• header 1
  • Header 2
  • Header 3
  • Header 4
  • Header 5
  • Header 6
  • Header 7
Thời gian 10/05/2025 1:46 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Giảo cổ lam - loại "thảo dược trường thọ" đang gây sốt, được ví như nhân sâm phương Nam

Giảo cổ lam: Từ bài thuốc dân gian đến tiềm năng y học hiện đại

Từng là một vị thuốc trong y học cổ truyền, giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum) nay đang được giới khoa học phương Tây nghiên cứu và ca ngợi như một trong những loại “siêu thực phẩm” mới. Loại cây này mọc nhiều ở các vùng núi cao, ẩm ướt thuộc châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam, đặc biệt tại vùng núi phía Bắc như Sa Pa, Cao Bằng, Hà Giang.

Dân gian từ lâu đã dùng giảo cổ lam như một loại trà thảo dược giúp tăng tuổi thọ và cải thiện sức khỏe tổng thể. Trong những năm gần đây, với sự phát triển của khoa học y dược, giảo cổ lam dần được khám phá kỹ lưỡng hơn và cho thấy nhiều đặc tính đáng chú ý, thậm chí được ví như “nhân sâm phương Nam” nhờ chứa nhiều hợp chất tương tự với nhân sâm.

Lá giảo cổ lam.

Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Michael Aziz, chuyên gia y học tái tạo tại Mỹ, giảo cổ lam có chỉ số chống oxy hóa cao gấp 8 lần so với trà xanh, một loại thức uống vốn đã nổi tiếng về lợi ích sức khỏe.

Ông khuyên nên pha từ 1-2 thìa giảo cổ lam khô với 250ml nước nóng. “Vị của giảo cổ lam hơi đắng nhưng hậu ngọt, rất đặc trưng. Vị đắng này xuất phát từ các saponin, nhóm hoạt chất sinh học mạnh được cho là nắm giữ phần lớn công dụng y học của cây,” ông nói trên The New York Post.

Các saponin trong giảo cổ lam, cụ thể là gypenosides, có cấu trúc tương tự ginsenosides trong nhân sâm. Chúng có tác dụng kích thích enzyme AMP-activated protein kinase (AMPK), đóng vai trò then chốt trong điều hòa năng lượng tế bào, chống oxy hóa, kháng viêm, và cải thiện chuyển hóa.

Nhiều lợi ích sức khỏe nổi bật

Theo nghiên cứu, giảo cổ lam có nhiều lợi ích sức khỏe. Đầu tiên phải kể đến tác dụng giảm căng thẳng và lo âu. Một nghiên cứu tại Hàn Quốc thực hiện trên 72 người trưởng thành bị căng thẳng và lo âu mãn tính đã cho thấy kết quả khả quan. Sau 8 tuần sử dụng chiết xuất giảo cổ lam, nhóm tham gia báo cáo mức độ căng thẳng giảm đáng kể so với nhóm dùng giả dược. Dù không có sự khác biệt rõ ràng về hormone căng thẳng (như cortisol), nhưng những thay đổi trong cảm nhận chủ quan cũng là tín hiệu tích cực.

Giảo cổ lam cũng đặc biệt được quan tâm trong nghiên cứu điều trị tiểu đường type 2 - một trong những bệnh chuyển hóa phổ biến hiện nay. Tại Việt Nam, một nghiên cứu nhỏ với 16 bệnh nhân mới mắc bệnh được chia thành hai nhóm: nhóm uống trà giảo cổ lam (6g/ngày) và nhóm uống trà xanh, kéo dài trong 4 tuần. Kết quả cho thấy nhóm dùng giảo cổ lam có cải thiện rõ rệt về đáp ứng insulin.

Giảo cổ lam xấy khô làm trà.

Một nghiên cứu khác trên 25 bệnh nhân tiểu đường đang dùng thuốc điều trị cũng cho kết quả tương tự. Sau khi bổ sung thêm trà giảo cổ lam trong 8 tuần, nhóm này có chỉ số hemoglobin A1C và đường huyết lúc đói giảm đáng kể so với nhóm đối chứng.

Giảo cổ lam còn cho thấy hiệu quả tiềm năng trong kiểm soát cân nặng, hỗ trợ giảm cân. Một nghiên cứu thực hiện trên 117 người bị béo phì đã cho họ dùng 450mg chiết xuất giảo cổ lam hoặc giả dược trong 16 tuần. Kết quả: nhóm dùng giảo cổ lam giảm chỉ số BMI, lượng mỡ và tổng trọng lượng cơ thể rõ rệt. Cơ chế được cho là giảo cổ lam kích hoạt AMPK, giúp thúc đẩy quá trình đốt cháy mỡ và cải thiện chuyển hóa glucose, một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa.

Ngoài các lợi ích đã có bằng chứng lâm sàng ban đầu, giảo cổ lam còn đang được nghiên cứu trong điều trị các bệnh mãn tính như ung thư, Alzheimer, Parkinson, bệnh gan, tăng mỡ máu và lão hóa tế bào. Các thử nghiệm trên chuột và trong phòng thí nghiệm cho thấy hoạt tính chống viêm, bảo vệ tế bào thần kinh và làm chậm quá trình thoái hóa tế bào.

Tuy nhiên, Verywell Health lưu ý rằng phần lớn các nghiên cứu hiện nay mới dừng ở giai đoạn tiền lâm sàng, và chưa đủ mạnh để đưa ra khuyến cáo sử dụng đại trà với các mục đích điều trị bệnh nặng.

Giảo cổ lam được xem là tốt hơn trà xanh.

Dù được xem là an toàn, giảo cổ lam có thể gây một số tác dụng phụ nhẹ như buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, mờ mắt hoặc ù tai nếu sử dụng quá liều hoặc không đúng cách.

Đặc biệt, người đang dùng thuốc điều trị tiểu đường, huyết áp nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng giảo cổ lam, vì loại thảo dược này có thể làm hạ đường huyết hoặc huyết áp quá mức, dẫn đến nguy hiểm. Phụ nữ mang thai, người đang dùng thuốc chống đông máu hoặc điều trị bệnh lý mãn tính nên thận trọng khi sử dụng dưới dạng thực phẩm chức năng.

Giảo cổ lam không phải là “thần dược”, nhưng với chuỗi bằng chứng nghiên cứu đang ngày càng được mở rộng, loài cây này có tiềm năng trở thành một phần trong chế độ chăm sóc sức khỏe toàn diện, đặc biệt trong việc kiểm soát cân nặng, ổn định đường huyết và phòng chống lão hóa.

Trong bối cảnh xu hướng sống xanh, sống khỏe đang lên ngôi, giảo cổ lam có thể trở thành lựa chọn mới cho những người tìm kiếm phương pháp hỗ trợ sức khỏe từ thiên nhiên, dễ tiếp cận và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại Việt Nam.

Bích Bông
 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng