Thời gian 22/11/2024 2:56 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Diễn văn của Chủ tịch Hội SVC Việt Nam

 

(Tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội SVCVN – 13/5/2019)

Hôm nay, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong khu chính trị Ba Đình lịch sử, chúng ta long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Sinh vật cảnh Việt Nam (13/5/1989 – 13/5/2019). Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội SVCVN diễn ra trong không khí cả nước đang phấn khởi lập thành tích trên các lĩnh vực chào mừng 44 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và ngày Quốc tế lao động 1/5; kỷ niệm 65 năm ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2019).

Mùa Xuân năm 1989, tại ngôi nhà số 46, phố Tràng Thi, Hà Nội (trụ sở Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), đã diễn ra một cuộc họp lịch sử với sự tham gia của hơn 40 cán bộ lão thành cách mạng, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, nghệ nhân nổi tiếng, tâm huyết với lĩnh vực văn hoá và sinh vật cảnh. Cuộc họp đã thống nhất kiến nghị Đảng, Nhà nước cho phép thành lập một tổ chức quần chúng tự nguyện, tập hợp những người yêu sinh vật cảnh, với mong muốn cống hiến, góp phần bảo tồn truyền thống và bản sắc văn hoá của dân tộc, bảo vệ, tôn tạo cảnh quan, môi trường, xây dựng quyê hương, đất nước giàu đẹp.

Đáp ứng yêu cầu khách quan đó, ngày 13/5/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra quyết định số 134/CT, cho phép thành lập Hội Sinh vật cảnh Việt Nam (Hội SVCVN). Công tác chuẩn bị Đại hội Hội SVCVN được tiến hành hết sức khẩn trương. Ngày 18/6/1989, Đại hội Hội SVCVN lần thứ nhất đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành khoá I, bầu đồng chí Nguyễn Thọ Chân (nguyên Uỷ viên BCHTW đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương binh & Xã hội) làm Chủ tịch khoá đầu tiên của Hội SVCVN. Quyết định 134 về thành lập Hội và Đại hội lần thứ nhất Hội SVCVN là dấu mốc lịch sử đặc biệt, mở ra một chặng đường mới, là điều kiện thuận lợi để Hội SVCVN nói riêng và ngành Sinh vật cảnh Việt Nam phát triển.

Qua 30 năm, trải qua 6 kỳ Đại hội, Hội SVCVN luôn nhận được sự quan tâm, động viên, chỉ dẫn của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Phạm Thế Duyệt...và nhiều đồng chí lãnh đạocao cấp, nhiều cán bộ lão thành cách mạng, lãnh đạo các cơ quan bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo các cấp uỷ, chính quyền địa phương, thường xuyên quan tâm, chỉ dẫn, động viên, tạo điều kiện cho Hội SVCVN. Nhờ đó, Hội đã thu hút được đông đảo người yêu sinh vật cảnh và hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sinh vật cảnh; thu hút được mọi tầng lớp trong xã hội, mọi lứa tuổi, ngành, nghề, nhiều địa bàn tham gia. Đến nay, Hội SVCVN đã từng bước phát triển bền vững, không ngừng lớn mạnh về tổ chức, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đã giành được những kết quả đáng trân trọng.

- Tổ chức Hội được quan tâm củng cố, phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Khi mới thành lập, Hội có hơn một ngàn thành viên ở một số địa phương. Đến nay, đã có 56/63 Hội thành viên tại các tỉnh, thành phố. Tổ chức Hội cơ sở có từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền núi, thành thị đến nông thôn, trên 400 huyện, thị xã và hơn 6.000 xã, phường, thị trấn có Hội SVC, với trên 350.000 hội viên, hơn 4.600 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hơn 11.000 nhà vườn, 46 làng nghề SVC được nhà nước công nhận. Đến nay, Hội SVCVN đã có 07 đơn vị chuyên môn trực thuộc: Tạp chí Việt Nam Hương sắc & Website Hội SVC Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển sinh vật cảnh; Trung tâm Khoa học mỹ thuật sinh vật cảnh; Trung tâm Hỗ trợ, chuyển giao công nghệ hoa, sinh vật cảnh và phát triển nông thôn; Hội Bảo tồn và phát triển Gà tre Việt Nam; Liên hiệp các câu lạc bộ Chim Chào mào miền Bắc; Liên hiệp các câu lạc bộ Chim Chào mào miền Nam.

- Hình thức hoạt động của Hội ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sản xuất, trao đổi sinh vật cảnh. Ngoài các cấp hội từ trung ương, đến tỉnh, huyện, xã, còn có các chi hội, câu lạc bộ chuyên ngành, theo sở thích, như: CLB Bonsai, CLB Đá cảnh, CLB Chim cảnh, CLB Cá cảnh, CLB Gà cảnh, CLB Phong lan...

- Trong hoạt động, lãnh đạo các cấp hội luôn trăn trở tìm tòi, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tìm giải pháp phát triển sinh vật cảnh, coi trọng công tác hướng dẫn, phối hợp tổ chức các hoạt động từ trung ương, đến tỉnh và hội cơ sở. Hoạt động của Hội luôn quan tâm đến tính phù hợp tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá và xu thế phát triển sinh vật cảnh. Các hoạt động diễn ra ngày một thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú: Hội chợ, trưng bày, triển lãm, hội thi...Hoạt động sinh vật cảnh gắn bó chặt chẽ với các sự kiện chính trị, văn hoá của địa phương, gắn với các ngày hội, dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc. Trước kia, thú chơi sinh vật cảnh chủ yếu là những người cao niên, gia đình có có điều kiện kinh tế, không gian của sinh vật cảnh chủ yếu chỉ trưng bày, hưởng thụ tại gia. Ngày nay, sinh vật cảnh đã mở rộng không gian, hướng tới phục vụ cộng đồng dân cư, công trình phúc lợi công cộng. Sinh vật cảnh đã trở thành một mỹ tục, trở thành nhu cầu hưởng thụ văn hoá phổ biến trong đời sống xã hội, phong trào rộng khắp mọi vùng, miền, món ăn tinh thần của đông đảo các tầng lớp nhân dân, với sự tham gia của mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ngày càng thêm nhiều nghệ nhân, chủ nhà vườn, doanh nhân sinh vật cảnh trẻ tuổi. “Có người đã nói: Sinh vật cảnh là hình ảnh của khối đại đoàn kết thu nhỏ, là biểu hiện cụ thể của tình yêu quê hương, đất nước, sự hoà đồng giữa con người với thiên nhiên”. 

- Sản phẩm sinh vật cảnh từng bước gắn với các dịch vụ, dần trở thành các sản phẩm chủ lực, điểm nhấn tại các cuộc trưng bày, triển lãm; từng bưới trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế. So với  2010, diện tích hoa, cây cảnh cả nước năm 2018 tăng 3,2 lần (diện tích hoa, cây cảnh khoảng 50.000 ha, trong đó diện tích tập trung, chuyên canh khoảng 34.400 ha); giá trị sản lượng tăng 9,8 lần. Nhiều mô hình sản xuất cây, hoa cảnh đạt giá trị thu nhập từ 1 tỷ đến 2,5 tỷ đồng/1ha. Phong trào trồng hoa cảnh, hoa lan công nghệ cao đang phát triển mạnh. Nhiều hội viên đã mạnh dạn chuyển từ sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh truyền thống, sang ứng dụng khoa học công nghệ, giống mới, trồng hoa trong nhà kính...xuất nhập khẩu sinh vật cảnh đang ngày càng khởi sắc. Hằng năm, riêng mặt hàng hoa tươi thương mại đã có khoảng 11.000ha, sản lượng 4,5 tỷ cành, trong đó xuất khẩu 1 tỷ cành, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu USD.

Ngày càng có nhiều mô hình doanh nghiệp, nhà vườn hiệu quả, sử dụng nhiều lao động, việc làm, tạo thu nhập ổn định cho một bộ phận đáng kể lao động nông nghiệp, nông thôn. Một số địa phương đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển làng nghề, hợp tác xã sản xuất, xuất nhập khẩu hoa, cây cảnh, cá cảnh; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Hưng Yên, Cần Thơ...

Nhiều hộ, nhiều nhà vườn đã xác định sản xuất hoa, cây cảnh chuyên canh, ững dụng khoa học, công nghệ là một giải pháp chủ lực, tập trung đầu tư, đã mang lại hiệu quả kinh tế, hình thành thương hiệu, thế mạnh của địa phương: Huyện Nam Trực, Hải Hậu - tỉnh Nam Định; huyện Văn Giang - tỉnh Hưng Yên, thị xã Sa Đéc - tỉnh Đồng Tháp, huyện Mê Linh - TP Hà Nội, thành phố Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng...

