Làng nghề Sinh vật cảnh xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên có trên 30 hội viên tham gia trồng, sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh. |
Với mong muốn phát triển nghề sinh vật cảnh của địa phương, từ năm 2013, ông Đỗ Ngọc Phùng thành lập Làng nghề Sinh vật cảnh xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên với trên 30 hội viên tham gia trồng, sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh… Việc trồng và kinh doanh sinh vật cảnh đã mang lại mức thu nhập cao cho gia đình ông cùng nhiều hộ dân trong xóm; đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ông Đỗ Ngọc Phùng, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề sinh vật cảnh xã Quyết Thắng chia sẻ: "Có thể nói, trong khu vực xã Quyết Thắng có quỹ đất, tập hợp được một số hội viên có tay nghề; dần dần các hội viên học tập lẫn nhau; hiện nay, tất cả hội viên đều không thuộc hộ nghèo".
Với gần 24.00 hội viên, 5 năm qua, tổng doanh thu từ sinh vật cảnh của toàn hội đạt trên 200 tỷ đồng, nộp thuế ngân sách nhà nước hơn 2 tỷ đồng. Phát triển kinh tế sinh vật cảnh đã góp phần thúc đẩy hội viên làm giàu bền vững, góp phần làm đẹp cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Thanh, hội viên Hội Sinh vật cảnh Thái Nguyên cho hay: "Gia đình tôi tham gia vào Hội Sinh vật cảnh thấy kinh tế ổn định, tinh thần vui vẻ, sống vui, sống khỏe. Cây cảnh cũng là cây đẹp, có lợi ích cho môi trường".
Khi có chủ trương của Đảng và Nhà nước về phong trào xây dựng nông thôn mới, ngoài những tiêu chí về cơ sở hạ tầng thì còn phải kể đến tiêu chí là mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, vệ sinh môi trường, trong đó không thể không nhắc tới sinh vật cảnh gồm: cây cảnh nghệ thuật, cây bóng mát, cây ăn quả và hoa các loại. Đặc biệt, trong những năm qua, Hội Sinh vật cảnh Thái Nguyên đã đóng góp một phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, phát triển kinh tế; đồng thời, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhất là lao động nông thôn.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Thái Nguyên nhấn mạnh: "Chúng ta phải tăng cường công tác tổ chức, làm sao để liên kết lại, có các doanh nghiệp trong lĩnh vực sinh vật cảnh, đặc biệt là mô hình hợp tác xã trong sinh vật cảnh là vô cùng cần thiết; cho nên mong muốn có chính sách tập trung hỗ trợ tổ chức xã hội này, để có nhiều hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực sinh vật cảnh, đặc biệt là hợp tác xã hoa, bởi hơn 90% hoa nhập từ các tỉnh bạn. Điều đó có nghĩa là dư địa cho phát triển sinh vật cảnh là rất lớn; tập trung vào phát huy tiềm năng thế mạnh của kinh tế đô thị".
Xây dựng và phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, góp phần đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp và lao động nông thôn. Phát triển tổ chức Hội gắn với xã hội hóa hoạt động kinh tế nông nghiệp nông thôn nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập, xóa đói giảm nghèo, gìn giữ tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái là những định hướng, mục tiêu mà Hội Sinh vật cảnh tỉnh đang hướng tới. Trao đổi về nội dung này, ông Đinh Văn Thể, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Trong những năm qua, phong trào sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng đã khởi sắc, đảm bảo yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Hội Sinh vật cảnh gắn kinh tế với văn hóa, với tài nguyên thiên nhiên, với danh lam thắng cảnh, từ đó, tạo nên sức sáng tạo, phát triển văn hóa sinh vật cảnh phong phú, đa dạng".
Để phong trào sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mới mang tính bền vững, trước mắt cần đưa các loại hoa, cây cảnh là mặt hàng được ưu tiên phát triển trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị; thành lập mới các doanh nghiệp sinh vật cảnh; kịp thời nắm bắt những thông tin về nhu cầu thị trường, thực trạng sản xuất… Người sản xuất cũng cần nắm được những lợi thế về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, nguồn lao động… để đẩy mạnh các mô hình sinh vật cảnh có hiệu quả kinh tế cao./.
Theo ThainguyenTV
Tin tức khác