Thời gian 15/04/2025 2:03 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Cây đa "di chuyển" nghìn năm ở Ninh Bình, mỗi bước đi dài cả thế kỷ

Nằm trong khu du lịch sinh thái Thung Nham, thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, một cây đa cổ thụ với dáng thế kỳ vĩ đang thu hút sự chú ý của đông đảo du khách bởi khả năng "di chuyển" hiếm có trong tự nhiên.

Cây đa cổ thụ thuộc họ nhà sanh, si. Cây di chuyển chính bằng việc nhờ vào các rễ phụ, khi rễ phụ thả xuống… thành rễ chính.

Theo người dân địa phương, cây đa này được gọi bằng cái tên huyền bí: “Cây đa di chuyển”. Tuy không tự đi như trong các câu chuyện thần thoại, nhưng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khoảng 300 năm, cây lại di chuyển khoảng 10 mét, nhờ vào cơ chế sinh học đặc biệt. Cụ thể, rễ phụ của cây thả xuống đất, bám sâu và lớn dần để trở thành thân chính mới, trong khi thân cũ mục nát và biến mất. Chính quá trình này tạo nên “những bước chân” chậm rãi nhưng không ngừng nghỉ của cây đa cổ thụ.

Trước kia, vị trí của cây đa là bên ngôi đền cổ. Khi đền cổ mất đi nó bước đi đầu tiên xuống chỗ dựng miếu thờ tạm.

Tương truyền, vị trí ban đầu của cây là bên cạnh ngôi đền cổ nay đã mất. Trải qua thời gian, cây “bước” dần ra gần bờ hồ – nơi có nguồn nước dồi dào. Điều khiến người ta kinh ngạc là ở bước di chuyển thứ tư, thay vì tiếp tục tiến về phía hồ, cây đa lại quay ngược trở về gần ngôi miếu nhỏ, được cho là thờ linh thần của đền cổ. Hiện tượng này khiến người dân tin rằng cây đa cổ thụ đang “đi ngược quy luật”, làm tăng thêm sự linh thiêng và huyền bí bao quanh gốc cổ thụ.

Cây cao trên 20 mét, tán rộng khoảng 50 mét, với hàng trăm rễ phụ thả xuống đất như những chiếc cột đỡ tự nhiên. Nhiều chỗ trên thân cây đã mục rỗng do tuổi đời quá lớn, nhưng tán lá vẫn xanh tốt. Dưới gốc cây, ngôi miếu nhỏ - nơi lưu giữ dấu tích của đền Gối Đại xưa kia, luôn nghi ngút khói hương do khách thập phương dừng chân thắp lễ.

Ngay bên dưới ngôi đền mới xây khang trang hiện vẫn còn một miếu nhỏ, người dân gọi nó bằng cái tên (linh thần miếu).

Đại diện Khu du lịch sinh thái Thung Nham chia sẻ:“Cây đa di chuyển không chỉ là hiện tượng sinh học kỳ thú mà còn mang đậm yếu tố tâm linh, tạo điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái. Có du khách đã quay lại đây nhiều lần, chỉ để đi vòng quanh gốc đa và tìm cảm giác an yên dưới tán cây hàng nghìn năm tuổi.”

Gắn bó với đình làng, miếu cổ, cây đa từ lâu đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt. Nhưng ở Ninh Bình, biểu tượng ấy lại mang một sắc thái hoàn toàn khác: vừa cổ kính, vừa sống động như đang bước đi qua từng thời đại. Và mỗi bước di chuyển ấy – dù kéo dài hàng trăm năm – vẫn là một minh chứng sống cho sức sống mãnh liệt và kỳ diệu của thiên nhiên.

Bích Bông
 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng