Thượng quan Tả Thái giám Bùi Công Dực, là một trong bốn người đầu tiên có công khai khẩn, lập nên làng Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cách đây hơn 800 năm. Để ghi nhớ công ơn ngài, dân làng đã lập đền thờ gọi là Đền Tây. Nơi đây, dân làng còn lưu giữ nhiều báu vật, trong đó có cây Đề được trồng cách đây 120 năm.
Trong sự tồn tại của thiên nhiên, mối quan hệ giữa con người với cây xanh là mối quan hệ sinh tồn. Cây xanh trải qua nhiều đời người, trở thành cây cổ thụ; nhiều cây có liên quan đến các sự kiện lịch sử văn hóa của các địa phương.
Cũng như bao làng quê truyền thống trên đất nước Việt Nam thường gắn liền với hình ảnh “Cây đa - Bến nước - Sân đình”. Đối với dân làng Hải Lạng, cây đề được đằm sâu trong tâm trí các thế hệ người dân bởi nó được gắn với các sự kiện lịch sử văn hóa của địa phương. Đây là nơi các chiến sĩ du kích lập chòi canh gác đường sông dẫn đến bốt Hải Lạng trong những năm kháng chiến chống Pháp cực kỳ gian khổ và ác liệt; 27 chiến sỹ cách mạng đã ngã xuống xung quanh cây đề. Trong chiến tranh chống Mỹ, cây đề được làm địa điểm quan sát, báo động của dân quân; dưới tán cây đề là hầm trú ẩn của nhân dân, nơi tiễn đưa những người con trung hiếu, mang theo truyền thống của quê hương lên đường tòng quân giết giặc. Về kinh tế, dưới bóng mát của cây, nơi đây tấp nập “trên bến dưới thuyền” giao thương các loại nông sản trong vùng và còn là nơi…hẹn hò của nhiều đôi lứa.
“Cây đa - Cây đề” vốn mang hàm ý của sự thành kính và biết ơn các bậc tiền nhân, lão thành...thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của các làng quê Việt Nam. Cây đề, đền Tây - Hải Lạng cùng với những câu chuyện tâm linh được truyền tụng đã tiếp thêm tình yêu quê hương, sự gắn bó, đoàn kết xóm làng của Hải Lạng; cây được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận là Cây Cổ thụ có giá trị lịch sử văn hóa. Nhân dân Hải Lạng rất phấn khởi, tự hào vì báu vật của làng được tôn vinh, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương.
Bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc trên lĩnh vực sinh vật cảnh, trong đó có việc điều tra, xác định, tôn vinh, chăm sóc bảo vệ cây cổ thụ gắn với phong trào trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và phát triển sinh vật cảnh vào nơi công cộng, không chỉ là chức năng nhiệm vụ của Hội Sinh vật cảnh các cấp mà còn là tình cảm và trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên đối với truyền thống quê hương./.
Bài và ảnh: Đồng Bằng
Tin tức khác