Từ khi thành lập từ năm 1997 đến nay, Hội sinh vật cảnh (SVC) tỉnh Hà Nam đã trải qua 5 kỳ đại hội. Nếu như các kỳ đại hội trước, công tác tổ chức xây dựng hội chú trọng vào việc kiện toàn hội các huyện, thành phố thì đến đại hội lần thứ v nhiệm kỳ 2015-2020, Hội SVC tỉnh chú trọng phát triển các câu lạc bộ SVC chuyên ngành; SVC với các hoạt động văn hoá - xã hội; SVC với sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ.
Hội SVC tỉnh hiện có trên 3.200 hội viên, hoạt động đều khắp ở 6 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài các chỉ hội, CLB SVC theo khu vực địa lý, trong nhiệm kỳ qua nhiều CLB SVC chuyên ngành được thành lập. Hiện nay, Hội SVC tỉnh có 6 CLB trực thuộc, gồm: cây đá cảnh nghệ thuật, hoa lan, chim cá cảnh, nghệ nhân SVC, họa mi chiến và CLB chào mào hót. Việc thành lập các CLB đã góp phần nâng cao chất lượng, sự đồng đều của những dòng sản phẩm chuyên ngành, quy mô bố trí xây dựng quy củ hơn. Với sự đầu tư đó, trong nhiệm kỳ đã có 24 nhà vườn được chứng nhận là nhà vườn tiêu biểu. Từ các nhà vườn này đã có hàng trăm tác phẩm SVC được chọn trưng bày triển lãm các cấp và mang về nhiều giải vàng, bạc, đồng cho các hội viên. Chỉ tính trong nhiệm kỳ 2015 2020 đã có khoảng gần 700 lượt tác phẩm SVC của Hà Nam tham gia giao lưu, trưng bày, triển lãm ở Trung ương, khu vực và trong tỉnh. Ở tỉnh, hội cũng đã tổ chức được 2 lần triển lãm quy mô lớn, mỗi lần trên 1.000 tác phẩm của Hội SVC các tỉnh miền Bắc tham gia. Trong những lần đi dự triển lãm, Hội SVC Hà Nam đã đạt 32 giải vàng, bạc, đồng và khuyến khích cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các tổ chức.
Bên cạnh các hoạt động chuyên ngành, Hội SVC Hà Nam còn có nhiều đóng góp thiết thực vào công tác văn hóa -xã hội của tỉnh. Trong nhiệm kỳ, toàn hội đã góp 306 ngày công lao động đưa 226 cây hoa, cây cảnh bổ sung vào các nghĩa trang liệt sĩ với trị giá 304 triệu đồng. Trong các sự kiện lớn của các huyện, thị xã, thành phố, của tỉnh và đất nước, hội đều mang nhiều cây cảnh có giá trị nghệ thuật cao trưng bày tạo không khí trang nghiêm, long trọng. Năm 2010, CLB hoa lan cùng Ban thường trực hội đã tổ chức ghép lan vào thân cây cổ thụ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ thành phố Phủ Lý, trong đó có các loại lan như: quế, tam bảo sắc, cáo tím, phi điệp, hạc vĩ, lan kiếm, lan phượng với tổng số tiền 38 triệu đồng. Tham mưu Trung ương Hội thẩm định cấp bằng công nhận 12 cây di sản văn hóa cho huyện Thanh Liêm và Lý Nhân. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ Tết trồng cây, hội đã phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh mỗi năm trồng gần 100 cây bóng mát, cây ăn quả trên các trục đường liên thôn, nhà trường và đình, chùa, nơi thờ tự. Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều chỉ hội đã phối hợp cùng các đoàn thể địa phương trồng hoa, tạo cảnh quan ven đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, cán bộ hội viên toàn tỉnh còn tích cực đóng góp ủng hộ các quỹ do Đảng, Nhà nước và Ủy ban MTTQ các cấp phát động như thiên tai lũ lụt, quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, tặng 22 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi.
Hà Nam có dãy núi đá vôi chạy dài từ Ninh Bình đến Lạc Thủy, Hòa Bình. Tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu này, trong nhiệm kỳ qua, các hội viên Hội SVC tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh chế tác, tạo dáng tác phẩm non bộ, đá cảnh, sản xuất bể cảnh và ang chậu. Nhiều tác phẩm còn xuất khẩu được ra nước ngoài đã giúp nhiều hội viên có thu nhập cao. Điển hình như anh Nguyễn Cảnh Hiến (phố Động, Thanh Liêm) mỗi năm đều có các hợp đồng chế tác non bộ với giá trị bình quân khoảng 4 tỷ đồng/năm. Nhiều hội viên khác ít nhất cũng đạt từ 200 - 500 triệu đồng/năm. Cùng với đó, nghề trồng hoa, đào, quất cảnh ở Hà Nam được duy trì, phát triển. Với một phần diện tích hoa truyền thống nằm ở các địa phương Phù Vân, Liêm Chung, Liêm Chính (thành phố Phủ Lý) đã giúp nhiều hội viên có thu nhập. Nhiều hội viên với thú chơi chim, cá cảnh, gà tre đã dần dịch chuyển từ thú chơi đơn thuần sang cho sinh sản bán con giống cũng giúp nâng cao thu nhập. Hoa lan từ thú chơi tao nhã cũng đã trở thành ngành nghề kinh doanh cho thu nhập cao.
Ông Nguyễn Đức Bình, Phó Chủ tịch Hội SVC tỉnh cho biết: Từ ngày Hội SVC tỉnh Hà Nam được thành lập và nhất là hội SVC các huyện, thị xã, thành phố; chỉ hội các phường, xã và các CLB SVC ra đời đã làm cho các hoạt động hội ngày một phát triển sôi động. Hiện với 32% hội viên trên tổng số hội viên toàn hội làm kinh doanh và dịch vụ SVC, thu nhập kinh tế đã tăng lên rõ rệt. Theo số liệu thống kê, doanh số bán ra bình quân mỗi năm về hoa, cây cảnh đạt 40,5 tỷ đồng; đá cảnh, non bộ đạt 37 tỷ đồng. Hội SVC Hà Nam không còn hộ hội viên nghèo, số hộ khá chiếm 58%, hộ giàu chiếm 42%.
Phát huy những kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Hội SVC Hà Nam đề ra 5 nhiệm vụ, trong đó tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về trồng hoa, cây cảnh. Phát triển vùng trồng hoa ven sông Hồng ở Lý Nhân; động viên hội viên có khả năng kinh tế phát triển trồng hoa công nghệ cao trong nhà kính. Phối hợp cùng chính quyền cơ sở và nhân dân bảo vệ, chăm sóc các cây cổ thụ có giá trị lịch sử, văn hóa tại địa phương.
Nguồn: Báo Hà Nam
Tin tức khác