Lê Tấn Quốc
Tùy theo mỗi vùng miền có lối chơi cây theo phong cách của riêng mình, nhưng tổng quan có thể phân ra làm ba lối chơi cây chính, đó là: cây cảnh quan, cây Thế - thường gọi là “Cây cảnh nghệ thuật” ở miền Bắc và “Cây kiểng cổ Nam Bộ” ở miền Nam- và cuối cùng là cây Bonsai.
Mỗi một lối chơi có mục tiêu khác nhau dẫn đến tiêu chí phân loại đánh giá cũng khác nhau. Trong một bài viết ngắn cũng chỉ có thể cung cấp một số kiến thức cơ bản nhất để người mới chơi có một cái nhìn tổng quan rõ ràng không bị nhầm lẫn.
1. Cây cảnh quan:
Là một hình thức thưởng thức, chơi cây hoa cảnh trong thiên nhiên một cách giản đơn nhẹ nhàng. Người chơi cây chỉ trồng chăm sóc tưới nước, bắt sâu, tỉa gọn cành, nhánh cho phù hợp với không gian trưng bày, không tác động nhiều vào cây tự nhiên vốn có. Như trồng cau, sứ đại hoa gạo làm cảnh trước sân nhà, đình chùa, trồng hoa vạn thọ, cúc vàng mai đào dịp tết...
Trong một xã hội khi nền kinh tế phát triển đến một mức nào đó người ta bắt đầu quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần. Các loại hình giải trí lúc nông nhàn, lễ tết ra đời như đá gà, đá cá, thả diều, hát chầu, chơi cây cảnh... Ban đầu đơn giản chỉ là mang cây hoa, cây có lá, trái đẹp ngoài thiên nhiên vào trồng trong sân nhà để tô điểm cho cuộc sống thêm hương sắc. Lối chơi phát triển song hành với đời sống kinh tế và ngày càng nâng cao hoàn thiện dần theo thời gian
Đầu tiên chỉ những nhà khá giả giàu có trong vùng trồng cây làm cảnh, dần dần lối chơi ngày càng phát triển lan rộng ra giới bình dân nhu cầu chơi cây ngày càng nâng cao. Nhiều loại cây có hoa lá trái dáng thân đẹp đều được dùng trồng làm cảnh như mai, đào, vạn thọ, cúc, hồng, cau vàng, thiên tuế, sứ đại, cau vua. Một số cây cần có kỹ thuật nuôi trồng cao như lan, hồng, hoa ly. Các giống mới cũng ngày được lai tạo, nhập nội nhân rộng đáp ứng thị trường…
2. Cây Thế:
Là sản phẩm nâng cấp của quá trình chơi cây cảnh quan thông qua việc tạo hình uốn sửa, cắt tỉa cây, người chơi muốn gởi gắm vào cây một triết lý nhân sinh nào đó mà mình tâm đắc như “Nhân nghĩa lễ trí tín” hay “Công dung ngôn hạnh” hoặc các con vật trong truyền thuyết như Long, Lân, Quy, Phụng... Vậy nên cây là một sản phẩm được tạo tác bẻ sửa theo ý người chơi muốn tạo hình, nó hoàn toàn không giống cây thiên nhiên.
Miền Bắc gọi lối chơi này là “Cây cảnh nghệ thuật”. Các loài cây thích hợp với điều kiện sống như: sanh, lộc vừng, đa và các loại cây rễ buông. Sau này có thêm các loại thông, tùng, cây lá kim vùng ôn đới. Thường thì cây được ký đá, ôm đá nằm trong bể cạn. “Cây cảnh nghệ thuật” miền Bắc có đặt điểm dễ thấy đó là thường được chơi đơn lẻ. Người chơi quan tâm đặt tên cụ thể theo ý tưởng của mình, thí dụ: tiều phu quải tử, long vờn hổ phục, Mâm xôi con gà, Nguyệt khuyết tản vân... Thường dùng cây sanh làm phôi sửa là chính. Thường những cây VIP khi giới thiệu luôn có: tên, tuổi, sự tích và giá tiền đi kèm. Cách đánh giá lối chơi này dựa vào ba tiêu chí “Cổ, kỳ, mỹ”.
