Thời gian 13/12/2024 5:44 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Công trình xanh "tự phong": Đâu phải trồng cây xanh là có chứng nhận xanh

Có sự khác biệt lớn giữa một công trình được quảng cáo là "xanh" và một công trình được chứng nhận là "xanh". Các chứng nhận thường không liên quan nhiều đến số lượng cây xanh hay khuôn viên.

Thống kê mới đây của IFC cho biết, đến quý III năm 2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình.

Theo nhận xét của Bộ Xây dựng, đây là một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.


Một công trình xanh được xây dựng tại Singapore.

Chuyên gia Savills cũng cho biết, nhìn lại diễn biến thị trường trong thời gian gần đây, mô hình bất động sản xanh đang tồn tại một số quan niệm chưa đúng. Trong khi đó, nhu cầu liên quan đến hai mô hình bất động sản xanh và thông minh ở người mua ngày càng lớn, các chủ đầu tư đang tích cực đưa yếu tố đặc thù này vào phát triển dự án nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, yếu tố xanh trong bất động sản còn là một khái niệm chưa rõ ràng hiện nay. Các tòa nhà có thể được phát triển xanh, không nhất thiết phải là những sản phẩm xa xỉ. Xanh cũng không cần thiết phải là vật liệu đắt tiền.

"Các yếu tố xanh trong một công trình bất động sản nằm nhiều ở lối sống mà dự án hướng đến, kiến trúc dự án, cách thức vận hành, quản lý dự án. Mỗi chi tiết trong thiết kế cảnh quan, hệ thống thông gió tự nhiên, sưởi ấm tự nhiên, vật liệu xây dựng, chất lượng không khí… đóng vai trò lớn trong việc phát triển các công trình xanh", ông Matthew Powell nói.

Cũng theo vị chuyên gia, có sự khác biệt lớn giữa một công trình được quảng cáo là "xanh" và một công trình được chứng nhận là "xanh". Các chứng nhận thường không liên quan nhiều đến số lượng cây xanh hay khuôn viên, mà phần lớn tập trung đến phát triển bền vững, môi trường, bất kể đó là dự án văn phòng hay nhà ở.

"Hiện đang có nhiều loại chứng nhận xanh từ Việt Nam cũng như quốc tế. Để đạt được chứng nhận nhất định, các nhà phát triển và chủ đầu tư cần có một danh sách kiểm tra và đánh giá các yếu tố xanh xác định", chuyên gia Savills cho biết.

Do vậy, theo lời khuyên của chuyên gia, trong các giao dịch mua bất động sản xanh, người mua cần đánh giá được các thông số xanh và cần kiểm tra nguồn chứng nhận của các dự án.

Ví dụ, chứng nhận cần theo tiêu chuẩn của các Hội đồng Công trình Xanh, tiêu chuẩn LEED của Hoa Kỳ hay BREEAM của Anh Quốc. Tuy việc chứng nhận công trình xanh chưa quá phổ biến tại Việt Nam, đây nên là yếu tố người mua cần cân nhắc khi mua bất kể loại hình bất động sản nào.

Nêu triển vọng 2021, ông Matthew Powell cho rằng, sức hút của các mô hình bất động sản xanh, thông minh vẫn là liên kết mật thiết giữa cung - cầu và quan điểm lấy khách hàng làm trọng tâm.

Khi cơ hội tiếp cận với mô hình bất động sản xanh và thông minh của người mua ngày càng lớn, các chủ đầu tư cần chủ động cải thiện chất lượng dịch vụ, thiết kế dự án, bổ sung nhiều yếu tố công nghệ hơn vào bất động sản.

Nguyễn Mạnh

(Dân Trí)

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng