Trịnh Đức Thuận
|
Thẩm mỹ cá nhân phụ thuộc vào trình độ văn hoá, sự giao lưu trải nghiệm trong cuộc sống và khả năng cảm nhận nghệ thuật của mỗi người. Sản phẩm nghệ thuật của mỗi cá nhân ở tầm nào và hiệu quả nghệ thuật đến đâu đều do thẩm mỹ cá nhân quyết định. Thẩm mỹ cả nhân có tính độc lập, song là độc lập tuơng đối vì con người vừa là một sinh vật cá thể lại vừa là một sinh vật xã hội hiện đã phát triển ở trình độ cao cho nền ngoài cách cảm nhận, cách nghĩ riêng tư còn có cách cảm, cách nghĩ chung với cộng đồng trước cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài… đó là thẩm mỹ xã hội.
Chúng ta thấy đại thi hào Nguyễn Du viềt truyện Kiều xuất phát từ tâm sự riêng tư. “Thép đã tôi thế đấy” cũng khởi điểm từ hoàn cảnh của chính tác giả, nhưng những tác phẩm đó đã trở nên vĩ đại và bất hủ vì nó đã thẩm nhuần, bắt nhịp với hơi thở đời sống không phải của một đất nước mà còn là của nhân loại; không phải một thời mà của nhiều thời đại. Không hiếm gì những bài hát, bài thơ nghe một lần rồi không ai còn nhớ đến nữa, trái lại có những bài hát, bài thơ đi sâu vào lòng người, còn mãi với thời gian cũng do cái lẽ kể trên vì nó đã kết hợp hài hoà giữa thẩm mỹ cá nhân và thẩm mỹ xã hội.
Thẩm mỹ xã hội là sự cảm thụ chung, điểm tương đồng về văn hoá nghệ thuật của nhiều người theo những tiêu chí của cộng đồng xã hội đúc kết, định hình tương đối trong một không gian và thời gian nhất định. Đó là sự chắt lọc các giá trị văn hoá qua các giai đoạn lịch sử để rút ra được kinh nghiệm về cái gì có lợi, cái gì có hại cho đời sống chung để cộng đồng chấp nhận hay không chấp nhận.
Thẩm mỹ xã hội luôn vận động phát triển theo quy luật khách quan do trình độ sản xuất và văn hoá ngày một cao, sự giao lưu tiếp biến văn hoá ngày càng sâu rộng cả trong nước và thế giới, mối quan hệ tuỳ thuộc lẫn nhau ngày một nhiều. Các chuẩn mực thẩm mỹ cũ không còn phù hợp đòi hỏi hình thành các chuẩn mực thẩm mỹ mới để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Xưa kia quan niệm chung về cái đẹp của người phụ nữ là phải “chân quê” (Thầy u mình với chúng mình chân quê Thơ Nguyễn Bính), chỉ vì cái áo cài khuy bấm đã làm cho bao người “khổ sở” (áo dài khuy bấm em làm khổ tôi- Thơ Nguyễn Bính) thì ngày nay vẻ đẹp của người phụ nữ là phải cao ráo, đường nét khoẻ khoắn đầy sức sống, năng động, hoạt bát để đủ sức giỏi việc nước, đảm việc nhà. Đương nhiên, những thẩm mỹ lạc hậu, méo mó, bệnh hoạn sẽ bị xã hội đào thải. Trong cây cảnh cũng vậy. Tổ tiên ta đã đi từ lối chơi dàn hoa lý, khóm trúc, khóm nhài, khóm hoa sói, cây ngâu, cây huyết dụ... đến chỗ tạo hình cây, chủ yếu là cây trực để thể hiện con người cương cường, quân tử, tán là phải tròn trịa, tổng thể cây phải cân đối, xum xuê, ấm cúng, không khuyết trống, không hở lạnh, phải đủ số cành ngọn theo niêm luật. Thẩm mỹ CCNT đương đại là phải giàu sáng tạo, mới lạ, đa hình, đa dạng, phải đạt được cổ- kỳ- mỹ, tạo được hiệu quả nghệ thuật cao. Chúng ta chưa tiên đoán được 100 -200 năm sau thẩm mỹ CCNT Việt Nam sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn là sẽ phát triển lên một tầm cao mới. Thẩm mỹ xã hội phát triển theo thời đại, buộc thẩm mỹ cá nhân phát triển theo nếu không muốn bị lạc lõng. Chính sự trì trệ, hạn chế của thẩm mỹ cá nhân không bắt kịp thẩm mỹ xã hội là cơ sở cho tính bảo thủ, cố hữu trong nghệ thuật cây cảnh.
Không thể quá coi trọng thẩm mỹ cá nhân để tách rời các yêu cầu của thẩm mỹ xã hội. Cũng không thể áp đặt các khuôn mẫu sao chép, các niêm luật, các quan niệm nghệ thuật không còn phù hợp để kiềm chế thẩm mỹ cả nhân.
Trong cuộc thi CCNT, người mang cây dự thi thường đứng trên góc độ thẩm mỹ cá nhân nên dễ chủ quan, coi vật phẩm của mình là hoàn hảo. Người chấm thi đương nhiên phải có trình độ thẩm mỹ cá nhân cao nhưng lại phải đứng trên góc độ thẩm mỹ xã hội. Tuy nhiên, một số thành viên giám khảo trình độ thẩm mỹ Cá nhân chưa vươn tới trình độ thẩm mỹ xã hội nên đánh giá nghệ thuật thường lúng túng, thẩm định theo lối sao chép chủ quan, thiếu chính xác và kém thuyết phục nên không ít cuộc thi CCNT đã để lại những dư âm chưa tốt. Những vật phẩm được đánh giá cao là những vật phẩm kết hợp nhuần nhuyễn giữa thẩm mỹ cá nhân và thẩm mỹ xã hội, và phải được đánh giá qua một ban giám khảo có đủ trình độ thẩm mỹ tương ứng. Thẩm mỹ xã hội là yếu tố quan trọng xác định trong văn hóa chung của một dân tộc, một thời đại.
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác