Những vùng nông sản sạch hiện hữu
17 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại Khu thực nghiệm xã Việt Đoàn (Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), Sở Khoa học và Công nghệ là minh chứng cho sự thành công trong việc tích hợp các giải pháp nông nghiệp thông minh vào sản xuất. Các mô hình sản xuất giống nấm, nấm thương phẩm; sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất lan rừng, lan vũ nữ; trồng mít thái; nuôi ngan trên sàn .... dần đi vào ổn định, cho năng suất, chất lượng cao. Sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp cao cấp của Khu thực nghiệm có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Anh Bùi Hữu Thơ, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Làm nông nghiệp bao giờ cũng vất vả hơn các ngành, nghề khác, rủi ro lại cao, nên thực sự phải có niềm đam mê, tinh thần cầu thị chịu khó học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu mới có thể cho ra những sản phẩm nông nghiệp thực sự chất lượng. Vì vậy, trong quá trình đưa CNC vào sản xuất, cùng với những kỹ sư, cán bộ chuyên môn giỏi, Trung tâm còn mời PGS.TS Hoàng Ngọc Thuận, nguyên giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chuyên gia về sản xuất nông nghiệp CNC làm cố vấn chuyển giao KHKT và đào tạo tay nghề cho cán bộ, kỹ sư của Trung tâm nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp giá trị.
Sản xuất rau sạch tại Công ty TNHH Ánh Dương, phường Vạn An (thành phố Bắc Ninh).
Hiện nay, Trung tâm đã có những bước tiến quan trọng về ứng dụng CNC như: Quy trình sản xuất Dưa lê vàng (Dưa lê Hàn Quốc); sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; áp dụng tiến bộ KHKT phục tráng, chọn lọc, nhân thuần nhằm bảo tồn nguồn gen và phát triển sản xuất giống gà Hồ thuần chủng, tiếp tục nhân đàn, duy trì đàn gà sinh sản tại Trung tâm; bàn giao, hỗ trợ phát triển đàn gà thương phẩm ở các mô hình vệ tinh tại các huyện Gia Bình, Thuận Thành; xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC sản xuất hoa lan hồ điệp, hoa lily quanh năm; lắp đặt hoàn chỉnh và khai thác có hiệu quả 10.000 m2 nhà lưới trồng hoa lily, 2.000 m2 nhà lưới trồng hoa lan Hồ điệp, cung ứng ra thị trường hơn 24.000 cây hoa lan, 15.000 cành hoa lily đạt tiêu chuẩn… Trong những năm tiếp theo, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đây là cơ sở sản xuất thử nghiệm, trình diễn những thành tựu mới về KHKT trong nông nghiệp để nông dân học tập, làm theo.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp CNC được hình thành và khẳng định thương hiệu trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (Lương Tài); Công ty TNHH rau sạch Ánh Dương (thành phố Bắc Ninh); HTX rau công nghệ cao Liêm Anh (Việt Đoàn, Tiên Du); HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc (Lãng Ngâm, Gia Bình); HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân (Yên Phụ, Yên Phong); HTX chăn nuôi gia cầm Cường Thịnh (Đông Thọ, Yên Phong), trang trại Delco (Nguyệt Đức, Thuận Thành)... Cho thấy xu hướng sản xuất sạch có sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các cánh đồng trong tỉnh, khẳng định sự năng động, nhạy bén của người nông dân trước xu thế hội nhập.
Bắt nhịp cùng thời đại
Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, phục vụ quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp thì một nền nông nghiệp manh mún, lạc hậu sẽ không thể tồn tại. Để bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững, ổn định chính trị- kinh tế- xã hội, các cấp lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến sản xuất nông nghiệp CNC, cùng nông dân gỡ các “nút thắt” về cơ chế, chính sách, hỗ trợ vốn, kỹ thuật…nhằm bắt nhịp cùng thời đại công nghệ 4.0.
Hoa lan hồ điệp của Khu thực nghiệm, xã Việt Đoàn (Tiên Du) được thị trường trong nước ưa chuộng.
Ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: “ Tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh, nhưng có ý nghĩa to lớn về bảo đảm an ninh lương thực, ổn định đời sống người dân nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững. Vì vậy, Sở tham mưu với tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, khắc phục sản xuất nhỏ lẻ, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, hiện đại, phù hợp với thực tiễn sản xuất. Hiện nay, tỉnh đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện, an toàn, hiệu quả, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hàng loạt các giải pháp nông nghiệp thông minh được ứng dụng rộng khắp, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, bảo đảm sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với lĩnh vực trồng trọt, cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch; áp dụng KHKT về giống cây trồng, sử dụng nhà màng, nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt, hệ thống cảm biến điều khiển chế độ dinh dưỡng, thiết bị máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng thủy canh, canh tác tiên tiến ICM, GAP, VietGAP… vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa đa dạng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, giá trị kinh tế tăng cao. Trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ứng dụng các giải pháp công nghệ chuồng kín, hệ thống làm mát, máng ăn, uống tự động; xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể Biogas; công nghệ nuôi cấy tế bào trong phòng, chống dịch bệnh; nuôi thâm canh, siêu thâm canh các loại thủy sản trong ao đất và trong lồng trên sông… từng bước đưa chăn nuôi, nuôi trồng thủy, trở thành mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng chiếm hơn 51% tổng giá trị sản xuất.
Bắc Ninh tự hào là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 7 vùng sản xuất lúa an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; 14 vùng sản xuất rau an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 72 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín; 162 vùng nôi trồng thủy sản CNC. Nông nghiệp thông minh được xác định là một cực tăng trưởng xanh không thể thiếu cho những vùng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh. Tỉnh đang đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực năng động, nhạy bén, tiếp cận, thích ứng nhanh với công nghệ 4.0, đồng thời rà soát, quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh đến năm 2035, định hướng đến năm 2050 để hòa cùng nhịp tăng trưởng chung của tỉnh.
Theo Báo Bắc Ninh
Tin tức khác