Minh Thái
Phương pháp làm lùn cây cảnh là cắt thân cây, chỉ để lại 1 cành ở vị trí thấp nhất rồi nuôi lớn cành đó thay làm thân cây. Phương pháp này có những nhược điểm là: Nuôi cành còn lại cho lớn tương xứng với thân cây phải mất thời gian khá lâu. Vết cắt của thân cây thường rất to, khó mà tạo được 1 sẹo nhẵn, mịn nên thường để lại một vết cắt khá lớn.
Khắc phục phương pháp này ta có thể áp dụng phương pháp ghép hạ thấp thân cây như sau:
Nếu thân cây cao quá, không có cách gì khắc phục, ta mạnh dạn cắt bỏ đi một đoạn giữa của thân cây rồi chắp ghép phần trên của thân cây với phần gốc của thân cây với điều kiện: Đường kính của đoạn thân cây bên trên bằng với đường kính của đọan thân cây phía dưới.
Có 2 cách cắt thân cây:
1. Cắt vát đoạn trên và dưới thân cây để khi ghép sẽ khít vào nhau dễ dàng hơn.
2. Cắt thân cây phía trên theo hình chữ V và cắt đoạn dưới thân cây cũng theo hình chữ V đối ứng để khi ghép thì đoạn trên thân cây trùng khít với đoạn dưới của thân cây.
Cắt theo hai cách trên đều phải giữ lại một mảnh vỏ lụa là ống mao dẫn nối liền đoạn trên và đoạn dưới của thân cây càng lớn càng tốt, để đảm bảo nguồn nhựa nuôi sống đoạn trên của thân cây.
Kỹ thuật này có thể thực hiện được thuận lợi hơn với những cây có rễ phụ ở phần trên vết cắt bởi các rế phụ của đoạn trên của thân cây cũng là nguồn dẫn nhựa rất quan trọng để nuôi đoạn trên của thân cây.
Chỗ ghép thân cần bôi thuốc kích thích tạo sẹo nếu có. Vết ghép cần được băng lại bằng băng dính hay ni lông để tránh nước mưa thấm vào làm mục hỏng chố ghép. Mặt khác phải bọc và bảo vệ ống mao dấn bằng cách quấn lá cọ và màng giữ ẩm thường xuyên cho nó nối giữa hai phần của thân cây, nếu để vỏ khô đi thì không còn tác dụng dẫn nhựa.
Các rễ phụ nếu đã tiếp đất thì cứ để nguyên dù nó hơi chùng lại. Nếu rễ phụ chưa tiếp đất thì ta nuôi rễ phụ theo lối nhử rế phụ bằng ống nhựa có giá thể, luôn đảm bảo độ ẩm cho rễ nuôi đoạn trên của thân cây. Theo dõi thấy khi vết ghép đã liền thì có thể cắt bỏ phần mảnh vỏ nối 2 đoạn thân cây và cắt bỏ rễ phụ nếu thấy không cần thiết.
Không phải chỉ có phần vỏ cây liền nhau mà phần gỗ cũng sẽ phát triển ăn lấn sang nhau tạo thành một thân gố đồng nhất và vững chắc.
Kỹ thuật này nghệ nhân Đồng Văn Tập, Phú Xuyên, Hà Nội đã áp dụng trên nhiều loài cây rất thành công, mong các bạn tham khảo và áp dụng.
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác