Một đô thị xanh đúng nghĩa cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí xanh, trong đó có những mảng xanh, không gian xanh. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, những mảng xanh này đang dần biến mất khi quỹ đất đô thị chưa được sử dụng hợp lý, chưa gắn với đồ án quy hoạch.
Một đô thị được công nhận đạt chuẩn xanh phải đáp ứng được 7 tiêu chí đó là: Không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.
Xu hướng trên thế giới từ lâu đã nghiên cứu, triển khai quy hoạch và xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái hay đô thị bền vững, thân thiện môi trường. Nhưng tại Việt Nam, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới mẻ.
Theo các chuyên gia quy hoạch, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại do hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn kém, môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, dân số đông nên hạn chế về quỹ đất xây dựng, đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao…
Trong chiến lược quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của nước ta đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 còn thiếu định hướng phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và thực tế cũng chưa xây dựng được bộ tiêu chí về đô thị xanh.
Riêng đối với Hà Nội, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, ngay từ quan điểm phát triển, quy hoạch đã khẳng định Hà Nội sẽ là thành phố “xanh” bền vững về môi trường; đô thị sinh thái, gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên – xã hội – con người; xây dựng thành phố cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển mới.
Trong đó, không gian xanh của Hà Nội được quy hoạch chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố bao gồm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, sông hồ ao, không gian mở ven mặt nước và các công viên trong đô thị…
Tuy nhiên đến nay, hoàn thành mục tiêu đặt ra vẫn còn thấp. Hà Nội vẫn còn xảy ra tình trạng úng ngập cục bộ tại một số tuyến đường, khu vực mỗi khi trời mưa to và ô nhiễm không khí, khói, bụi, tiếng ồn. Diện tích của những không gian xanh đang dần bị thu hẹp, bị lấn át bởi những dự án phát triển nhà cao tầng. Mặc dù những năm gần đây, thành phố đã rất tập trung trồng mới cây xanh nhưng diện tích thảm xanh trên đầu người chưa đạt, còn thiếu so với tiêu chuẩn cần thiết về cây xanh đô thị.
KTS Trần Huy Ánh – Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận xét, trong những năm qua, môi trường xanh của Hà Nội ngày càng bị mất cân bằng trầm trọng. Dù đã xuất hiện một số khu đô thị như: Vinhome Riverside, Vinhome Ocean Park, Gamuda… được gọi là khu đô thị sinh thái hay đô thị xanh nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức có nhiều cây xanh, tổ chức hạ tầng không gian công cộng tốt. Song các yếu tố này thôi thì chưa đủ. Để phát triển đô thị xanh cần thêm các yêu tố như quy hoạch hợp lý để năng cao chất lượng và độ phổ biến của các phương tiện giao thông công cộng, giảm thiểu giao thông cá nhân đồng thời tích hợp với việc sử dụng đất có hiệu quả.
Việt Nam là nước có điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, là môi trường thuận lợi để phát triển không gian xanh đô thị và các công trình kiến trúc xanh. Vấn đề đặt ra là phải làm quy hoạch cân bằng các yếu tố thiên nhiên, đảm bảo môi trường sinh thái, từ đó xây dựng đô thị xanh, phát triển kinh tế xanh. Bài toán quy hoạch phải tích hợp đa ngành, đa mục tiêu, chú trọng yếu tố con người, cam kết của nhà quản lý, đặc biệt lợi ích của cộng đồng phải được tôn trọng.
Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị (sửa đổi) để thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhằm bổ sung một số quy định mới để kịp thời điều chỉnh những nội dung mới hình thành như phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đề cập đến giải pháp về phát triển đô thị xanh ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, xanh hóa hạ tầng kỹ thuật và giao thông.
Trong đó, điều kiện tiên quyết chính là ngay trong công tác quy hoạch cần phải có sự thống nhất và định hướng rõ nhằm đem lại hiệu quả cao, quy định quỹ đất cây xanh và mặt nước trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới tính tiện ích và hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt đi lại của người dân.
MT ST
Tin tức khác