Miền Nam gọi lối chơi cây thế là cây “kiểng gốc”. Phát triển lối chơi cây thế phù hợp với đời sống văn hóa nơi đây là cây thường trồng trước hiên nhà, mà nhà vùng này đa phần quay ra hướng nam nên các nghệ nhân sửa cây theo lối “chiết chi nhị diện” (sau này có thêm” chiết chi tứ diện”). (Chiết có nghĩa: bẻ cong, gập). Cây bẻ tàng chỉ có hai mặt theo hướng đông tây để cây có thể hứng đủ ánh sáng. Lối chơi này thường chơi một bộ 2,3 cây chỉ thấy có ở Nam Bộ mà thôi. Đại diện được nhiều người biết đến là bộ kiểng chiết chi nhị diện “Tam cang ngũ thường”.
Từ Hội thảo tại Đại học Cần Thơ (2001) các nghệ nhân thống nhất tên gọi “Kiểng cổ Nam bộ”. Theo tôi nên gọi là: “Cây kiểng “chiết chi nhị diện” thì chính danh hơn. Các loài cây kim quýt, cần thăng, mai chiếu thủy được giới chơi cây đặt biệt ưa chuộng. Lối chơi này được đánh giá thông qua sự đối xứng hài hòa trong một bộ kiểng, sau đó có hai tiêu chí phụ là: “Nhất kỳ nhì cổ”
Qua quá trình nghiên cứu, theo tôi giống như các loại hình nghệ thuật dân gian được hình thành do
nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân trong quá trình lao động sản xuất như ca dao, hò vè, đờn ca tài tử Nam Bộ… lối chơi cây thế nói chung được hình thành trong dân gian theo sự phát triển của lịch sử nên không có một người sáng tạo cụ thể nào, không có cây kiểng mẫu hoàn chỉnh ban đầu. Cây kiểng cũng được hình thành theo nhu cầu người chơi phát triển hoàn chỉnh dần theo thời gian. Có thể cây kiểng cổ Nam bộ phát triển song hành với phong trào cải lương ca nhạc tài tử Nam bộ. Cây kiểng cổ gắng liền với không gian trước sân nhà Nam bộ.
3. Cây Bonsai
Một lối chơi cây du nhập từ nước ngoài như Nhật, Trung Quốc... Cây Bonsai có nhiều định nghĩa về nó nhưng cơ bản nhiều người chấp nhận nhất là: “Bonsai là một một cây cổ thụ được thu nhỏ giống như ngoài thiên nhiên một cách chắt lọc cô đọng nhất rồi mang trồng vào một cái chậu hài hòa”. Vậy nên người chơi cố gắng bắt chước làm cho cây cổ thụ giống thiên nhiên nhất có thể. Vậy nên cách nghĩ đơn giản theo kiểu cái cây trồng trong cái bồn thiếu đi tỷ lệ hài hòa; cây con trồng trong châu nhỏ; hay cây thế thu nhỏ, còn xa lắm mới diễn tả được cây Bonsai.
Theo Từ điển, nghệ thuật phải là đỉnh cao của sự sáng tạo một sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể, có giá trị cao về tư tưởng thẩm mỹ làm rung động cảm xúc tình cảm người thưởng thức. Còn nghệ nhân phải là người chuyên làm nghề nghệ thuật biểu diễn hay thủ công mỹ nghệ với trình độ cao có sự sáng tạo độc đáo trong nghề. Đánh giá một cây Bonsai, ngoài những tiêu chí cụ thể, điều quan trọng nhất chính là xúc cảm mà nó mang lại cho người xem. Vậy nên nếu chỉ là những sao chép không có sáng tạo nếu không mang lại cho người xem sự rung cảm trong tâm hồn thì các thợ cây chưa chạm được tới nghệ thuật.
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác