Thời gian 24/11/2024 8:04 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Đồng hành với ngành hoa Lâm Đồng

Thông qua các hoạt động thiết thực và hiệu quả, Hiệp hội Hoa Đà Lạt từng bước thể hiện vai trò là tiếng nói chung cho cộng đồng nông dân, doanh nghiệp đồng hành với sự phát triển của ngành hoa thành phố Đà Lạt nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Trưng bày các giống hoa của thành viên Hiệp hội Hoa Đà Lạt tại hội nghị thu hút đầu tư nông nghiệp toàn quốc
Trưng bày các giống hoa của thành viên Hiệp hội Hoa Đà Lạt tại hội nghị thu hút đầu tư nông nghiệp toàn quốc

Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, giai đoạn 2017 - 2020, Hiệp hội đã đóng góp tích cực cho 2 kỳ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017 và lần thứ VIII năm 2019. Theo đó, Hiệp hội đã tổ chức cho 4 làng hoa trực thuộc và 20 thành viên doanh nghiệp trưng bày, quảng bá phong phú các loại hoa cắt cành, sản phẩm lá trang trí tại các tiểu cảnh đặc thù trong không gian hoa bên hồ Xuân Hương, Đà Lạt, lôi cuốn đông đảo lượng khách địa phương, khách du lịch và doanh nghiệp trong nước tham quan, tìm hiểu kết nối giao thương. Tại Vườn hoa thành phố Đà Lạt trong mỗi dịp tết đến xuân về, Câu lạc bộ Hoa lan của Hiệp hội còn tổ chức Hội thi “Hội tụ sắc màu hoa lan Việt Nam” với hàng ngàn tác phẩm hoa lan đặc sắc phục vụ nhu cầu thưởng lãm, tiếp cận kỹ thuật chăm sóc hoa lan của nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt với sự hỗ trợ của UBND thành phố Đà Lạt, Hiệp hội Hoa Đà Lạt xây dựng trang web https://dalatcity.org giới thiệu hoạt động của Hiệp hội và các thành viên doanh nghiệp trực thuộc, đồng thời thu hút khá nhiều lượng người địa phương và khách du lịch truy cập, tham gia bình chọn các tiểu cảnh hoa đẹp để tiếp tục quảng bá rộng rãi về sự đa dạng và đa sắc của các loại hoa Lâm Đồng trên thương trường trong nước và quốc tế. 

Đáng kể cũng trong hoạt động quảng bá, tư vấn, xúc tiến thương mại cho ngành hoa Lâm Đồng, Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp thiết thực, hiệu quả. Cụ thể, từ ngày 11 - 16/7/2019, Hiệp hội đã vận động 28 thành viên tham gia triển lãm hoa quốc tế Kunming - Trung Quốc, qua đó nắm bắt quy trình công nghệ chế biến hoa, bảo quản hoa sau thu hoạch. Và cũng trong năm 2019, Hiệp hội tổ chức cho 6 doanh nghiệp thành viên tham gia triển lãm quốc tế nông nghiệp Hortex tại TP Hồ Chí Minh. Hiệp hội còn phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan, Đại sứ quán Israel tổ chức cho hội viên gặp gỡ tìm hiểu thị trường, tiếp cận công nghệ sản xuất hoa tiên tiến trên thế giới. Trong tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội cùng với Sở Công thương khảo sát, xúc tiến thương mại cho ngành hoa tại các chợ đầu mối bán sỉ quy mô lớn thuộc các khu vực thị trường miền Tây, miền Nam, miền Trung và miền Bắc. Tuần lễ kỷ niệm 125 năm hình thành và phát triển Đà Lạt tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội có 9 thành viên tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoa Lâm Đồng trong Triển lãm quốc tế hoa cây cảnh và công nghệ làm vườn. Tính chung từ năm 2017 đến nay, Hiệp hội đã phối hợp với các doanh nghiệp thành viên tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, bảo quản, chế biến hoa gồm: “Công nghệ Israel trong bảo quản hoa sau thu hoạch”; “Công nghệ bảo quản hoa cắt cành sau thu hoạch theo công nghệ của Mỹ”; “Bản quyền giống cây trồng theo Luật Sở hữu trí tuệ”… Ngoài ra, trong cùng thời gian này, Hiệp hội tổ chức các hoạt động thiết thực khác như: Hội thảo online giới thiệu các giống hoa mới từ Israel; tọa đàm làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng “dội hàng hoa” cắt cành của Lâm Đồng trong dịp tết và một số giải pháp khắc phục; tổ chức hội viên tham quan quy trình sản xuất hoa công nghệ cao tại Công ty TNHH Dalat Hasfarm và Công ty TNHH Trường Hoàng; hỗ trợ hội viên tham gia các dự án khảo nghiệm các giống hoa mới, nâng cao năng suất, chất lượng hoa với các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Sản xuất giống hoa cấy mô xuất khẩu tại doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Hoa Đà Lạt
Sản xuất giống hoa cấy mô xuất khẩu tại doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Hoa Đà Lạt

Đặc biệt, trong năm 2018 và năm 2020, Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã chủ động đề xuất các buổi làm việc với UBND tỉnh và UBND thành phố Đà Lạt trình bày những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động của Hiệp hội và các thành viên, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ để tiếp tục phát triển hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành hoa địa phương...

Đến nay với 107 thành viên doanh nghiệp, làng hoa, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, Hiệp hội Hoa Đà Lạt tiếp tục thông qua mục tiêu chung để phấn đấu thực hiện trong 5 năm tới là: “Hỗ trợ hội viên nâng cao năng lực về mọi mặt, mở các lớp đào tạo tập huấn, tiếp cận thêm các nguồn lực, áp dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật mới nhất, tiên tiến nhất trong sản xuất, góp phần làm cho ngành hoa Lâm Đồng ngày càng phát triển bền vững…”.

Hoa công nghệ cao - tiềm năng và thách thức 

Đó là góc nhìn của doanh nghiệp được Giám đốc Công ty Công nghệ Sinh học F1 Hồ Anh Dũng chia sẻ.

Theo đó, với góc nhìn của doanh nghiệp, qua thông tin chung về sản xuất hoa của tỉnh hiện nay đang canh tác trên diện tích 9.300 ha, trong đó sản xuất hoa công nghệ cao 2.800 ha. Thống kê năm 2020 cho thấy, sản lượng hoa của Lâm Đồng đạt 3,6 tỷ cành. Tuy nhiên, với sản lượng hoa nêu trên nhưng có tới 90,3% được tiêu thụ tại thị trường nội địa, còn lại chỉ có 9,7% là xuất khẩu ra các nước. Vì vậy, theo ông Hồ Anh Dũng, từ các yếu tố xem xét giá trị trung bình của cả nước, giá trị trung bình của Lâm Đồng và giá trị khi canh tác hoa công nghệ cao đòi hỏi phải đặt việc “tăng tỷ lệ xuất khẩu là mục tiêu” là ưu tiên.  

Sản xuất Lan vũ nữ hướng tới xuất khẩu
Sản xuất Lan vũ nữ hướng tới xuất khẩu

Bên cạnh đó, về sản xuất nuôi cấy mô hiện nay toàn tỉnh có 60 cơ sở với 489 box cấy và đạt sản lượng 73 triệu cây vào năm 2020. Trong tổng sản lượng cây từ sản xuất nuôi cấy mô, tiêu thụ nội địa 39,5 triệu cây, đạt 54% sản lượng và xuất khẩu 33,5 triệu cây, đạt 46% sản lượng cây nuôi cấy mô hàng năm. Với sản lượng xuất khẩu cây nuôi cấy mô này mang về doanh thu xấp xỉ 7 triệu USD, tương đương 155 tỷ đồng, trong khi đó diện tích phục vụ sản xuất cây xuất khẩu tối đa chỉ chiếm 6 ha đất. Như vậy, trung bình giá trị sản phẩm trên 1 ha đất dùng vào nuôi cấy mô đạt 25,8 tỷ đồng. Từ đó, ông Hồ Anh Dũng cho rằng, Lâm Đồng cần quan tâm nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường cho lĩnh vực nuôi cấy mô. Đồng thời đề ra các giải pháp đó là: Cơ chế, chính sách cho ngành Nuôi cấy mô, tiếp cận đất hoặc chuyển đổi đất chuyên dùng và chủ động nguồn giống bản quyền.

Mặt khác, cần có sự kết hợp giữa 3 chủ thể trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gồm: Doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước. “Sự kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo của doanh nhân, việc nghiên cứu theo đơn đặt hàng của đại học và hành trình thương mại hóa ý tưởng thành sản phẩm ra thị trường là công thức chung của thành công” - ông Hồ Anh Dũng chia sẻ.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ đã nỗ lực dỡ bỏ nhiều rào cản pháp lý để đường đi thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Nhưng hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh không chỉ đơn thuần là khung pháp lý, nó còn đòi hỏi một cơ chế vận hành thống nhất, sự tương hỗ chặt chẽ giữa các chủ thể. Các chủ thể này đòi hỏi từ việc doanh nghiệp khát khao, mạnh dạn; nhà khoa học xuất sắc tâm huyết và Chính phủ kiến tạo đường lối, chính sách đúng đắn để phát triển. Theo ông Hồ Anh Dũng, có lẽ điều còn thiếu duy nhất đó là chất keo, sợi dây gắn kết những chủ thể này lại để cùng nhau hiện thực hóa những tiềm năng mà mỗi chủ thể đang có thành một nguồn sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển ngành Hoa Lâm Đồng.

Theo Báo Lâm Đồng

 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng