Sau buổi hội thảo lần 1 tại Hà Nội, hội thảo khoa học xây dựng “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới” lần này được tổ chức tại TPHCM với mong muốn ghi nhận các ý kiến các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương, hội nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo – nghiên cứu khoa học, đơn vị tư vấn và các chuyên gia cả nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam để đóng góp cho công tác hoàn thiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tới, đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước.
Phát biểu khai mạc, bà Trần Thu Hằng – Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của bản Định hướng Phát triển kiến trúc Việt Nam trên cơ sở Luật Kiến trúc được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 13/6/2019, và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và nhiệm vụ của Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng tổ chức triển khai Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 để góp phần thực thi có hiệu quả Luật Kiến trúc trong các giai đoạn tới.
Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 112/2002/QĐ-TTg, bộ mặt kiến trúc Việt Nam đã có nhiều thay đổi đáng ghi nhận. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa đáp ứng được cá yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế xã hội, cũng như các mục tiêu lớn về quản lý và phát triển kiến trúc. Đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang phát triển kinh tế xã hội và hội nhập mạnh mẽ với khu vực, sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, các hiện tượng thiên tai và biến đổi khí hậu đang có xu hướng gia tăng phức tạp cả về cường độ và tần xuất, các trào lưu kiến trúc mới như kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững đang phát triển trở thành một xu thế tất yếu… đang đặt ra rất nhiều yêu cầu về một định hướng kiến trúc Việt Nam đồng bộ, khoa học, đề cao các giá trị hiện đại và bản sắc, nhân văn trong giai đoạn tới.
Tại hội thảo, sau một số bài tham luận có tính gợi mở và giới thiệu các nội dung vấn đề chính của TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; ông Trần Ngọc Chính – Chủ tích Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam; ông Đỗ Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Trường Lưu – Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM; ông Hồ Chí Quang – Phó vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng; hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến chuyên gia đóng góp rất sâu sắc, từ tổng thể đến chi tiết theo các nhóm vấn đề như: Định hướng hoàn thiện thể chế pháp luật phát triển kiến trúc, định hướng hoàn thiện môi trường hành nghề kiến trúc, kiến trúc bản sắc vùng miền, kiến trúc thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu, định hướng kiến trúc với ứng dụng phát huy công nghệ mới trong đó đặc biệt là công nghệ số thời kỳ hội nhập… Các ý kiến đều thống nhất: trong bối cảnh mới, kiến trúc Việt Nam cần được định hướng để phát triển đa dạng, hiện đại, nhưng có bản sắc riêng, có quan hệ chặt chẽ với các yếu tố bản địa tự nhiên như khí hậu, môi trường, phong tục tập quán, đặc trưng văn hóa lối sống cộng đồng. Cùng với đó, các vấn đề phát triển đô thị bền vững, đô thị thông minh, đô thị xanh với các xu hướng kiến trúc sinh thái, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường… cần được xem xét định hướng ưu tiên trong sự phát triển của kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tới. Tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng, để đóng góp có hiệu quả và phát triển bền vững kinh tế xã hội đất nước.
Các chuyên gia phát biểu đóng góp ý kiến tại buổi hội thảo
Theo Tạp chí kiến trúc