Cây sanh bon sai độc đáo có giá hơn 300 triệu đồng
Những ngày gần đây, khu vực quảng trường sôi động hơn nhờ sự kiện Hội chợ giới thiệu sản phẩm làng nghề và trưng bày sinh vật cảnh. Trong đó, nổi bật là khu vực trưng bày cây cảnh, cây bon sai lúc nào cũng nhộn nhịp khách đến tham quan các tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Nằm ở dãy đầu hội chợ là nhà vườn Bảo Hưng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Khu vực này được chủ vườn trưng bày hàng chục cây bon sai cỡ lớn, mỗi cây (hoặc cặp) có giá từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Với thế long và tay bông mịn mà, cây sanh bon sai của nhà vườn Bảo Hưng có giá 1 tỷ đồng
Từ sáng sớm, các người làm của nhà vườn đã bận rộn tưới cây, tỉa cành tỉ mỉ với mong muốn giới thiệu đến khách hàng những tác phẩm bon sai nghệ thuật đẹp nhất.
Đưa chúng tôi tới vị trí trưng bày một cây sanh bon sai cỡ lớn, đại diện nhà vườn Bảo Hưng cho biết: “Cây sanh này có giá 1 tỷ đồng do sở hữu dáng long và tay bông mịn mà.
Để có được cây bon sai đẹp đòi hỏi người làm vườn phải có kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật tay nghề cao trong tạo thế, dáng cho cây.
Đến với hội chợ lần này, chúng tôi mong muốn được giới thiệu, quảng bá danh tiếng nhà vườn và làng nghề cây cảnh của địa phương; có cơ hội tìm kiếm khách hàng tiềm năng, nhất là ở tỉnh có điều kiện thu hút và phát triển công nghiệp như Vĩnh Phúc".
Chiêm ngưỡng 1 cây sanh có giá hơn 300 triệu đồng của một nhà vườn ở huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, nhiều khách hàng thích thú bởi sự kết hợp giữa cây, đá và nước.
Anh Lê Tuấn Hải, chủ nhà vườn cho biết: “Cây này có tuổi đời hàng trăm năm, không chỉ đắt giá bởi "dáng già" mà còn có sự kỳ công kè đá ở thân và rễ cây; hoa văn ở chậu cây cảnh cũng được đắp thủ công tinh xảo giúp tôn thêm dáng cho cây”.
Để có điều kiện tham gia hội chợ, mỗi nhà vườn phải chi hàng chục triệu đồng để vận chuyển các loại cây thế "khủng" từ nhiều tỉnh, thành lân cận đến.
Theo thông tin từ ngành công thương, kinh phí tổ chức hội chợ lần này không được tỉnh hỗ trợ mà từ nguồn xã hội hóa nên các doanh nghiệp, cá nhân phải đóng góp.
Tuy nhiên, với những hiệu quả tích cực từ việc giới thiệu, trưng bày sản phẩm, tiến tới đẩy mạnh xúc tiến thương mại nên các doanh nghiệp, cá nhân vẫn rất nhiệt tình đăng ký tham gia.
Anh Hải cho biết thêm: "Thông qua hội chợ, chúng tôi có điều kiện kết nối với nhiều khách hàng ở Vĩnh Phúc.
Qua những lần tổ chức hội chợ trước đây cho thấy, ngay cả sau khi kết thúc hội chợ, qua điện thoại, các khách hàng vẫn tìm về tận nhà vườn, nhiều giao dịch được thực hiện thành công qua mạng xã hội, do đó, chúng tôi luôn ủng hộ địa phương trong các dịp tổ chức hội chợ".
Ngoài khu vực trưng bày cây cảnh, cây bon sai, hội chợ còn có nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm của các làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, đá quý, đá phong thủy và các sản phẩm du lịch ở trong và ngoài tỉnh.
Hội chợ thu hút đông đảo khách tham quan vào các buổi tối, trong đó có nhiều doanh nghiệp, người dân ở các làng nghề trong tỉnh.
Họ đến đây không chỉ để mua sắm mà còn trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; nắm bắt, tìm hiểu các sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh bạn, từ đó phát huy khả năng sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm do mình làm ra.
Đây là yếu tố giúp bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Hội chợ giới thiệu sản phẩm làng nghề và trưng bày sinh vật cảnh được tổ chức lần này còn là sân chơi, thúc đẩy sự giao lưu giữa các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các nhà vườn, hướng tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả; kết nối giao thương các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo Báo Vĩnh Phúc
Tin tức khác