Dư Hữu Đức
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhu cầu được sống, làm việc trong một không gian đẹp, tiện nghi và gần gũi với thiên nhiên là một trong những nhu cầu cần thiết và mang nhiều ý nghĩa. Tạo dựng một khoảng xanh thiên nhiên bên cạnh những công trình xây dựng hiện đại, bề thế, không những làm không gian sống của chúng ta trở nên hài hòa, hợp lý mà còn đem lại cho chúng ta cảm giác được thư giãn thoải mái, dễ chịu sau những giờ lao động mệt mỏi, tạo cho chúng ta niềm hứng khởi để yêu đời và vui sống. Bắt nguồn từ nhu cầu làm đẹp cho các công trình hiện đại, trong thời gian qua, thị trường ngành Sinh Vật Cảnh ở nước ta nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang trên đà phát triển mạnh.
Triển lãm SVC tại TP.HCM - Ảnh minh hoạ
Cùng với tốc độ phát triển kinh tế, ngành Sinh Vật Cảnh Thành phố Hồ Chí Minh tăng nhanh một cách đáng kể. Nó đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, mang lại lợi nhuận cao, là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành nghề nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Kinh tế Sinh Vật Cảnh không những cải thiện được đời sống nhân dân mà còn góp phần làm đẹp cho đô thị.
Ngày nay, nhu cầu thưởng thức Sinh Vật Cảnh trong các tầng lớp nhân dân ngày càng sâu rộng, góp phần cùng các tổ chức, cá nhân, nhà vườn, sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ Sinh Vật Cảnh phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, kinh tế Sinh Vật Cảnh còn có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế nước nhà, liên kết mở rộng thị trường xuất khẩu.
Sản xuất Sinh Vật Cảnh Thành phố Hồ Chí Minh góp phần kích cầu thị trường Sinh Vật Cảnh trong cả nước. Hàng năm trên địa bàn thành phố đều có tổ chức các Hội chợ triển lãm, trưng bày các sản phẩm, thông tin quảng bá các mô hình tiên tiến có hiệu quả kinh tế cao về sản xuất, kinh doanh Sinh Vật Cảnh. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố hiện nay càng nhiều các trường dạy nghề, tạo ra các nguồn lực thúc đẩy kinh tế Sinh Vật Cảnh phát triển, hội nhập với kinh tế khu vực và trên toàn cầu.
Hội Sinh Vật Cảnh Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều ưu thế, nhất là khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, ngoài tài nguyên về đất còn có nguồn giống ngoại nhập, vật tư phong phú, đội ngũ nghệ nhân có truyền thống tay nghề cao, có nhiều nhà khoa học hàng đầu trong các viện khoa học công nghệ về nông nghiệp…. Bên cạnh đó, địa thế giao lưu buôn bán của thành phố thuận lợi, quanh Thành phố là các vùng chuyên canh Sinh Vật Cảnh: Sa đéc - Đồng tháp, Chợ Lách, Cái Mơn - Bến Tre, Đà Lạt - Lâm Đồng …
Tình hình Sinh Vật Cảnh Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay nhờ phát động phong trào chuyển đổi cây trồng vật nuôi nên đã thu hút hàng vạn lao động chuyên sản xuất, kinh doanh làm dịch vụ Sinh Vật Cảnh, góp phần cho cảnh quan Thành phố thêm xanh, sạch, đẹp. Nhờ sản xuất làm dịch vụ Sinh Vật Cảnh mà nhiều hộ dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, nhiều gia đình phát triển thành doanh nghiệp hoặc trang trại có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế Sinh Vật Cảnh có hiệu quả cao như mô hình trồng lan Mokara cắt cành, trồng mai vàng, bonsai, sản xuất hoa kiểng, cá cảnh, đá cảnh… Thông qua nhiều loại hình hoạt động Sinh Vật Cảnh đã góp phần giáo dục tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, giữ gìn môi trường sống trong lành, phát huy bản sắc dân tộc.
Trong quá tình hội nhập kinh tế Sinh Vật Cảnh cũng còn không ít những tồn tại :
- Chưa thành lập được các vùng chuyên canh về Sinh Vật Cảnh trên địa bàn thành phố, nên đầu ra cho sản phẩm Sinh Vật Cảnh không ổn định.
- Chưa có sự liên kết giữa các nhà vườn, doanh nghiệp, dẫn đến sản phẩm làm ra bị ứ đọng, dư thừa, giá cả thấp, bất lợi cho người sản xuất.
- Người dân sản xuất ngành Sinh Vật Cảnh chưa thật sự mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, dẫn đến chất lượng làm ra thấp không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Về mặt giải pháp: để hỗ trợ và hạn chế bớt những rủi ro cho những người kinh doanh Sinh Vật Cảnh, theo tôi cần phải kết hợp nhiều biện pháp từ khâu quản lý đồng bộ của tổ chức đến các khâu chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người nông dân. Các HTX Hoa kiểng cũng như các làng nghề chuyên trồng hoa Tết nên có những giải pháp hỗ trợ cụ thể, chẳng hạn: thu gom đầu ra cho người dân theo hợp đồng sản xuất hàng năm, quản lý thị trường sản xuất và kinh doanh của địa phương, kết hợp với Ban Tổ chức các hội chợ Sinh Vật Cảnh để có biện pháp bình ổn giá cả và tính toán nhu cầu tiêu dùng…
Đối với các nhà vườn, nên xem xét nhu cầu và khả năng tiêu thụ sản phẩm để tính toán trước khi gieo trồng, chăm bón. Không nên chạy theo những thị hiếu trước mắt mà sản xuất ồ ạt, không có kế hoạch. Về lâu dài, nên tính toán đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhu cầu thưởng thức cái đẹp, nhu cầu chưng Tết các sản phẩm Sinh Vật Cảnh có giá trị của người dân (nhất là người dân Thành phố) ngày càng nâng cao, do đó có thể kết hợp trồng các cây hoa ngắn ngày với việc trồng các cây, hoa cảnh có giá trị như bonsai, hoa lan, hay nhiều loại hoa cảnh quý hiếm khác.
Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hồ Chí Minh cần thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về Sinh Vật Cảnh, đồng thời cũng kết hợp với Hội nông dân ở các quận trong thành phố để bổ túc kiến thức Sinh Vật Cảnh cho nông dân trong quá trình sản xuất kinh doanh Sinh Vật Cảnh.
Muốn cho ngành Sinh Vật Cảnh Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh, hiệu quả kinh tế lớn cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan, có kế hoạch đầu tư cần thiết, có các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh Sinh Vật Cảnh đúng định hướng, có như vậy mới đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác