BĐKH đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu với những tác động như thời tiết thất thường, khắc nghiệt, sự nóng lên của toàn cầu, đặc biệt là hiện tượng băng tan làm nước biển dâng đang và sẽ đe dọa trực tiếp tới nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nếu mực nước biển dâng cao 1m thì 90% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập lụt hàng năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và xã hội…
Với mục đích nâng cao nhận thức của cá nhân và cộng đồng đối với vấn đề BĐKH, Giờ Trái đất (tên tiếng Anh: Earth Hour) là một chiến dịch thường niên có quy mô toàn cầu do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (World Wildlife Fund - viết tắt là WWF) khởi xướng, kêu gọi người dân và doanh nghiệp tắt đèn 60 phút, từ 20 giờ 30 phút - 21 giờ 30 ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Chiến dịch được thực hiện lần đầu tiên tại TP. Sydney (Úc) vào năm 2007, đến năm 2008, chiến dịch đã lan rộng ra khắp các châu lục trên toàn thế giới.
Logo chính thức của chiến dịch Giờ Trái đất
Logo của chương trình được xây dựng từ nền bản đồ địa cầu, số 60 là số phút kêu gọi tắt điện. Hiện nay logo của Giờ Trái đất được thêm dấu "+" sau số 60 với ý nghĩa Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế nữa.
Mục đích của Giờ Trái đất nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng, từ đó làm giảm lượng khí thải dioxit cacbon - gây ra hiệu ứng nhà kính; đồng thời kêu gọi mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Chiến dịch Giờ Trái đất cũng nhằm khẳng định quan điểm cho rằng, mỗi một hành động cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng có thể giúp làm thay đổi môi trường sống của chúng ta theo hướng ngày càng tốt hơn.
Giờ Trái đất là chiến dịch kêu gọi sự tham gia tự nguyện của đông đảo người dân, công sở, tòa nhà công cộng có thể tắt bớt đèn và các thiết bị điện không cần thiết vào Giờ Trái đất. Đây là một hành động đơn giản, mang tính biểu trưng để nhắc nhở cộng đồng, cá nhân hãy quan tâm, hành động để thích ứng và giảm thiểu BĐKH.
Năm 2020, sau một giờ tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện trong Giờ Trái đất, Việt Nam tiết kiệm được 436.000kWh. Việt Nam chính thức tham gia sự kiện lịch sử này kể từ tháng 3/2009, trong 12 năm tham gia sự kiện, Việt Nam đã tiết kiệm được 5.273.000kWh.
Từ 20 giờ 30 phút - 21 giờ 30 phút ngày 27/3/2021, hàng triệu người sống ở các thành phố khác nhau trên khắp hành tinh sẽ cùng tắt đèn và thiết bị điện không cần thiết trong vòng một giờ - Giờ Trái đất. Hành động này được thực hiện nhằm chứng tỏ rằng các công dân toàn cầu có thể cùng nhau hành động để giảm nhẹ tác động của sự nóng lên toàn cầu. WWF và những người ủng hộ Giờ Trái đất trên khắp thế giới muốn bạn là một phần của thời điểm đáng nhớ này.
Công ty Điện lực Bạc Liêu hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2021. Ảnh: K.K
1. Tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết từ 20 giờ 30 phút - 21 giờ 30 phút, ngày 27/3/2021 (thứ Bảy).
2. Tăng cường sử dụng các phương tiện di chuyển xanh (như tăng thời gian đi bộ, sử dụng xe đạp, xe buýt công cộng...).
3. Thông tin cho mọi người biết về Giờ Trái đất thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Twitter...
4. Vận động gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… cùng tham gia hưởng ứng Giờ Trái đất.
5. Thay thế và chuyển sang sử dụng các thiết bị điện có hiệu suất cao, tiết kiệm điện, sử dụng nguồn năng lượng sạch từ điện mặt trời.
Bạn có nhiều cách để tham gia ủng hộ sự kiện Giờ Trái đất, đơn giản từ việc tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong đêm diễn ra sự kiện, cho đến việc thay đổi thói quen hằng ngày nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính lên bầu khí quyển, đóng góp giải pháp cho vấn đề BĐKH toàn cầu.
Theo Báo Bạc Liêu
Tin tức khác