Sau 30 năm, vị thế và hoạt động sinh vật cảnh từng bước được khẳng định. Mỗi năm, các tổ chức hội địa phương đã tổ chức hàng trăm cuộc triển lãm, trưng bày sinh vật cảnh, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo sân chơi, môi trường giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nghệ thuật chế tác, chăm sóc sinh vật cảnh, từng bước thúc đẩy thị trường dịch vụ sinh vật cảnh sôi động, hiệu quả. Sinh vật cảnh đang góp phần tích cực vào sự thành công của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, góp phần xoá đói, giảm nghèo; góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tham gia chỉnh trang đô thị, làm đẹp cảnh quan, trường học, bệnh viện, nghĩa trang liệt sỹ, các điểm du lịch, công trình văn hoá, tâm linh của địa phương.

Để nâng cao nhận thức về hoạt động sinh vật cảnh, Hội chú trọng đến công tác vận động, tuyên truyền. Các cấp hội tích cực phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền tôn chỉ mục đích của hội đến toàn thể hội viên; thống nhất định hướng, giải pháp, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển sinh vật cảnh; gắn hoạt động sinh vật cảnh với thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển hợp tác xã, làng nghề, bảo tồn, phát triển ngành, nghề truyền thống; tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo; xây dựng thương hiệu, sản phẩm đặc trưng theo thế mạnh của địa phương...

Thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn lực, các cấp hội tập trung mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng hoa, cây cảnh, cá cảnh. Hội luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận chính sách, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sinh vật cảnh; động viên, khích lệ việc xây dựng thương hiệu, mô hình; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu nghệ nhân, nhà vườn, doanh nghiệp và các cách làm hay, sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế cao; tạo điều kiện cho hội viên, chủ nhà vườn, doanh nghiệp tham gia vào thị trường hoa, cây cảnh trong nước, quốc tế.

Hội SVCVN chú trọng duy trì mối quan hệ phối hợp với các ngành Nông nghiệp, Văn hoá, Khoa học & Công nghệ; với UBMTTQVN và các hội, đoàn thể, các tổ chức, cơ quan liên quan, để tạo điều kiện cho hội hoạt động; phối hợp  nghiên cứu, đề suất với Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện phát triển ngành SVC. Rất phấn khởi, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/CP, đặc biệt đã xác định sản xuất, kinh doanh SVC là một ngành, nghề quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Với tư cách là thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam và thành viên Liên Hiệp các hội KHKT Việt Nam, Hội SVC các cấp tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động lớn: Phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, “Xóa đói, giảm nghèo”; hưởng ứng, trực tiếp tham gia phong trào làm đẹp cảnh quan, công sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang liệt sĩ, công trình văn hoá, cơ sở thờ tự, tâm linh; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị xanh, sạch, đẹp...

Một trong các nội dung hoạt động của Hội SVCVN là việc bảo đảm, đáp ứng kịp thời các yêu cầu thông tin, báo cáo đối với các cấp quản lý; thường xuyên duy trì thông tin, hướng dẫn đối với hội cấp tỉnh, thành phố; đặc biệt rất coi trọng việc phát hiện, giới thiệu, tôn vinh các mô hình phát triển kinh tế sinh vật cảnh, các nghệ nhân, chủ nhà vườn, mô hình làng nghề, hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu biểu nhằm khích lệ, động viên phong trào.

Trong xu thế hội nhập của đất nước, Hội SVCVN đã từng bước tham gia các hoạt động đối ngoại, giao lưu, phối hợp trưng bày, triển lãm cây cảnh, hoa cảnh, đá cảnh, gỗ lũa nghệ thuật. Hội  SVCVN đã thiết lập quan hệ hợp tác với các tổ chức Bonsai của các quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hồng Công...Hội  SVCVN là thành viên của Hiệp hội Bonsai châu Á - Thái bình dương; tham gia nhiều hoạt động triển lãm quốc tế trong khu vực. Tháng 11/2019, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Triển lãm Bonsai – Suiseki Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15, tại TP. Hồ Chí Minh. Đây sẽ là sự kiện giao lưu Văn hoá - Sinh vật cảnh có quy mô lớn, là diễn đàn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ, mỹ thuật Bonsai – Suiseki bổ ích; tăng cường vị thế và quan hệ cho Sinh vật cảnh Việt Nam.

Những kết quả, sự lớn mạnh của Hội SVCVN có được ngày hôm nay, trước hết là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện, khích lệ, động viên kịp thời, hiệu quả của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Uỷ ban MTTQVN và các đoàn thể; của các vị lão thành, nhà trí thức, văn hoá, của các nghệ nhân, doanh nhân; sự phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành, các cấp uỷ, chính quyền; đặc biệt là kết quả, nỗ lực, sự tâm huyết của lãnh đạo các cấp hội qua các thời kỳ và lòng nhiệt huyết, cần mẫn của các hội viên, nghệ nhân, chủ nhà vườn, trang trại, doanh nhân, người yêu sinh vật cảnh trên khắp mọi miền đất nước.

Mặc dù đã có những thuận lợi và kết quả ban đầu, nhưng chặng đường phía trước đối với sự phát triển của Hội SVCVN sẽ còn gặp không ít khó khăn, thách thức: Tác động cuả sự suy thoái kinh tế thế giới và các khó khăn của nền kinh tế nước nhà; những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập, giao lưu văn hoá thế giới; những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên và tốc độ đô thị hoá; điều kiện hoạt động và thị trường tiêu thụ sản phẩm sinh vật cảnh...

60 năm trước, khi phát động phong trào “Tết trồng cây”, Bác Hồ, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu đã mong đến một kết quả “Làm cho đất nước ta ngày càng tươi đẹp”. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đã định hướng: “Sinh vật cảnh phải chú trọng cả hai mặt, vừa nâng cao hưởng thụ văn hóa, vừa động viên đẩy mạnh sản xuất...Sinh vật cảnh sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa, tạo thêm nhiều công ăn việc làm...Sinh vật cảnh là một ngành kinh tế giầu tiềm năng, là một ngành dân sinh, một ngành khoa học quan trọng...Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, cũng đã đặt ra các yêu cầu: “Cần hướng dẫn, giúp đỡ để nhân dân có thêm việc làm, thu nhập và cải thiện đời sống từ sản xuất, dịch vụ sinh vật cảnh, góp phần thực hiện thành công chiến lược xoá đói, giảm nghèo của Nhà nước ta...Để xây dựng ngành sản xuất, dịch vụ sinh vật cảnh trở thành một ngành kinh tế sinh thái, cần nhanh chóng đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, dịch vụ sinh vật cảnh, tiến tới xây dựng thương hiệu cho hoa, cây cảnh Việt Nam trên thị trường hoa, cây cảnh trong khu vực và thế giới”.

Những lời chỉ huấn quý báu đó cũng chính là phương châm, mục đích, yêu cầu phát triển của Sinh vật cảnh Việt Nam. Thú chơi sinh vật cảnh, các hoạt động  sinh vật cảnh đã thành mỹ tục, trở thành phong trào; phong trào ấy ngày càng lan rộng trên mọi địa bàn, khu dân cư. Sinh vật cảnh thực sự đã góp phần làm làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp; kinh tế nông, lâm nghiệp ngày một phát triển; tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ, tôn tạo cảnh quan, môi trường được nâng lên. Sinh vật cảnh góp phần làm nên cái đẹp. Sinh vật cảnh là biểu hiện của sự no ấm, đoàn kết, hoà bình. Sinh vật cảnh là hình ảnh, cầu nối gắn bó, giao hòa giữa con người với thiên nhiên, đất nước.

Tuổi 30 đầy tràn năng lượng, nhiệt huyết. Với kinh nghiệm, óc sáng tạo, bàn tay tài hoa và sự cần mẫn, bền bỉ của những con người yêu sinh vật cảnh; trên nền tảng những kết quả đã đạt được, những thuận lợi của Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà, Hội SVCVN đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới để phát triển bền vững, tiếp tục khẳng định vị thế, từng bước đóng góp, trở thành một ngành kinh tế quan trọng, món ăn tinh thần không thể thiếu.

Trong thời gian tới, Hội SVCVN sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích và Điều lệ của Hội. Phát triển sinh vật cảnh theo hướng: Gìn giữ, phát huy, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hoá sinh vật cảnh; tích cực tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm gắn với các sự kiện chính trị, ngày lễ, tết; chủ động tham gia các phong trào, hoạt động tôn tạo cảnh quan, di tích, công trình công cộng, không gian văn hoá, phát triển du lịch dịch vụ, bảo vệ môi trường, sinh thái; các cuộc vận động, chương trình mục tiêu, chiến lược phát triển về nông nghiệp, nông thôn, văn hoá, du lịch...

Hai là: Tiếp tục kiện toàn, phát triển tổ chức các cấp hội; chú trọng tính hiệu quả, thiết thực trong hoạt động, thu hút thêm nhiều hội viên, quan tâm phát triển hội viên trẻ tuổi và đội ngũ khoa học, trí thức, doanh nhân, nhà nghiên cứu sinh vật cảnh. Phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong kiện toàn tổ chức các cấp hội. Phấn đấu đến năm 2021 có 100% cấp tỉnh, 90% cấp huyện, 70% cấp xã, phường, thị trấn có tổ chức hội. Tạo điều kiện, hỗ trợ hoạt động cho các chi hội, hợp tác xã, câu lạc bộ, hội quán và các đơn vị trực thuộc. Tăng cường hoạt động tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm sinh vật cảnh. Thường xuyên phối hợp với địa phương để phát hiện, khích lệ, nhân rộngc mô hình sinh vật cảnh hiệu quả.

Ba là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ đối với hoạt động của Hội SVCVN; thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết liên tịch giữa Hội SVCVN và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Nhà nước; bảo đảm mối quan hệ thường xuyên, hiệu quả với MTTQVN và các tổ chức hội, đoàn thể quần chúng các cấp với các bộ, ban, ngành trung ương, các cấp uỷ, chính quyền địa phương. Tạo sự đồng thuận cao về phát triển sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái, có giá trị cao, gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, xoá đói giảm nghèo, xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm, ngành, nghề truyền thống ở địa phương.

Bốn là: Tích cực tham gia, chủ động đề suất với các cấp quản lý, ngành, cơ quan chuyên môn về cơ chế, chính sách phát triển sinh vật cảnh. Chỉ đạo, thực hiện xây dựng một số đề án, mô hình hoa, cây cảnh, cá cảnh, chim, gà cảnh. Tăng cường hoạt động nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo kỹ thuật nuôi, trồng, chăm sóc, chế tác cây cảnh, hoa cảnh, làm dịch vụ sinh vật cảnh. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm sinh vật cảnh. Từng bước đưa hoa, cây cảnh, cá cảnh trở thành mặt hàng chủ lực quốc gia; gắn hoạt động sinh vật cảnh với hoạt động du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị, danh lam thắng cảnh, công trình bệnh viện, trường học, công trình tâm linh; hoạt động sinh vật cảnh gắn với các lễ hội, không gian, môi trường văn hoá...

Năm là: Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng; thường xuyên chăm lo giúp đỡ bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho hội viên. Quan tâm xây dựng, quảng bá, nhân rộng các điển hình cá nhân, tập thể tiêu biểu, mô hình hoạt động hiệu quả.

Sáu là: Đẩy mạnh công tác đối ngoại, tăng cường giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các hội, hiệp hội bonsai, sinh vật cảnh các nước để nâng cao trình độ, kỹ thuật, nghệ thuật gắn với việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, cúc tiến việc hợp tác đào tạo, xuất nhập khẩu sản phẩm sinh vật cảnh...

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Hội SVCVN trân trọng biết ơn, tri ân sự quan tâm và tình cảm đặc biệt, sự có mặt đông đủ của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương; các vị vị lão thành cách mạng, nhà khoa học, nhà văn hoá; lãnh đạo các cấp hội; các nghệ nhân, chủ nhà vườn, doanh nhân, cùng toàn thể quý vị đại biểu khách quý.

Với sức trẻ, sự tâm huyết, lòng quyết tâm và nghị lực vươn lên mạnh mẽ, Hội SVCVN nhất định sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu đạt được những kết quả, thành tích to lớn và và toàn diện hơn trong chặng đường tiếp theo.

TS. Ngyễn Hữu Vạn

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng