Quy hoạch chung xây dựng đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tỷ lệ 1/10.000)
Lục Ngạn là mảnh đất kỳ lạ, là ngôi nhà thứ hai của nhiều loại cây trái di cư di thực. Vải Thanh Hà, nhãn Hưng Yên, cam Đường (canh), cam Vinh, bưởi Diễn khi được nhân giống tại đây đều trở thành những đặc sản nổi tiếng với chỉ dẫn địa lý chính danh Lục Ngạn. Trong khi các địa phương khác phụ thuộc nhiều vào những yếu tố thời tiết mang đầy tính rủi ro, Lục Ngạn lại đối diện với một nguy cơ khác: Được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa.
Sự bấp bênh không hẳn là điều hiển nhiên phải chấp nhận ở mọi đô thị nông nghiệp. Có rất nhiều đô thị nông nghiệp trên thế giới đã thành công trong việc biến mình trở thành một hệ sinh thái phát triển bền vững không còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên hay những yếu tố ngoại lai. Với hạn chế về tài nguyên và điều kiện khắc nghiệt, các đô thị nông nghiệp tại Nhật Bản thiên về xu hướng tối ưu hóa. Những “nông trại trong nhà” tại các tỉnh Fukushima, Yamanashi và Shizuoka đã cho phép người nông dân duy trì vụ mùa kéo dài suốt năm, năng suất tăng gấp rất nhiều lần, và cho phép tích hợp nông nghiệp vào trong lòng đô thị – những khu “vườn trong đô thị”.
Tại những khu vực có điều kiện thuận lợi hơn, du lịch văn hóa chủ đề hoa quả là một cách thức hữu hiệu để ổn định nguồn thu cho dân cư. Thành phố Bordeaux (Pháp) là một trong những thủ phủ của rượu vang, và cũng là một nơi du lịch nổi tiếng bởi những cánh đồng nho bạt ngàn. Các bang Florida và California tại Mỹ là những địa điểm tràn ngập công viên trái cây đan cài giữa các khu dân cư. Các địa điểm thuộc Bay of Plenty (New Zealand) như Te Puke hay Auckland rất nổi tiếng với du lịch gắn liền với một thức quả biểu tượng là Kiwi.
Những kinh nghiệm trên được điều chỉnh áp dụng trong Quy hoạch chung đô thị Chũ phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương, từ đó hình thành một đô thị nông nghiệp Chũ bền vững và đặc trưng giữa lòng vựa hoa quả Lục Ngạn, một “đô thị trong vườn” và “vườn trong đô thị”. Chũ có đầy đủ những yếu tố cho phép trở thành một đô thị nông nghiệp thịnh vượng, một điểm đến của du lịch toàn cầu.
Để làm được điều đó, đô thị Chũ cần nắm bắt cơ hội với các xu hướng phát triển đô thị trong nước và quốc tế. Xu hướng kinh tế sẻ chia và liên kết toàn cầu là cơ hội để Chũ kết nối với các địa phương có sản phẩm vải thiều trên toàn thế giới, qua đó, hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm vải thiều xoay vòng, chia sẻ sản vật bốn mùa, không chỉ dừng lại vài tháng trong năm như hiện nay. Mặt khác, với cách này đô thị Chũ đồng thời có thể tiếp thu xu hướng xuất khẩu tại chỗ để tiêu thụ nông sản kết hợp với phát triển du lịch.
Với xu hướng làm tăng giá trị bằng du lịch văn hóa, tại đô thị Chũ, du lịch không chỉ dừng lại ở các sự kiện mang tính thời vụ, các điểm đến tham quan du lịch tâm linh truyền thống như Đền Hả, Chùa Am Vãi. Trên nền tảng phát triển sản phẩm trái cây truyền thống, ngày nay Chũ nói riêng và Lục Ngạn nói chung đã tự xây dựng cho mình một thương hiệu của một vùng đất giàu sản vật xuất xứ từ nông nghiệp. Đây là một nguồn tài nguyên vô tận cho việc hình thành chuỗi các công viên chủ đề về hoa trái, đặc biệt có thể đầu tư tổ chức không gian, xây dựng một trong những công viên đầu tiên trên thế giới về chủ đề Vải Thiều (Lychee Park).
