Non bộ là nghệ thuật thu nhỏ cảnh quan trong thiên nhiên mĩ lệ vào trong bồn chậu. Đó là thú chơi lâu đời của người Việt Nam và các dân tộc Á Đông.
Theo một số nhà nghiên cứu Trung Quốc, non bộ có từ thời Đông Hán (23 -220), trong tác phẩm “Cần thạch vi sơn” (gắn đá thành núi) thời bấy giờ có ghi lịch sử phát triển thú chơi non bộ. Sau đó nghệ thuật chơi non bộ du nhập vào Việt Nam, Nhật Bản và những nước Đông Á khác.
Ở Việt Nam thường chơi non bộ kết hợp chặt chẽ giữa đá, nước cỏ cây cùng các phụ kiện bằng sành sứ như chùa chiền, chim muông, tiểu ngư canh mục rất sinh động. Ở Trung Quốc chơi non bộ chủ yếu là đá nước và cây cỏ, sành sứ rất ít. Còn ở Nhật Bản thì chơi đá và cây là chủ yếu.
Theo Đại Việt sử ký thì tháng 8 năm Bính Tuất (986), nhân ngày sinh nhật thứ 45, vua Lê Đại Hành cho đắp non bộ trên bè thả giữa sông để vua và quần thần bơi thuyền xung quanh thưởng ngoạn. Sách chữ Hán “Phong danh bị khảo” của ta cũng viết thú chơi bồn trì và giả sơn tức bồn cảnh và non bộ.
Non bộ có vị trí rất quan trọng trong thiết kế sân vườn và kiến trúc cổ Việt Nam. Tư gia đặt non bộ trước sân để đón khách; công sở, chùa chiền... đặt non bộ giữa sân để làm bình phong và tô điểm cho cảnh quan như ở chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh (Hà Nội)... Non bộ không làm ở sân đình, sân điện Thái Hoà... vì đó là nơi hội họp thể hiện quyền lực chứ không phải nơi để thưởng ngoạn. Chế tác non bộ thường theo nguyên tắc của thuật phong thủy nên người xưa không được đặt nó trong nhà, mà phải đặt nó ngoài sân vườn để hoà hợp với thiên nhiên, trừ trường hợp nhà làm cầu thang xoắn cho rằng tán tài tán lộc... thì phải xây bể non bộ dưới gầm cầu thang và gắn gương chiếu thuỷ để tụ khí giữ lại tài lộc sức khỏe... Ngày nay các nguyên tắc này không còn độc tôn, ngược lại nhiều người đã đưa những khay non bộ nhỏ trưng bày trong nhà vừa để trang trí vừa tiện thưởng ngoạn trong đó có cả non bộ treo tường như một bức tranh nổi rất hấp dẫn.
Non bộ đặt ở vị trí nào trong sân vườn?
Có hai thuyết trái ngược nhau. Có thuyết cho rằng non bộ thuộc hành thổ, nên phải đặt ở vị trí Kim và Thổ, tức là phía Tây, Tây Bắc hoặc Đông Bắc, Tây Nam. Có thuyết lại cho rằng non bộ thuộc Hành Thuỷ, nên đặt ở vị trí Thuỷ và Mộc, tức là phía Bắc, Đông và Đông Nam. Một hòn non bộ mà sao lại thuộc hành Thuỷ hoặc Thổ (khắc nhau)? Theo thuyết trung dung được nhiều người sử dụng nhất là đặt hòn non bộ ở chỗ nào mà nhìn thuận mắt nhất, phù hợp với cảnh quan xung quanh là được.
Quan trọng nhất về phong thuỷ là sắp đặt các yếu tố đá, nước, cây cỏ, và những vật cảnh như chim muông, nhà cửa, chùa chiền, súc vật và con người phải thuận theo thuyết âm dương ngũ hành tương sinh tương hoà. Sự tương sinh, tương hoà của ngũ hành sẽ đem lại sức khoẻ, tài lộc... cho gia chủ.
Về kích cỡ hòn non bộ, nhỏ thì từ 15 -20cm, trung bình từ 2-3m2, to thì tới 10-15m? tuỳ theo nơi đặt để và sân vườn to nhỏ khác nhau.
Về vật liệu thì gồm có bể, đá, cây, cá, phụ kiện sành sứ. Người chơi thường dùng các loại bể hình tròn, hình bầu dục, không dùng các loại bể hình vuông, chữ nhật, vì xưa có quan niệm các bể có góc cạnh làm cho nước tù đọng không lưu thông, không tốt về phong thuỷ. Về đá thì chọn đá vôi, đá tai mèo, đá san hô, đá lũa... đá san hô tốt nhất vì nó hút và chứa nước để nuôi cây. Về cây thì chọn các loại cây cỏ dễ sống được trên đá, chịu được hoàn cảnh khắc nghiệt và có vẻ đẹp hoang sơ... Về cá gồm các loại cá cảnh, xưa chủ yếu là cá vàng. Về phụ kiện sành sứ thì chọn đền đài, chùa, tháp, chim muông và người có tỷ lệ phù hợp.
Non bộ có hai dạng là non bộ khô và non bộ nước (tùy sở thích của người chơi). Non bộ khô là non bộ xây trên đất cạn, không có nước. Non bộ ướt là non bộ xây trong bể có nước. Non bộ khô thường sử dụng đá, sỏi, cây cảnh. Non bộ ướt ngoài các thứ trên còn có cá cảnh.
Có hai chủ đề chế tác non bộ:
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác