Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị (Ảnh: mard.gov.vn)
Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, sau 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tài nguyên rừng được bảo vệ và phát triển ngày càng tốt hơn. Năm 2020, tổng diện tích rừng đạt trên 14,6 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, cơ cấu 3 loại rừng đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh môi trường.
Đến nay, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2020 đạt trên 13,2 tỷ USD. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ở vị trí thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á. Dịch vụ môi trường rừng thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững – trở thành một trong 10 thành tựu nổi vật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Để tiếp nối các thành quả này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2021-NĐ-CP về “quản lý giống cây trồng lâm nghiệp”, Quyết định số 523/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Đây là những văn bản quan trọng tạo hành hang pháp lý, chính sách quan trọng cho lĩnh vực Lâm nghiệp trong giai đoạn tới.
Đối với đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025", Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm phần nào bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Thủ tướng đã đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, trong quá trình triển khai thực hiện chúng ta phải nâng cao được nhận thức, ý thức của người dân và cộng đồng, xã hội hóa trồng rừng, trồng rừng đi đôi với chăm sóc, kiểm tra để cây phát triển, tránh phô trương, hình thức, lãng phí” – ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, xác định rừng là thành tố quan trọng trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, trong kế hoạch thực hiện chiến lược, Tổng cục Lâm nghiệp ưu tiên phát triển vùng rừng trồng cung cấp nguyên liệu tập trung, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn. Cùng với đó, ngành lâm nghiệp cũng chú trọng đặc biệt đến công tác giống lâm nghiệp.
Tại Hội nghị, đại diện Sở NN&PTNT nhiều địa phương, các cơ quan, ban ngành đã cùng thảo luận, góp ý hoàn thiện kế hoạch triển khai các văn bản quan trọng trên. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án trồng 1 tỷ cây xanh mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, tại Hội nghị, nhiều địa phương đã kiến nghị ưu tiên công tác lựa chọn giống. Các ý kiến nhấn mạnh việc tránh đầu tư dàn trải để có thể tập trung nguồn lực hiệu quả, đồng thời, Nhà nước cần có những cơ chế và chính sách chuyên biệt đối với giống cây lâm nghiệp bởi giống trong lĩnh vực lâm nghiệp mất nhiều thời gian sản xuất hơn so với sản xuất giống thông thường trong nông nghiệp. Trong đó, chú trọng vấn đề đất đai, tài chính và nguồn lực và giải quyết vấn đề công nghệ kết nối của giống lâm nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, vấn đề quan trọng đối với lâm nghiệp hiện nay là phải bảo tồn và phát triển. Trong đó, làm thế nào để phát triển nhưng không ảnh hưởng đến bảo tồn và bảo tồn nhưng không phải đóng cửa để vẫn có thể phát triển. Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Kế hoạch thực hiện Chiến lược; Nghị định của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp và Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025". Trong đó lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm: Tham mưu xây dựng, trình phê duyệt Bộ chỉ số theo dõi và cơ chế giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược; triển khai hiệu quả hệ thống lập kế hoạch và giám sát ngành lâm nghiệp; Tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án ưu tiên thực hiện Chiến lược.
Đối với Đề án Trồng một tỷ cây xanh, phải nghiên cứu, xây dựng tiêu chí về diện tích trồng cây xanh trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện, xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, tổ chức rà soát, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về giống cây trồng lâm nghiệp và lâm sinh để hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Bộ trưởng kỳ vọng lãnh đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương sẽ tạo điều kiện để phát huy tốt các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội, không chỉ là tài chính mà còn có thể là tư duy, sáng kiến. Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực vào ngành lâm nghiệp. "Chúng ta cần chứng minh với thế giới rằng, Việt Nam sẵn sàng để phát triển một nền lâm nghiệp có trách nhiệm, không chỉ theo đuổi mục tiêu kinh tế mà còn các yếu tố xã hội, môi trường và hòa nhập vào tư duy phát triển chung của thế giới" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng mong muốn các Tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành cùng ngành NN&PTNT trong việc bảo vệ, phát triển rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo mard.gov.vn
Tin tức khác