Cùng với du lịch văn hóa, đô thị Chũ hướng tới thiết lập các sản phẩm giá trị gia tăng để mang đến lợi nhuận lớn mà không cần tổn hao quá nhiều tài nguyên địa phương, trở thành một trong những động lực tăng trưởng đô thị một cách bền vững. Vụ vải năm 2019 cho thấy một kinh nghiệm không thể rõ ràng hơn: Khi các dịch vụ hỗ trợ, trình độ canh tác, tiếp thị tốt lên, mặc dù sản lượng thu hoạch giảm, sức lực và thời gian lao động cũng không lớn như các mùa vụ trước, thu nhập của các hộ sản xuất vải vẫn tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, tận dụng cơ hội từ xu hướng kinh tế sáng tạo, xu hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xu hướng xanh – sinh thái và xu hướng nghệ thuật hóa sẽ là bí quyết hình thành giá trị độc đáo của vùng đất, tạo động lực mạnh mẽ cho địa phương.
Tầm nhìn đến năm 2050, đô thị Chũ sẽ trở thành:
Định hướng phân vùng phát triển của khu vực nghiên cứu quy hoạch bao gồm 05 khu vực phát triển, có cấu trúc, phong cách khác nhau, tạo nên sự đa dạng và sức hút đô thị, với các động lực và hạt nhân tạo thị cụ thể:
Quy hoạch chung đô thị Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được thực hiện với phương pháp quy hoạch tích hợp/ comprehensive plan, định hướng phát triển không gian đô thị nông thôn theo hướng xác định các giới hạn tăng trưởng tối ưu cho đô thị Chũ nhằm nắm bắt các xu hướng, đảm bảo ưu thế “đô thị trong vườn” và “vườn trong đô thị”, tạo nên sự phát triển ổn định và bền vững về kinh tế, xã hội, sinh thái, môi trường và thị trường bất động sản.
Quy hoạch tham khảo chọn lọc những lý thuyết kinh điển phù hợp với địa phương như Đô thị hữu cơ của Camillo Sitte, Thành phố vườn của Ebenezer Howard và các trào lưu hiện đại như Chủ nghĩa đô thị mới với sự chú trọng Thiết kế đô thị. Quy hoạch tổ chức đường phố tạo thành một đường gấp khúc khép kín (có cân nhắc ngoại lệ đối với các đường phố có địa hình đồi dốc) với điểm nhìn đa hướng, tạo nên sức hấp dẫn cho cảnh quan và tạo điều kiện cho người dân có nhiều lựa chọn phong thủy phù hợp với vận mệnh của cá nhân, mang đến sự bình đẳng về cơ hội, là yếu tố quan trọng để tạo nên sự thịnh vượng của vùng đất. Các khu vực nông nghiệp xen kẽ và khu vực xây dựng mật độ thấp tạo thành các nêm xanh gắn với từng đô thị.
Để duy trì ưu thế đặc trưng của “đô thị trong vườn” và “vườn trong đô thị”, giới hạn tăng trưởng tổng quan được định hướng khống chế tỷ lệ giữa không gian đô thị với không gian nông thôn, nông nghiệp và chức năng ngoài đô thị trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch phát triển. Định hướng nhằm gia tăng chất lượng không gian trong kế hoạch dài hạn, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững, đồng thời xác định các quỹ đất dự trữ phát triển và điều tiết mật độ dân số đô thị theo quy luật thị trường.
Lê Nguyên Phương
Thạc sỹ Quy hoạch – Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh
(Master of Community Planning, DAAP; MBA/ University of Cincinnati, Ohio, USA).
Trưởng nhóm nghiên cứu tại Mỹ, thuộc Liên danh MQL và Các đối tác.
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2020)
Tin tức khác