Làng Hoàng Trù
Làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) là quê ngoại Bác Hồ. Đây chính là nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời và sống trong 5 năm đầu tiên của thời thơ ấu.
Khi về thăm làng Hoàng Trù, điểm đầu tiên mà du khách sẽ ghé vào là ngôi nhà cụ Hoàng Đường – ông ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây là một ngôi nhà 5 gian và 2 chái, trong đó ba gian ngoài là nơi cụ Hoàng Đường dạy học. Ngôi nhà cũng là nơi bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu của Bác Hồ – sinh ra và lớn lên, là lớp học đầu tiên ươm trồng tài năng của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân phụ của Người.
Ở góc vườn phía Tây nhà cụ Hoàng Đường là ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan khi hai người đã kết hôn. Tại ngôi nhà nhỏ ba gian đơn sơ này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời vào buổi sáng ngày 19/05/1890.
Gian ngoài của ngôi nhà là nơi làm việc của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông. Cụ Hoàng Đường thường qua đây đàm đạo với con rể về văn chương, chữ nghĩa.
Những cuốn sách cụ Nguyễn Sinh Sắc từng đọc vẫn còn được lưu giữ tại gian nhà này.
Hai gian còn lại không có vách ngăn, gian trong có chiếc giường nhỏ là nơi nghỉ của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan, sát bên chiếc giường là chiếc rương gỗ nhỏ. Gian ngoài có chiếc khung cửi là công cụ lao động của thân mẫu Bác Hồ và chiếc võng gai mà thời ấu thơ Bác Hồ đã nằm nghe lời mẹ ru và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại.
Cách ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan không xa là ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân – họ ngoại của Bác Hồ.
Sau một quãng đời bôn ba hoạt động, phải đến ngày 9/12/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có dịp về thăm lại làng Hoàng Trù sau nhiều năm xa cách. Đây cũng là lần cuối cùng Người về thăm nơi chôn nhau cắt rốn cho đến khi vĩnh viễn đi xa.
Làng Sen
Từ năm 5 tuổi đến 11 tuổi, Bác Hồ cùng cha mẹ và anh trai vào Huế. Sau khi mẹ mất, từ năm 11 đến 16 tuổi (1901 – 1906) Người trở về sinh sống tại ngôi nhà của thân phụ là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ngày nay, ngôi nhà vẫn mang dáng dấp như cách đây 1 thế kỷ với hàng rào dâm bụt, con đường đất mộc mạc, những khu vườn xanh mướt bao quanh…
Đây là một ngôi nhà lá đơn sơ có 5 gian được dân làng Sen quê Bác dựng lên từ quỹ công của dân làng để mừng cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng khoa thi Hội năm 1901.
Trong ngôi nhà này, cụ Nguyễn Sinh Sắc dành hai gian để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị.
Gian nghỉ của cụ Nguyễn Sinh Sắc với bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính. Nơi đây có chiếc án thư, nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước trà xanh.
Ngôi nhà còn lưu giữ nhiều kỷ vật khác của gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc như chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen…
Bên cạnh ngôi nhà của cụ Phó bảng, làng Sen còn nhiều địa điểm khác mang dấu ấn thời niên thiếu của Bác Hồ. Đó là giếng Cốc, một giếng cổ được người làng Sen đào cuối thế kỷ 18. Trong những năm ở làng Sen, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên thuở nhỏ của Bác) thường ra đây chơi và gánh nước về dùng.
Lò rèn cố Điền do ông Hoàng Xuân Luyễn (thường gọi là cố Điền) lập ra để rèn công cụ phục vụ bà con trong vùng từ cuối thế kỷ 19. Khi ở làng Sen, Nguyễn Sinh Cung thường sang giúp cố Điền đập đe, thụt bễ, nhặt sắt vụn làm đồ chơi và nghe bà con bàn luận việc nước, việc đời.
Cách nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc không xa là nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm – ông nội của Bác Hồ – một nông dân cần cù chất phác. Nguyễn Sinh Cung thường sang đây vui chơi và dâng hương tưởng niệm ông bà nội. Anh ruột của Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã từng sống và mất tại đây.
Trong làng Sen còn có nhà của cử nhân Vương Thúc Quý (1962 – 1907) – một người nổi tiếng yêu nước, thông minh, hay chữ, được mệnh danh là một trong “tứ hổ” của Nam Đàn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Thời kỳ sống ở làng Sen, Nguyễn Sinh Cung và anh trai được gửi sang học ở đây. Quá trình học với thầy cử Vương đã ảnh hưởng sâu sắc đến học vấn, nghị lực và lòng yêu nước của cậu.
Các ao sen trong làng Sen cũng là nơi ghi dấu những kỷ niệm khó quên của cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Cung cùng chúng bạn.
Sân vận động làng Sen rộng hơn 1 ha được xây dựng vào năm 1945, ở góc Đông Bắc có cây đa cổ thụ hàng trăm tuổi. Trong hai lần về thăm quê vào năm 1957 và 1961, dưới gốc đa này Bác Hồ đã nói chuyện thân mật với cán bộ, đồng bào.
Ngoài ra, ở làng Sen còn có nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi các tầng lớp nhân dân thể hiện lòng biết ơn, yêu kính người đã đem lại tự do và độc lập cho đất nước Việt Nam.
Theo KIẾN THỨC
Tin tức khác