Thời gian 23/11/2024 2:45 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Thủ pháp nghệ thuật trong tạo hình cây cảnh

Trịnh Đức Thuận

Chia sẻ cách tạo dáng cây kiểng thác nước như nghệ nhân cây cảnh ...

Theo đại văn hào Nga Gorki: “Con người về bản chất là một nghệ sĩ, vì ở đâu họ cũng muốn đưa cái đẹp vào cuộc sống. Chính mức độ đưa cái đẹp vào cuộc sống đánh giá trình độ văn hóa thẩm mỹ của một xã hội và của mỗi con người”. Nhờ quá trình lao động cải tạo thiên nhiên, xã hội, bản thân mà con người dần dần phát hiện và nhận thức được cái đẹp. Cái đẹp là nhu cầu trong toàn bộ đời sống xã hội: sống thế nào cho đẹp, ứng xử thế nào là đẹp, vui chơi, giải trí cũng phải chơi đẹp... Đặc biệt trong nghệ thuật là phải sáng tạo cái đẹp. Sinh Vật cảnh (SVC) là một ngành nghề với mục đích cao cả là sáng tạo ra cái đẹp thiết thực góp phần làm cho cuộc sống ngày càng đẹp hơn nên không thể không nghiên cứu những yếu tố tạo  lên cái đẹp. Cái đẹp trước hết không phải là những khuôn mẫu, niêm luật khô cứng mà là những mối quan hệ biện chứng thống nhất giữa các  mặt đối lập trong một tác phẩm nhằm phản ánh mọi khía cạnh của cái đẹp một cách trọn vẹn và sâu sắc. Cái đẹp với những đặc trưng của nó có vai trò hướng dẫn trong sáng tạo cái đẹp, đồng thời lại là phương tiện để thẩm định cái đẹp.

Chúng ta đang trong quá trình tiếp biến văn hóa nghệ thuật SVC với nước ngòai, đồng thời cũng đang tiếp biến văn hóa nghệ thuật SVC ngay trong nước giữa các dân tộc các vùng miền, giữa xưa và nay. Đó là giai đoạn song hành giữa các loại hình cây cảnh trong và ngòai nước, giữa truyền thống và cây cảnh nghệ thuật (CCNT) đương đại. Cho nên, trong quá trình thẩm định nghệ thuật cây cảnh không tránh khỏi sự chi phối bởi những định hình nghệ thuật cây cảnh cổ đã đi sâu vào tiềm thức quá nhiều thế hệ với CCNT mới đang trong quá trình hình thành. Song mọi sự thẩm định đều phải dựa trên cơ sở tiêu chí của cái đẹp, phù hợp với thời đại.

Để tạo một CCNT phải đi từ cảm xúc đến hình tượng. Không có cảm xúc thì không có bất kỳ hình tượng nghệ thuật nào cả. Ngược lại khi kiểm định giá trị của CCNT lại xét xem nó có tính biểu cảm (gợi cảm) và tính hình tượng (gây ấn tượng) không? 

CƠ SỞ SINH LÝ NHẬN BIÊT CÁI ĐẸP 

Khi mắt ta nhìn, nó ghi nhận liên tục rất nhiều hình ảnh khác nhau từ một sự vật. Các hình ảnh diễn ra tưởng như hỗn lọan đó được truyền về não. Bộ não có nhiệm vụ sắp xếp lại theo một trật tự ổn định. Chính bộ não đó họat động theo hướng vươn tới sự hài hòa một cách tự phát tức là nó thống nhất cái đa dạng của sự vật, đưa đến cho ta một kết luận là vật đó đẹp như thế nào? "Khen cho con mắt tinh đời” (Truyện Kiều- Nguyễn Du). Con mắt tinh đời chính là khả năng nhạy bén trong dự báo và thẩm định cái đẹp dựa trên cơ sở sinh lý học của mắt -não. Một điều khẳng định thêm là chỉ có con người mới thực sự là chủ thể của cái đẹp. 

THỐNG NHẤT TRONG ĐA DẠNG 

Nếu CCNT Việt Nam ở đâu cũng dùng phương pháp cắt chuyền thì sớm muộn sẽ rơi vào đơn điệu hoặc một CCNT mà từ thân, cành, nhánh dăm đều uốn éo thì chẳng khác nào một mớ lươn bò lộn xộn trong một cái rổ. Cho nên đòi hỏi mối tương quan hợp lý giữa thống nhất và đa dạng, đó là một điều kiện để có một tác phẩm hoàn hảo.

TÍNH HỢP LÝ VÀ PHI LÝ 

Trong tạo hình cây cảnh, chúng ta thường tránh lấy cành âm, coi đó là không hợp lý. Nhưng không phải mọi cành âm đều là vô dụng. Thực tế đã có tác phẩm nhờ xử lý tốt cành âm mà đã làm nổi bật vẻ đẹp bất ngờ của tác phẩm nên nó trở thành hợp lý. Nhưng nếu một “tượng quan công" quá to đặt bên một gốc cây cảnh quá nhỏ hay một “tượng phật quan âm” lớn lại đặt trên đỉnh non bộ nhỏ là phi lý, bởi cái phi lý sẽ phá vỡ  bố cục tổng thể. 

TÍNH NHỊP NHÀNG MẠCH LẠC 

Trong CCNT ngày nay, chúng ta đã thóat ra khỏi lối tạo hình bông tán đậm đặc (hình đĩa xôi) nhưng không ít cây được coi là tạo hình mới đó rơi vào kiểu rối rắm, lộn xộn, rời rạc và nát vụn. Tính nhịp nhàng mạch lạc là dù tán lá cắt chuyền, thưa thoáng kết hợp nghệ thuật mảng và nghệ thuật nét, những tán lá phải là tổ hợp gắn kết của tất cả các nhánh lá thành một mảng để xác định rõ đó là một cành riêng biệt.

Toàn bộ các tán lá phải được sắp đặt có trật tự ví như kiểu “thang mây” có tầng lớp mạch lạc. Mỗi bông tán có một không gian riêng nhưng lại có mối liên kết nhịp nhàng với nhau trong bố cục tổng thể của cây.

TÍNH CÂN ĐỔI VỀ TỶ LỆ 

Một cây phụ tử không thể thân phụ quá to, thân tử quá nhỏ, hoặc thân tử quá đẹp mà thân phụ lại quá xấu, bộ gốc, thân có đường kính 10 -15cm trong khi bộ cành chỉ bằng chiếc đũa hoặc cây cao và gầy, hoặc cây đậm và thấp, cây quá to, bồn chậu quá bé hay ngược lại, cây quá đẹp mà chậu lại xấu cũng như vật phối cảnh lại quá to... đều là sự mất cân đối về tỷ lệ.

TÍNH THÔ VÀ TINH TẾ 

Trong tạo tác CCNT nói chung là coi trọng nét tinh tế và tránh những nét thộ thiển, mất tự nhiên. Nhưng không phải nét thô nào cũng xấu, có khi chính nét thô lại tôn cao nét tinh tế của một tác phẩm. Chúng ta coi cái hốc to, thân cây mục ruỗng là thô, nhưng chính nó lại tôn cao giá trị tinh tế của các nhánh xanh tươi biểu hiện sức sống mãnh liệt. Một thân cây bị gãy với vết gãy thô bạo, nhưng vẫn có thể trở thành một tác phẩm đẹp mà không cần cắt bỏ vết gẫy. Sử dụng nét thô cho đắt cũng là một sáng tạo trong CCNT .

 NHẤN MẠNH VÀ LƯỢC BỎ 

Trong nghệ thuật tạo hình cây cảnh chỉ nên để một vài chi tiết nhấn mạnh, có sức gợi cảm là đủ mà không cần để quá nhiều chi tiết vừa rối rắm mà kém tác dụng. Do đó cần mạnh dạn lược bỏ các chi tiết thừa một cách không tiếc rẻ để tác phẩm có sức tập trung cô đọng cao hơn.

 NÔNG VÀ SÂU 

Làm CCNT vừa phải tạo góc nhìn tối ưu, tức là mặt chính của cây và có chiều phải- trái trong không gian 3 chiều, nghĩa là phải tạo được chiều sâu. Nếu không có chiều sâu thì CCNT chẳng khác gì tranh vẽ trên mặt phẳng. Cây không có chiều sâu thì không tạo được cảm giác thâm u, không có chiều sâu thì về mặt suy tưởng cũng không cảm nhận được cái hồn của cây. Dù là cây 1 cành hay 1 ngọn, 2 cành 1 ngọn ta vẫn có thể tạo được giai điệu nông sâu của 1 CCNT. 

CÁI THẬT VÀ CÁI GIẢ 

Cái thật luôn là cái đẹp, cái giả là cái xấu, cái không đẹp. Trong CCNT không thể làm đồ giả, nhưng có thể mượn cái không thật thành cái thật như mượn cành, ghép cành, ghép rễ, xoá các vết chắp nối... dùng một hòn đá đẹp bù đắp vào chỗ khuyết của bộ rễ, đó là những cái giả có thể chấp nhận được. 

CÁI ĐẸP VÀ CÁI CÓ ÍCH

Cái đẹp thường gắn  với cái có ích. Một CCNT đẹp vừa có hiệu quả về thẩm mỹ vừa có giá trị kinh tế cao nhưng cái có ích chưa hẳn là cái đẹp ví như hoa không đồng nghĩa với rau vì chỉ hoa mới gây được khóai cảm thẩm mỹ, còn rau lại chỉ gây được khoái cảm sinh lý. Sản phẩm SVC ngày nay vừa là sản phẩm văn hóa thẩm mỹ vừa là hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đòi hỏi mối quan hệ hài hoà giữa thẩm mỹ và kinh tế. Đặt nặng vấn đề kinh tế sẽ tầm thường hoá cái đẹp, mục đích tối thượng của nghệ thuật. Trong phát triển xã hội không thể vì kinh tế mà hy sinh văn hoá.

 THỐNG NHẤT NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC

 Đây là mối quan hệ lớn trong tiêu chí của cái đẹp. Hình thức không phải chỉ là tạo dáng bên ngòai mà chính là để chứa, để bộc lộ cái nội dung bên trong mà người nghệ sĩ gửi gắm tâm tư  tình cảm vào đó nhằm phản ánh chân lý khách quan của cuộc sống, hình thức biểu hiện thì đa dạng phong phú nhưng phải tương ứng với nội dung. Phải xây dựng một bố cục tổng thể hợp lý. Mỗi chi tiết tham gia vào tác phẩm phải có vai trò xác định không thừa không thiếu. Đó là giải pháp thích hợp nhằm thể hiện nội dung một cách tối ưu. Bố cục không hợp lý sẽ làm hỏng nội dung của tác phẩm. 

Theo Tạp chí VNHS

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng