Thời gian 24/11/2024 6:14 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025

Sáng 23/4, tại thành phố Huế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh và đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT trên cả nước.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại cuộc họp

Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, tỉ lệ các xã đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới đã tăng rõ rệt so với các giai đoạn trước, đến năm 2020, tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 40%, các công tác bảo vệ môi trường đã được triển khai lồng ghép trong các hoạt động sản xuất kinh doanh trên tất các lĩnh vực nông nghiệp từ lâm nghiệp cho đến chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, xác định rõ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 là xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, hình thành các mô hình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường, các mô hình xử lý chất thải rắn quy mô liên xã; mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi và mô hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp xã ngày càng được nhân rộng và phát triển, nhờ đó việc thực hiện tiêu chí môi trường đã mang lại những kết quả thiết thực.

Cụ thể đến hết năm 2020, thông qua thực hiện Chương trình nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã giúp nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (cả nước khoảng 88,5%); tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia - QCVN 02:2009/BYT đạt 88% (cả nước 51%).

Công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn các xã được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tốt. Hoạt động thu gom rác thải và vệ sinh môi trường nông thôn được nhiều địa phương tích cực triển khai. Phát triển nhiều dạng mô hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến các địa điểm trung chuyển như: các doanh nghiệp, các tổ (đội), hợp tác xã,… góp phần từng bước xã hội hóa hoạt động quản lý chất thải rắn, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực nông thôn đạt 65%. Đặc biệt phong trào Ngày Chủ nhật xanh do tỉnh phát động đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần bảo vệ, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp,...

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, vận hành hệ thống xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp tục được chú trọng. Các địa phương đã tổ chức cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề ký cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường theo quy định thông qua các buổi tập huấn về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 77/97 xã đạt tiêu chí đạt tỷ lệ 79%...

Tại Hội nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được về công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2016-2020, đồng thời cùng trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm để tham gia thảo luận, đề xuất kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan về những giải pháp để thực hiện công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo phù hợp và hiệu quả hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, mặc dù các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. Nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, trong đó như: vấn đề nước sạch, xả thải và chất rắn, quy hoạch làng nghề sản xuất, lạm dụng chất hóa học.

Đồng thời, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đã đưa ra một số định hướng để khắc phục trong thời gian tới:

Cùng với việc đẩy mạnh việc tuyên truyền cần rà soát lại văn bản pháp luật, đặc biệt, các luật sửa đổi liên quan phát triển môi trường nông thôn; Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình đã được phê duyệt, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” gây lãng phí ngân sách;

Quản lý chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề sản xuất và sử dụng vật tư nông nghiệp, đặc biệt đối với khâu sử dụng; Tạo nhiều thị trường cho những nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn;

Xây dựng chương trình, đề tài nghiên cứu khuyến nông, các biện pháp trồng trọt thân thiện môi trường và không chạy theo chỉ tiêu, năng suất.

Theo mard.gov.vn

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng