Thời gian 23/11/2024 11:20 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Bác Hồ với Sinh vật cảnh

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác Hồ (19/05/1890 - 19/05/2020), chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà báo Hoàng Tùng - Nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân

Muốn biết về lãnh tụ cao nhất của dân tộc ta yêu Sinh vật cảnh như thế nào, xin hãy đọc lại di chúc của Người.

Năm 1946 tại một cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội, câu ấy nói đầy đủ hơn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em bé chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi...”

Bác trồng và chăm "Cây vú sữa miền Nam do gia đình bà Lê Thị Sảnh (thường gọi là mẹ Tư) đại diện nhân dân miền Nam gửi tặng Bác năm 1954"

Lý tưởng sống của người thật giản dị. Tiếc rằng, hai cuộc kháng chiến kéo dài, hoài bão của Người chỉ đạt được một phần. Song cuộc sống giữa khói lửa của chiến tranh trong ngôi nhà sàn đơn sơ dưới vườn cây um tùm, vườn hoa, vườn xoài, ao cá cũng giúp Người sống những giờ phút thoải mái sau một ngày làm việc vất vả.

Hàng ngày, tự tay Bác chăm sóc, tưới nước cho cây Vú Sữa trong khu vườn 

Từ mùa thu năm 1954 đến mùa thu 1969, Bác Hồ sống và làm việc ở ngôi nhà sàn nói trên theo một thời khóa biểu; Buổi sáng thức dậy lúc 5h, vệ sinh thân thể, tập thái cực quyền ở vườn xoài, 7h ăn sáng rồi chuẩn bị công việc trong ngày, đọc báo 7h30 hoặc 8h00 làm việc hoặc họp, 11h00 đến 11h30 nghỉ trưa, 14h đến 17h lại làm việc hoặc họp. Trước khi ăn chiều, cho cá ăn. Đọc sách báo trước khi đi ngủ. Còn công việc làm vườn, chăm sóc cây trồng, theo dõi sự trưởng thành của những vườn bưởi, cam, vú sữa...

Hồ Chủ tịch cho cá ăn sau giờ làm việc năm 1957.

Trong hai lần ở Việt Bắc, Lần thứ nhất nhất ở Cao Bằng, chúng ta biết người ở hang Pắc Bó với Suối Lê nin và tượng Mác do người tạc.

Bài thơ Vịnh cuộc sống như sau:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, canh măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang...

Lần thứ hai ở Tuyên Quang, Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ở cả 3 nơi, đều ở trong một lá nhỏ bên bờ suối, Định Hóa là Khuôn Tát (suối mát), Sơn Dương là thác Dẫn. Hàng ngày, lúc xong việc, ngồi bên hòn đá buông câu nhiều khi được cá. Thích tắm suối nước chảy, thú vui của Bác Hồ là sống giữa thiên nhiên, không thích ở nhà lầu, ngôi nhà sàn là chỗ ở mà Người lựa chọn ở mọi nơi trong nước. Ở đâu Người cũng thích làm vườn, trồng rau và trồng hoa, ở bàn làm việc, bao giờ cũng có một lọ hoa nhỏ hoặc đĩa hoa nhài do chính mình trồng và chăm sóc.

Người tự trồng cây ở vườn và trồng lưu niệm ở các công viên, Hồ Chủ Tịch viết bài đăng báo Nhân Dân kêu gọi đồng bào:

Mùa xuân là tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Gần một nửa thế kỷ đã trôi qua và bằng ấy tết trồng cây, Nhờ có tục trồng cây ấy mà trên mọi miền độ che phủ ngày càng mở rộng thêm... con người có cây tránh nắng, ruộng đất giữ được độ ẩm và điều quan trọng nữa là che mắt quân thù trong thời gian chiến tranh.

Bác Hồ trồng cây Đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội)
ngày 16-2-1969. Ảnh Tư liệu

Cuộc sống đơn sơ mà cao thượng biết bao! Yêu cái đẹp thiên nhiên và cái đẹp do con người sáng tạo là tâm hồn cao đẹp. Tâm hồn cao đẹp làm cho cuộc sống cao đẹp. Nói cho cùng cách mạng là loại trừ cái xấu, sáng tạo cái đẹp của cuộc sống con người. Cuộc sống của cách mạng đẹp, đẹp trong thiên nhiên, Người yêu cái đẹp chỉ nghĩ mà làm việc tốt, việc đẹp.

Bác Hồ của chúng ta là biểu trưng của cái đẹp ở trong đời. Mọi người chúng ta hãy noi gương Người sống đẹp cho mình và hướng người khác sống đẹp./.

(Bài viết của đ/c Hoàng Tùng - Nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân

đăng trên Tạp chí Việt Nam Hương sắc)

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng