

Năm 1978, trụ sở chính của IFLA được thành lập tại Versailles, Pháp. Trụ sở chính hiện tại của IFLA đặt tại Pháp. IFLA hiện đại diện cho 77 hiệp hội nghề nghiệp thành viên đến từ châu Phi, châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Á Thái Bình Dương.

1. Liên đoàn Kiến trúc Cảnh quan Thế giới | International Federation of Landscape Architects (IFLA)

Nhiệm vụ: Hoạt động với tư cách là KTS cảnh quan tạo ra môi trường sống cân bằng và bền vững trên toàn cầu vì lợi ích của nhân loại trên toàn thế giới.

IFLA chính thức đại diện cho cơ quan kiến trúc cảnh quan thế giới thông qua các hiệp hội thành viên và các khu vực cũng như trong các tổ chức chính phủ và phi chính phủ như LHQ, UNESCO, UIA, v.v…

Sứ mệnh: Thúc đẩy nghề kiến trúc cảnh quan trong sự hợp tác của các ngành nghề xây dựng, đòi hỏi các tiêu chuẩn cao nhất về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và thực hành chuyên môn, đồng thời cung cấp nhân sự lãnh đạo và quản lý trong mọi lĩnh vực liên quan.

2. Liên đoàn KTS Cảnh quan châu Âu | IFLA Europe

Liên đoàn KTS Cảnh quan Quốc tế Khu vực châu Âu được thành lập vào ngày 4 tháng 4 năm 1989 với tư cách là Tổ chức Kiến trúc Cảnh quan châu Âu nhằm giải quyết cụ thể các vấn đề chuyên môn và giáo dục về kiến trúc cảnh quan châu Âu. Nó được thành lập bởi đại diện của 12 Hiệp hội Quốc gia: Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, cộng với Ireland và Hy Lạp có đại diện không có mặt tại cuộc họp. Hiện nay IFLA châu Âu có 34 thành viên và đại diện cho hơn 20.000 KTS cảnh quan trên khắp châu Âu.

3. Hiệp hội Kiến trúc Cảnh quan Hà Lan (NVTL) | Netherlands Association For Landscape Architecture

Hiệp hội Kiến trúc Cảnh quan Hà Lan (NVTL) thúc đẩy và nuôi dưỡng kiến trúc cảnh quan và sân vườn chất lượng cao ở Hà Lan. Đơn vị này đại diện cho lợi ích của nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực của đời sống công cộng, kích thích sự phát triển hơn nữa của nghề nghiệp và đưa khách hàng tiếp xúc với các KTS cảnh quan có trình độ.

NVTL là một hiệp hội mở với hơn 800 thành viên, đại diện cho nhiều hoạt động hành nghề chuyên nghiệp của Hà Lan. Điều này làm cho Hiệp hội trở thành nền tảng rõ ràng để phát triển nghề nghiệp và thúc đẩy sự nghiệp của kiến trúc vườn và cảnh quan ở Hà Lan theo nghĩa rộng nhất.

4. Hiệp hội KTS Cảnh quan Canada (CSLA)

Được thành lập vào năm 1934. Hiệp hội KTS Cảnh quan Canada (CSLA) là một tổ chức chuyên nghiệp với 2.348 thành viên kiến trúc cảnh quan, 615 thành viên cộng tác (hoặc thực tập sinh) và 669 sinh viên. Là tiếng nói của nghề nghiệp ở Canada, CSLA là người ủng hộ các thành viên về các vấn đề như thiết kế đô thị, đổi mới đô thị, phát triển bền vững, sức khỏe và hạnh phúc con người, biến đổi khí hậu và di sản văn hóa…

Kể từ khi thành lập, CSLA đã nâng cao nhận thức và đánh giá cao về kiến trúc cảnh quan cũng như sức sống của nghề ở Canada và trên toàn thế giới. CSLA dành riêng cho việc thúc đẩy nghệ thuật, khoa học và thực hành kiến trúc cảnh quan…

Một điều thú vị khi tìm hiểu về cảnh quan ở Canada: Cảnh quan được thiết kế song song với kiến trúc và ở một số công trình kiến trúc, cảnh quan được xem trọng hơn kiến trúc. Tại Khoa Kiến trúc Đại học tổng hợp Montreal, khi dạy đồ án kiến trúc nhà ở nhỏ, các thầy sẽ dạy học trò tạo ra một khu vườn, tạo các yếu tố cảnh quan trước, sau đó đặt công trình vào và thiết kế sao cho công trình hài hòa sân vườn và sao cho kiến trúc cảnh quan ngôi nhà của mình hài hòa với cả khu dân cư. Không phải nhà mình lúc nào cũng phải “trội hơn”.

5. Liên đoàn KTS Cảnh quan khu vực châu Á – Thái Bình Dương | IFLA Asia Pacific Region (IFLA APR)

Liên đoàn KTS cảnh quan khu vực châu Á – Thái Bình Dương (IFLA APR) trực thuộc Liên đoàn KTS Cảnh quan thế giới. APR bao gồm các đại biểu được đề cử bởi các tổ chức kiến trúc cảnh quan chuyên nghiệp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là thành viên của IFLA. Hiện tại có 14 tổ chức thành viên bao gồm: Úc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Sri Lanka và Thái Lan. Các đại biểu đại diện cho các quốc gia của họ và cùng nhau làm việc, hợp tác để giải quyết các vấn đề và dự án kiến trúc cảnh quan trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mỗi năm APR tổ chức Đại hội do một trong các quốc gia thành viên đăng cai. Các Đại hội này tạo cơ hội cho các KTS cảnh quan và các ngành nghề có liên quan khác kết nối với các đồng nghiệp từ khắp nơi trong khu vực và trên thế giới, đồng thời tìm hiểu các vấn đề thời sự ảnh hưởng đến thế giới và hiểu được vai trò của mình trong việc giải quyết những vấn đề đó.

Tác phẩm “Vườn của người khổng lồ” của nghệ sĩ Andy Cao hợp tác cùng Swarovski Crystal Worlds, Wattens, Áo. Nguồn ảnh: Caoperrotstudio.com

Một điểm đến thú vị cho cả trẻ em lẫn người lớn ở quảng trường Habima, Tel Aviv, Israel.

Sculptural Playground ở Schulberg, Đức. Đây là khu vui chơi trẻ em lấy ý tưởng là một “tác phẩm điêu khắc trong không gian”

High Line  – Không gian xanh này vốn là tuyến đường sắt không còn sử dụng ở New York, Hoa Kỳ.

Lối vào nhà vườn rợp bóng cây của nhà vườn An Hiên, Huế

Tổng hợp: Anh Tuấn
Biên soạn theo tài liệu của KTS Nguyên Hạnh Nguyên

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng