Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua đã xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn 2021-2025. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chú trọng phát triển kinh tế nông thôn.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt nhiều kết quả quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành. Ảnh: Khánh Linh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí về kế hoạch kiến thiết ngành NN&PTNT trong thời gian tới.
PV: Thưa Bộ trưởng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn giàu có, nông dân văn minh. Ngành Nông nghiệp sẽ có những hành động gì để cụ thể hóa và đưa các mục tiêu của Nghị quyết vào cuộc sống?
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, phát triển kinh tế nông thôn là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, vừa phục vụ cho quá trình xây dựng nông thôn mới, vừa phục vụ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ ở các địa phương.
Nói cách khác, phát triển kinh tế nông thôn sẽ tạo ra được vật chất để xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân, lúc đó nông dân sẽ đóng vai trò là trung tâm trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại nông nghiệp.
Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua ghi nhận sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhưng thực tế, số lượng những doanh nghiệp nông nghiệp không đủ kín trong bức tranh nông nghiệp hiện nay.
|
Chúng ta có 20.000 doanh nghiệp nhưng có vài chục triệu hộ nông dân, vì vậy, cần tập hợp họ lại trong hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp để trở thành lực đẩy thúc đẩy kinh tế nông thôn, tạo ra sự liên kết trong bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm.
PV: Để phát triển kinh tế nông thôn, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Để phát triển kinh tế nông thôn thì cần xác định cái gì đang cản trở kinh tế nông thôn phát triển để đưa ra khuyến nghị chính sách giúp vượt qua cản trở đó. Đã có nhiều chính sách dành cho những doanh nghiệp lớn, điều đó rất quan trọng để họ thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường.
Có một thời gian chúng ta chỉ chú trọng tới những doanh nghiệp lớn, những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, đôi khi có lúc chúng ta lại thiếu mặn mà. Chúng ta phải xác định, kinh tế nông nghiệp giống như một hệ sinh thái, doanh nghiệp lớn như những cây cổ thụ, nhưng cây cổ thụ muốn đứng vững cần có những tầng cây khác nhau hỗ trợ.
Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng xem nhẹ việc phát triển về hợp tác xã và thậm chí không chú trọng lắm. Trong khi đó, hợp tác xã bản chất là sức mạnh của số đông, từ đơn lẻ mà tập hợp được nhiều. Rất nhiều quốc gia thành công về hợp tác xã, kể cả những quốc gia gần như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…
Thời gian vừa qua, rất nhiều hợp tác xã được thành lập, cũng đã đóng góp được một phần trong chuỗi liên kết như thu mua nông sản. Tuy nhiên, hợp tác xã chỉ đảm bảo được một phần nhỏ trong công việc thay vì một người thương lái đi thu mua nông sản của nông dân. Hợp tác xã cần hướng tới vận hành không chỉ là tham gia vào các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, được đóng vai trò trung gian mà hợp tác xã phải tham gia vào các chuỗi giá trị của một ngành hàng, một vùng nông sản nào đó, tức là từ chuỗi liên kết chuyển thành chuỗi giá trị của ngành hàng đó.
PV: Nhiệm kỳ vừa qua, ngành Nông nghiệp đã chứng minh được vị trí trụ cột của nền kinh tế với những kết quả ấn tượng trong xuất khẩu nông sản, phát triển các nhà máy chế biến. Trong giai đoạn 5 năm tới, Bộ trưởng sẽ kiến thiết ngành Nông nghiệp theo hướng nào?
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trong bối cảnh dịch bệnh khiến nguồn cung bị đứt gãy, sạt lở, hạn mặn, khan hiếm tài nguyên nước ngày càng thể hiện rõ ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngành Nông nghiệp vẫn gặt hái được những thành quả ấn tượng. Năm 2020, ngành Nông nghiệp lập kỷ lục với con số xuất khẩu nông sản vượt 40,2 tỷ USD, các nhà máy chế biến nông sản nở rộ.
Thành quả đó vừa là nền tảng nhưng cũng là áp lực cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo vì khi đó thế giới đã thay đổi, dịch bệnh phức tạp, áp lực toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt hơn. Làm thế nào để vừa giữ được thành quả, vừa tạo ra giá trị mới từ thành quả đó rất cần sự linh hoạt của bộ máy trong chỉ đạo, điều hành.
Các bạn cũng thấy, một con tàu bị mắc kẹt ở kênh đào Suez ngay lập tức tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đơn hàng tắc nghẽn, đội giá sản phẩm, toàn cầu hóa khiến những tác động đó đến nhanh hơn đến hạt lúa, con cá tra, quả xoài của chúng ta.
Chúng ta càng hội nhập sâu với thế giới, độ mở càng lớn thì càng dễ bị tổn thương. Vì vậy, chúng ta phải xác định luôn linh hoạt tìm giải pháp, dựa trên rủi ro được dự báo để tìm cách đứng vững hơn chứ không chỉ đưa ra những con số kế hoạch đơn thuần.
PV: Cuộc chuyển đổi số đang là cơ hội quý báu cho Việt Nam nắm bắt các công nghệ mới diễn ra trên khắp thế giới, đẩy mạnh sự phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Ngành Nông nghiệp sẽ nắm bắt cơ hội này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói với tôi rằng, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực rộng đường chuyển đổi số nhất để kích thích giá trị gia tăng. Bởi nếu chuyển đổi số chỉ giới hạn ở doanh nghiệp thì chỉ phục vụ lợi ích của thiểu số. Còn chuyển đổi số trong nông nghiệp thì có thể phục vụ hàng chục triệu nông dân, qua đó kết nối các hợp tác xã, kết nối giữa người sản xuất, chế biến với thị trường một cách nhanh nhất.
Vừa qua, câu chuyện giải cứu nông sản ở Hải Dương hay cam quýt ở Tuyên Quang, Hà Giang cho thấy, vì không kết nối được nông dân ở trong mảnh vườn đó với thị trường.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc kết nối vạn vật, vậy tại sao không kết nối được con người với con người, giữa nông dân với thương lái, doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông, thú y… Nếu kết nối được sẽ giảm thiểu những rủi ro như vừa qua.
Bộ NN&PTNT hay Bộ Công thương cũng có thể biết được một diện tích nào đó đang tồn trữ và có thể đưa thông tin đó lên các sàn giao dịch, các trung tâm phân phối chỉ bằng một cú click, không phải loay hoay và sẽ không gây nhốn nháo cả xã hội đi làm từ thiện.
Theo tôi, có thể bắt đầu việc chuyển đổi số trong nông nghiệp ở hình thức đơn giản nhất là kết nối. Lấy ví dụ như Amazon, Alibaba, họ đâu có sản phẩm, có sản xuất sản phẩm nhưng họ lại là tập đoàn đa quốc gia, siêu lợi nhuận mà họ chỉ làm nhiệm vụ kết nối. Làm nông nghiệp đôi khi không cần sở hữu đất mà là kết nối nông dân để sản xuất theo một quy trình, chuẩn mực, cơ chế… để nông dân có lợi.
Bởi vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, đó là sự kết nối. Sau đó, chúng ta mới nghĩ đến chuyển đổi số để hình thành nền nông nghiệp thông minh, qua đó người nông dân có thể ngồi ở nhà để canh tác nông nghiệp thông qua các thiết bị và phần mềm điều khiển tưới tiêu tự động...
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Thoibaotaichinh
Tin tức khác