Chợ Bến Thành là biểu tượng văn hóa, mang dấu ấn lịch sử, tồn tại trong ký ức, tâm hồn của người dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh: vietnam.vnanet.vn |
Mang đậm dấu ấn lịch sử
Cho đến nay, những tuyệt tác kiến trúc mang tính di sản, gắn bó với cuộc sống của người dân đô thị, ghi dấu ấn của từng giai đoạn phát triển tại Thành phố Hồ Chí Minh như Dinh Độc lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm thành phố, chợ Bến Thành, UBND Thành phố Hồ Chí Minh… vẫn còn nguyên giá trị mỹ thuật, văn hóa, lịch sử.
Bên cạnh đó, Thành phố còn có nhiều công trình mang tính biểu tượng di sản cũng cần được quan tâm, chú trọng bảo tồn như khu vực từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng đến cột cờ Thủ Ngữ. Đây là đoạn đường giàu về tài nguyên lịch sử, tài nguyên về du lịch. Kế đến là tòa nhà Hỏa xa (trụ sở của Tổng công ty Đường sắt hiện tại), khu phố xung quanh chợ Bến Thành như đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vẫn còn nguyên hình thái kiến trúc cổ xưa. Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng, cần bảo tồn khu vực Quận 3 vì đây được ví như “Đặc khu di sản Sài Gòn xưa” bao gồm vườn ông Thượng, chợ Đũi và các khu biệt thự xây dựng trước năm 1955, không những có giá trị về cảnh quan kiến trúc, mà còn gắn với các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.
Mới đây, UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa quyết định đưa thêm 35 biệt thự cũ trên địa bàn thành phố vào diện quản lý, bảo tồn, nâng tổng số biệt thự cũ vào diện bảo tồn, quản lý lên hơn 200 căn biệt thự. Sau khi khảo sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết về giám sát công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã tập hợp danh sách khoảng 1.550 địa chỉ biệt thự cũ, số biệt thự cũ đã được kiểm kê khoảng 1.058 địa chỉ và ghi nhận khoảng 560 địa chỉ không còn là biệt thự.
Theo đó, trong 1.300 biệt thự xây dựng trước năm 1975 đã mất khoảng 600 căn. Trong số đó, nhiều biệt thự cũ có giá trị về lịch sử, văn hóa lẫn kiến trúc đã không còn hiện diện như biệt thự tại số 12 Lý Tự Trọng (Quận 1), biệt thự gần 100 năm tuổi ở 237 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), căn biệt thự ở 6B Ngô Thời Nhiệm (Quận 3) chưa kịp phân loại để xếp hạng bảo tồn đã bị tháo dỡ…
Hai địa bàn tập trung số lượng biệt thự cũ nhiều nhất là Quận 1 và Quận 3. Thời điểm tháng 8/2020, Quận 3 đang có 266 căn và các biệt thự tập trung ở trục đường Tú Xương, khu T78. Mặc dù đã thống kê, lập danh sách sơ loại các biệt thự cũ trên địa bàn, tiến hành phân loại và hướng dẫn quản lý, tuy nhiên do quá trình phân loại kéo dài, một số biệt thự cũ xuống cấp, chủ sở hữu tự ý tháo dỡ hoặc sửa chữa cải tạo khi chưa có phép của cơ quan chức năng, gây khó khăn trong công tác quản lý tại địa phương.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề mà Quận 3 đang gặp cũng là vấn đề chung hiện nay của công tác bảo tồn biệt thự cũ. Vì vậy, việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành danh mục biệt thự cũ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh mới đây là một công cụ để có thể giữ được giá trị còn lại trong những căn biệt thự cũ.
Tương tự, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Bùi Bá Nguyên Khanh - giảng viên Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong việc dung hòa lợi ích giữa kinh tế và văn hóa, đầu tiên phải có một định hướng hoán đổi phù hợp, đôi bên cùng có lợi thì mới giải quyết nhanh chóng. Muốn hai bên cùng giữ gìn di sản, cần phải có một sự tương tác về tài chính. Trong trường hợp không thể bố trí được một nơi tương đương, chính quyền cần tạo điều kiện để những cư dân trong ngôi nhà đó có một cuộc sống ổn định. Họ phải có một vị trí nào đó để có thể vừa kinh doanh, buôn bán vừa sinh hoạt gia đình. Trên cơ sở đó, các đơn vị quản lý mới trùng tu, bảo tồn, gìn giữ được công trình di sản.
Chú trọng phát triển kinh tế di sản
Trước những “tượng đài” sừng sững đã in sâu vào đời sống người dân thì việc kiến tạo nên những di sản mới là điều không dễ dàng. Điều này đòi hỏi những người kiến tạo phải chắt lọc những giá trị kinh điển kết hợp hài hòa cùng những yếu tố hiện đại.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu cho rằng, phát triển kinh tế di sản nói chung và bảo tồn biệt thự cũ nói riêng, khó khăn lớn nhất hiện nay thuộc về những công trình sở hữu tư nhân. Thực tế cho thấy, người dân không muốn biệt thự rơi vào danh mục bảo tồn vì sẽ hạn chế đầu tư, xây dựng, ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình. Khi chưa tìm được phương thức phù hợp, chưa thực sự cân đối được lợi ích về mặt bảo tồn di sản và lợi ích của tư nhân thì câu chuyện bảo tồn biệt thự cũ sẽ còn kéo dài. Trong Luật Di sản văn hóa cũng như các văn bản dưới luật phải có hướng dẫn điều khoản cụ thể, để chủ sở hữu một tài sản - di sản thấy mình có quyền lợi thực sự bên cạnh quyền lợi về mặt tinh thần.
Bên cạnh đó, nên có sự tôn vinh về mặt tinh thần bởi chủ sở hữu di sản đã bảo tồn hoặc giữ gìn đến nay. Ngoài ra, cần phải kèm theo những điều khoản về kinh tế hay còn gọi là kinh tế di sản; phải có ngay những văn bản chính sách cho loại hình kinh tế này, nếu không khó có thể giữ được di sản khi không đáp ứng kịp với thực tiễn của đời sống.
Đồng quan điểm, theo Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đặng Thanh Hưng - giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, cần phải lưu ý đến lợi ích của chủ sở hữu biệt thự bằng những chính sách ưu đãi riêng để có nguồn kinh phí trùng tu di sản, trong khi họ vẫn tuân thủ nguyên tắc bảo tồn.
Ông Đặng Thanh Hưng nhận định, người dân có quan điểm của họ và đó là tài sản của họ. Những người làm công tác quản lý Nhà nước phải đứng ở góc độ của người dân để hiểu, để dung hòa lợi ích giữa hai bên trong việc trùng tu và bảo tồn di sản. Về mặt cơ chế đây là vấn đề quan trọng, cần phải xây dựng được những quy định pháp lý rõ ràng và cụ thể.
Giám đốc Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà cho rằng, di sản đô thị có giá trị lịch sử, văn hóa, tạo dựng thương hiệu trong suốt quá trình hình thành, phát triển. Di sản ấy còn tạo ra nơi chốn, những dấu tích và cảnh quan gắn bó, ăn sâu vào tâm thức của người dân và du khách. Do đó, muốn bảo tồn di sản phải hiểu bản chất của di sản. Vướng mắc lúc này là chưa có một danh sách và lý lịch đầy đủ về các di sản, di tích văn hóa - lịch sử - kiến trúc. Phải xây dựng được hệ thống lý lịch của di tích để không chỉ nhà khoa học, mà người dân cũng hiểu, từ đó hướng tới chung tay gìn giữ, bảo tồn.
Để bảo vệ những công trình di sản kiến trúc có giá trị tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Tiến sỹ Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về quy hoạch, kiến trúc tại nhiều đô thị trên thế giới, việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử cũng như là các công trình kiến trúc nói riêng là trách nhiệm chung của tất cả những người đang sinh sống trong thành phố đó. Cần xây dựng hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ, trong luật di sản cần có những sự điều chỉnh phù hợp để bảo vệ những công trình chưa được xếp hạng. Chính quyền đô thị cũng cần xây dựng được những quy chế quản lý, quy định rõ ràng cho sự phát triển ở từng khu vực, đặc biệt ở các khu vực cần bảo tồn, những công trình được cải tạo, mở rộng phải đảm bảo cùng phong cách kiến trúc hoặc có sự tương xứng, tương hợp.
Nhiều chuyên gia chỉ ra, nếu gắn kết di sản với phát triển đô thị sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở các lợi ích lâu dài và bền vững của cộng đồng, việc phát triển kinh tế đô thị và bảo tồn di sản văn hóa truyền thống có mối quan hệ mật thiết theo hướng hỗ trợ và thúc đẩy nhau phát triển.
Để di sản được bảo tồn tốt cần công nhận giá trị của chúng trên phạm vi rộng. Việc quy hoạch phát triển đô thị, nhất là quy hoạch xây dựng cần phải được làm chặt chẽ hơn, tránh để cao ốc lấn sang tầm nhìn của di tích, di sản. Điều này phụ thuộc vào sự hiểu biết của nhà quản lý trong hoạch định bảo tồn và định hướng cho cộng đồng.
Nguồn: Báo Tin tức
Tin tức khác