Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam. Chẳng hạn, tỉnh Ninh Thuận xây dựng chương trình tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại nuôi dê, nuôi cừu. Các tỉnh vùng ĐBSCL xây dựng, khai thác các yếu tố gắn với văn hóa, sinh thái sông nước như du lịch miệt vườn Vĩnh Long, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ); thưởng thức văn hóa, đàn ca tài tử ở Bạc Liêu; văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh; lễ hội trái cây, hoa cảnh miền Tây... Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp vùng, miền độc đáo, chất lượng, đã được khai thác, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.
Quang cảnh hội thảo |
Hiện nay, các mô hình HTX phát triển du lịch rất đa dạng, trong đó, có 2 dạng mô hình HTX du lịch nông nghiệp, nông thôn là: HTX sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch và HTX phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp nghỉ dưỡng (homestay).
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các trang trại, HTX thời gian qua chủ yếu mang tính tự phát, còn nhỏ lẻ và chưa được đầu tư đúng mức.
Theo ông Nam, hoạt động du lịch trong các trang trại, HTX nông nghiệp chủ yếu phát triển tự phát, không có quy hoạch nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch. Mặt khác, lao động làm việc trong các trang trại, HTX nông nghiệp không được đào tạo, thiếu kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về trang trại, HTX gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được hoàn thiện.
Khách du lịch tại một trang trại trồng hoa
Du lịch đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Điển hình như ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) có điểm du lịch cộng đồng rất nổi tiếng là bản Lác, thuộc xã Chiềng Châu.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch phát triển và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời thu hút và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nếu được quản lý và khai thác tốt, việc phát triển nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch sẽ là cầu nối để quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương và kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Hồng Phúc
Tin tức khác