Thời gian 24/11/2024 1:22 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Côn Đảo - Lời tri ân

Bài viết nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020)

Vào những ngày cuối tháng 6 năm 2020, chúng tôi – Những người được sinh ra sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, thành lập Đoàn thiện nguyện với mục đích tri ân các Anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống trên mảnh đất Côn Đảo nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh Liệt sỹ.

(Tác giả bài viết - Nhà báo Hồng Phúc là một trong thành viên của đoàn, xin lược ghi chuyến đi này).

Trong quá khứ, Côn Đảo từng được biết đến là một địa ngục trần gian, nơi ghi dấu ấn lịch sử của một thời kỳ đấu tranh của dân tộc vừa hào hùng vừa bi thương.

Côn Đảo ngày nay trở thành điểm du lịch lý tưởng cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ và tìm hiểu lịch sử của đất nước Việt Nam. Từ một “địa ngục trần gian”, Côn Đảo nhanh chóng chuyển mình thành một trong những hòn đảo quyến rũ, có thể làm lạc bước chân mỗi du khách khi đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này.

Trước chuyến đi, đoàn chúng tôi đã suy nghĩ đây là dịp thể hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã bị tù đày tại Côn Đảo, qua đó bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với những đồng bào, đồng chí đã cống hiến máu xương và hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đoàn bắt đầu khởi hành từ Hà Nội, với tổng số là 15 người, đến từ nhiều thành phần khác nhau như Doanh nhân, Nhà báo, Công chức…cùng đồng lòng tri ân hướng về Côn Đảo, tìm về miền ký ức khốc liệt nhưng oai hùng, tìm về những chứng tích lịch sử trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Với cảm giác háo hức được khám phá vùng đất huyền thoại, chúng tôi bắt đầu xuất phát tại Sân bay Nội Bài - Thủ đô Hà Nội đến TP.HCM, sau đó đi ô tô đến Bà Rịa – Vũng Tàu và đi tàu cao tốc ra Côn Đảo.

Côn Đảo hiện ra hoang sơ và đẹp bất ngờ

Chúng tôi cập bến sau 4 tiếng rưỡi lênh đênh trên biển, mặc dù nhiều người trong đoàn say sóng, say tàu vì chuyến đi hôm đó có gió lớn ngược từ phía Biển vào nên tàu bị cản gió và liên tục chồm lên phía trước rất khó chịu. Tuy nhiên khi đến Bến tàu đất liền – Nơi các tàu neo đậu tại Côn Đảo, các thành viên trong đoàn không khỏi bất ngờ trước vẻ đẹp hoang sơ của Đảo và trong lòng luôn nghĩ về hình ảnh các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống nơi mảnh đất thiêng liêng này.

Sau khi nghỉ ngơi, đoàn đã làm việc với Đồn Biên phòng Côn Đảo, được các anh kể rất nhiều chuyện về công tác bám đảo, bám biển giữ bình yên cho mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc, và cả những câu chuyện hết sức đời thường đó là các tấm gương chiến sỹ không quản ngại khó khăn gian khổ, từ các tỉnh thành xa xôi của tổ quốc về đây bám trụ, bám biển và đã sinh sống hàng chục năm tại đảo, coi biển đảo là quê hương thứ hai của mình.

Chúng tôi cũng nói chuyện với Anh Dũng – Trưởng đồn biên phòng Huyện Côn Đảo, được anh cho biết nhiều điều về cuộc sống của các chiến sỹ biên phòng trên đảo mới thấy hết được sự hy sinh thầm lặng của các anh – Những người lính đảo.

Đoàn thiện nguyện trao quà tình nghĩa tại Đồn Biên phòng Côn Đảo

Theo đúng chương trình, buổi chiều anh em trong đoàn dâng hương tưởng nhớ vong linh các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Hàng Dương, tặng cây cho BQL Nghĩa trang và một số hoạt động khác như trao quà tình nghĩa, giao lưu với bộ đội Biên phòng Côn Đảo.

Vào khoảng 11h đêm, chúng tôi đã được hướng dẫn viên BQL Khu di tích đưa đến thắp hương tại mộ phần các anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Hàng Dương, trong đó có mộ Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Anh hùng LLVTND Võ Thị Sáu, Lưu Chí Hiếu, Lê Văn Việt…các thành viên trong đoàn đều bồi hồi xúc động tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sỹ, không tiếc máu xương hy sinh vì lý tưởng cao cả, vì độc lập tự do của dân tộc.

Đi thăm chốn lao tù tại Côn Đảo, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về sự hà khắc của bè lũ thực dân, đế quốc cũng như ý chí, sức mạnh của các thế hệ người tù cộng sản, đã vượt qua gông cùm, xiềng xích đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Qua đó giáo dục cho những người trẻ hôm nay những bài học về lòng yêu nước, ý chí độc lập dân tộc để chung tay xây dựng quê hương đất nước.

Nghĩa trang Hàng Dương

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Côn Đảo là trường học đấu tranh cách mạng, tôi luyện nhiều thế hệ lãnh đạo và chiến sĩ cách mạng, là vùng đất thiêng liêng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Tại “địa ngục trần gian” này có hơn 20.000 người đã bị giam cầm, đày ải và vĩnh viễn nằm lại gắn liền với những địa danh như: Cầu tàu 914, Mũi Cá Mập, Bãi sọ người, Cầu Ma Thiên Lãnh…

Từ truyền thống bi hùng đó, chúng tôi tự hào và vinh dự được về với Côn Đảo, bàn thờ của Tổ quốc, kính cẩn nghiêng mình dâng nén hương thơm, thắp nến tri ân lên mộ phần các anh hùng liệt sỹ và đồng bào yêu nước, những người đã lấy máu xương của mình góp phần xây nền hòa bình, độc lập của Tổ quốc, đem đến hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân và sự trường tồn của dân tộc. Từ đó tiếp bước theo tấm gương vì Nước, vì Dân của cha anh, ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chúng tôi bày tỏ lòng thành kính biết ơn vô hạn đối với sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha ông, từ đó trân quý giá trị của độc lập, tự do, quyết tâm giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc, ra sức xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Để thể hiện tấm lòng mình, xin được gửi tới anh linh các anh hùng liệt sỹ, đồng bào tại Côn Đảo qua bài thơ “Nghĩa địa Hàng Dương” của nhà thơ Vũ Quần Phương:

Nghĩa địa Hàng Dương

Gió thổi dài trên những hàng dương
Sóng đập miệt mài vào vách đá
Mặt trời lặn, mặt trời lên
thu đông xuân hạ
Những nấm mộ như cát bồi
như lá
như triều khơi...

Ở đây có những ai?
Bao nhiêu cuộc đời chỉ còn nấm cỏ,
Có tấm bia chỉ là mỏm đá
Mộ năm người năm mỏm đá song song
Đất tháp cao, mộ như sóng trùng trùng
Lan ra biển lại dạt vào chân núi
Bao xương bịt lấp vùi trong cỏ rối
Gió hoang vu bào lên mặt hình hài

Ở đây có những ai?
Ông bà, mẹ cha, anh em, đồng chí
Những thế hệ nối nhau suốt một vòng thế kỷ

Một thế kỷ gian lao, lời dặn lại cuối cùng
Thành sóng đập vào bờ, thành gió vỗ hàng thông
Thành tháng năm, vang vọng mãi trong lòng.
trong trời đất.
Những người không thể chết.

Lưu Chí Hiếu hy sinh vẫn ngồi lẫm liệt
Giặc xối nước trên đầu anh khi ấy chưa dừng
Cuộc đọ sức cuối cùng tao là người thắng cuộc
Giặc tái mặt cúi đầu, đồng chí mắt rưng rưng...

Tôi đứng trước mộ anh
Một ngôi mộ thấp liền với đất
Bình dị như cỏ cây rừng quanh
Một tấm bia đồng đội vừa mới khắc:
Tên anh, năm mất năm sinh
Giữa năm mất năm sinh là một đường vạch đó
Một đường vạch, chỉ một đường vạch đó
Một cuộc đời giông bão đã đi qua.

Tôi nhìn lên cuồn cuộn trắng mây xa
Mây trên biển, biển dưới trời tít tắp
Dãy xóm một nhà dân, buổi chiều giăng khói bếp
Gió rừng reo hát, biển khơi ru
Nguyễn văn Mười
Giặc xé nát đời anh bằng những trận đòn thù
Thịt da nát, đến não cân cũng nát
Anh lẫn lộn cả ngày đêm thời khắc
Ký ức tan trong sương khói sa mù
Nhưng trước mặt quân thù
Điều cần nói trăm lần anh vẫn nói
"Việt Nam, Hồ Chí Minh"
Sống tranh đấu, trên ngực anh, anh khắc
Phút cuối cùng dòng chữ ấy theo đi
Anh không rơi một tấc một ly.

Trước mộ anh hôm nay chúng tôi lại đọc
Dòng chữ thịt xương anh trăng trối lại đời.
Như gió thổi, như mặt trời vẫn mọc
Anh vẫn đi vẫn đến với từng người.

Non sông ta đã về lại ta rồi
Ngay cạnh chỗ anh nằm cờ ta bay chói lọi
Bãi biển ngoài kia tiếng còi tàu gọi
Trẻ tan trường ríu rít tiếng đùa nô.

Sóng vỡ oà trên đỉnh đá lô xô
Chị Sáu hát khi quân thù ngắm bắn
Mái tóc chị bay theo chiều gió mặn
Mái tóc xanh xanh mãi đến bao giờ.

Tên chị vang trong bài hát tuổi thơ
Tôi được hát khi tôi mười bốn tuổi
Những ước vọng cao vời bỗng trở nên gần gũi
Chúng tôi đứng dàn hàng bên mộ cúi đầu nghe.
Trên cành dương gió dừng lại thầm thì
quả dương rụng khô ròn trên đá trắng.
Những vòng hoa im lặng
Nhưng bó hoa nhỏ nhoi
Nấm đất xa vời góc đảo mù khơi
Thành núm ruột của lòng dân thương nhớ.

Đồng chí Lê Hồng Phong
Đã ba lần chúng giật mìn trên mộ
Hài cốt anh ôm ấp giữa lòng dân
Những xiềng xích đang biến thành sắt rỉ
Mộ anh hùng mầu gạch mới bâng khuâng...

Lá xanh dày trên núi Chúa thâm nghiêm
Có phải nơi đây, cũng một chiều đẫm nắng
Tôi dẫu có hy sinh, dân tộc tôi sẽ thắng
Gương mặt anh bình thản, ra đi.
Bốn mươi năm sóng vẫn vỗ ngoài kia
Sóng vẫn đập và niềm tin tưởng ấy
Đã thành bão, thành giông xô cuộc đời lớn dậy
Giặc kinh hoàng bước bia mộ tên anh.

Nguyễn An Ninh
Mộ ông nằm giữa những người Cộng sản
Yêu Tổ quốc lòng yêu những giới hạn
Nén hương thơm tôi thắp trước mộ Người
Cây  xanh cây, trời đã lại xanh trời
Xin Người nghỉ bình yên trong đất mẹ
Đầu chúng tôi còn  xanh, tuổi chúng tôi còn trẻ
Nguyện thoả lòng mong ước của cha anh.

Những nấm mồ vô danh
Những hài cốt không bia, không mộ
Xương thịt lẫn vào đất đai cây cỏ
Tôi đứng giữa bạt ngàn gian khổ hy sinh.

Một lá cỏ dưới chân, một vệt nắng trên cành
Vô tri thế mà thiêng liêng quá đỗi
Một thế kỷ đau thương, đây là lời trăng trối
Một thế kỷ quật cường, đây thép của lòng tin
Đất nước hoá nhà tù, xương máu phải hy sinh
Ôi cái giá một ngày trong độc lập.
Đâu phải phút yếu lòng nhưng chúng tôi dở khóc
Trước cuộc đời bão giật ở từng trang.

Cỏ nghĩa trang
Cho lòng tôi được làm mầu cỏ ấy
Được bốn mùa che mưa nắng nơi đây
Được nâng niu mỗi hạnh phúc nơi này
Vui cùng trẻ niềm vui đến lớp.

Cỏ trên mộ của những người đã khuất
Đang lấp vùi xiềng xích các nhà giam.

Vũ Quần Phương, 16/11/1976

Hồng Phúc lược ghi

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng