Việc trồng mới cây xanh cho thành phố ngoài việc phải có kinh phí, có thời gian, có quy hoạch, thiết kế… thì cũng rất cần phải có sự phối hợp giữa các ngành có trách nhiệm liên quan, thông qua những định chế nhất định, thì mới đạt được yêu cầu đặt ra.
Sở dĩ phải nêu lên quan điểm này là vì trên thực tế, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ nói chung, ranh giới giữa các ngành đang có sự giao thoa, xâm lấn nhau, ảnh hưởng, phụ thuộc nhau ngày cành rõ nét. Ngành này sử dụng kết quả nghiên cứu của ngành kia và ngược lại đang trở thành xu thế của công nghệ hiện đại, chẳng hạn các ngành kinh tế sử dụng các kết quả nghiên cứu của công nghệ thông tin, y tế sử dụng kết quả nghiên cứu của Vật liệu mới, của Sinh học phân tử v.v… và những mối quan hệ, liên kết này đã tạo ra những tiến bộ vượt bậc, đem lại những lợi ích to lớn cho loài người, là điều không có gì phải bàn cãi.Nói một cách khác, ngành nào, lĩnh vực nào có cách tiếp cận, nắm bắt, vận dụng những kết quả của những ngành liên quan có thể phục vụ cho ngành mình, thì cơ hội tạo ra những sản phẩm mới có chất lượng, sẽ cao hơn nhiều. Một vài ví dụ:
Trong ngành Xây dựng, việc sử dụng gạch không nung đã đem lại những lợi ích to lớn như thể nào đối với xã hội, mọi người đều đã biết.
Vườn cây thẳng đứng trong kiến trúc đã và đang trở thành xu thế trong xã hội hiện đại, một phần nhờ có những tiến bộ đạt được trong nghiên cứu sinh học nông nghiệp.
Những kết quả nghiên cứu về pin nhiên liệu đã và đang biến giấc mơ xe chạy điện thay thế động cơ đốt trong đang trở thành hiện thực hơn bao giờ hết …
Trở lại chuyện cây xanh đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng, mặc dù đã có không ít các Nghi định, thông tư, văn bản hướng dẫn… từ nhiều cấp (chủ yếu từ ngành chủ quản), qua nhiều năm, nhưng rất tiếc là đâu đó vẫn bắt gặp những bất cập lớn nhỏ, mà nguyên nhân phần lớn cũng chỉ vì thiếu đi những sự phối hợp về chuyên môn của ngành có liên quan.
Như việc đánh chuyển những cây lớn có tuổi hàng chục năm trên hè phố (do quy hoạch mở rộng, như trường hợp cây Xà cừ vừa qua) rồi đem đi ươm để trồng lại ra nơi khác, là một việc rất tốn kém và phản khoa học (trừ trường hợp đặc biệt là cây di sản, phải có cơ chế đặc biệt). Thứ nhất là rất tốn kém công sức,thứ hai là tỷ lệ cây sống thấp, mà nếu có sống thì cũng dễ ngã đổ khi có gió lớn, do đã bị chặt hết rễ cọc trong khi đánh chuyển.
Việc trồng cây Phong lá đỏ trên một số tuyến phố Thủ đô với tham vọng đem lại màu sắc mới cho Hà nội, vừa sai quy định (cây chưa được trồng thử nghiệm) vừa tỏ ra thiếu kiến thức cơ bản về sinh thái học: mỗi loài cây trồng, do quá trình thích nghi lâu dài, chỉ sinh trưởng được ở những nơi có điều kiện sinh thái tương tự. Ai cũng biết Phong là giống cây Ôn đới, vì thế không thể trồng được ở Hà nội có khí hậu Nhiệt đới! Thiết nghĩ cũng cần nói thêm, ngay cả trong cùng đới khí hậu (nhiệt đới) thì cũng chia ra các tiểu vùng khí hậu, trong đó Sầu riêng, Măng cụt ở Nam bộ, cũng đâu đem trồng ngoài Bắc được và ngược lại, đâu phải muốn là có thể trồng hoa Đào ở Sài Gòn? Nghịch lý ở chỗ, trong khi Việt Nam còn có rất nhiều loài cây bản địa, vừa có dáng đẹp, hoa đẹp lại ít rụng lá, đã được trồng khảo nghiệm, hoàn toàn có thể trồng ở Hà Nội như Giáng Hương, cây Viết (ở phía Nam) cây Vàng Anh, cây Muỗm, cây Nghiến … ở phía Bắc và nhiều loài khác nữa.
Đối với quy định trồng cây bóng mát đường phố, để đảm bảo công năng thuận tiện cho người đi bộ cũng như tận dụng lượng nước mưa và dinh dưỡng cho cây trồng, chỉ được trồng cây và xây kè bao quanh gốc tối đa cao bằng hè phố, bên cạnh phần lớn thực hiện đúng, cũng không hiếm khi bắt gặp người ta xây kè bao quanh gốc cây cao cả chục phân so với mặt hè phố,làm cho nước mưa và chất dinh dưỡng không thể tập trung vào gốc cây được, dẫn đến cây sinh trưởng kém, dễ bị gió bão làm gẫy đổ, lại cản trở việc đi lại cho người đi bộ, nhất là người già, trẻ em. Những người thi công chỉ hiểu đơn giản họ xây kè gốc cây như thế để đất xung quanh gốc không tràn ra hè phố và… nhìn đẹp hơn, mà không hiểu bản chất kỹ thuật của quy định này.
Một trong những hiện tượng khá phổ biến trên các đường phố Thủ đô hiện nay là mâu thuẫn giữa cây xanh bóng mát với chiếu sáng đô thị. Do rất nhiều đường phố của Thủ đô có trồng cây bóng mát trên các hè phố là loại cây trung mộc, nghĩa là cây có chiều cao dưới 7 m, dẫn đến tình trạng các đèn chiếu sáng không phát huy hết tác dụng chiếu sáng mặt đường, thậm chí có chỗ tán lá của cây che khuất gần hết ánh sáng đèn đường, vừa lãng phí (điện năng) vừa không đảm bảo an toàn, an ninh cho giao thông đi lại.
Để giải quyết tận gốc vấn đề, cần phải có điều tra đánh giá tình hình một cách đầy đủ, kết hợp với những nghiên cứu khoa học nghiêm túc, qua đó đề xuất những giải pháp căn cơ như :
– Chọn những loại cây có chiều cao phù hợp với hệ thống đèn chiếu sáng, cụ thể là tán cây trưởng thành phải cao hơn chiều cao đèn đường, hoặc lắp thêm đèn dưới thấp như một vài nơi đã làm.
– Loại bỏ những cây bụi, cây có tán thấp (như cây Trứng cá chẳng hạn) thay vào đó những cây có chiều cao thích hợp.
– Định kỳ cắt tỉa những cành cây có xu hướng vươn ra che khuất ánh sáng đèn chiếu sáng ban đêm (kết hợp với cắt tỉa cây trước mùa mưa bão).
Để cho công tác quy hoạch kiến trúc, xây dựng ngày càng có chất lượng, để công tác quản lý cây xanh nói chung, cây bóng mát nói riêng của Thủ đô Hà Nội (và các thành phố khác trên cả nước) được thống nhất, trên cơ sở các căn cứ pháp lý, căn cứ khoa học đầy đủ, thiết nghĩ những nhà quản lý cần huy động, khai thác tiềm năng tri thức chuyên môn của những tổ chức, cá nhân có liên quan, tham gia đóng góp ý kiến một cách trách nhiệm, là việc có thể và nên làm.
Với những lợi thế về khí hậu và đa dạng sinh thái của Việt Nam, trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế ngày nay, Kiến trúc và Cây xanh đã và đang trở thành một điểm nhấn quan trọng của 1 thành phố Vì Hòa bình.
Mong muốn Hà Nội Xanh hơn, đẹp hơn, mang dấu ấn bản sắc hơn, hài hòa hợp lý hơn … luôn là mong mỏi, là niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô.
Hoàng Lê Minh
Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm nghiệp
Theo Tạp chí Kiến trúc