Những điều cần biết để cắm hoa tươi lâu
Hữu Đức
Để giữ cho hoa cắm vào bình tươi lâu không có một biện pháp đơn giản nào giải quyết được, mà phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp. Xin giới thiệu tới các bạn một số biện pháp chính để tham khảo và áp dụng phối hợp sau đây:
1. Bình cắm hoa phải sạch, trước khi cắm phải rửa bình thật sạch bằng xà bông, nên phơi khô ngoài nắng, nhất là những bình hoa đã cũ và cắm nhiều loại hoa có cành mềm dễ gây nước thối như hoa huệ, hoa cúc, lay ơn, thược dược… Sau mỗi lần thay nước phải rửa lại sạch sẽ và cho vào một viên aspirin để diệt khuẩn. Khi chọn mua cành hoa để cắm thì cành, lá và hoa phải tươi thì cành hoa mới chứa nhiều nước và carbohydrate. Nên xử lý hoa trước khi cắm để tăng khả năng hút nước của cánh hoa bằng cách cắt vát vết cắt để tăng bề mặt hút nước cho cành hoa, đồng thời khi cắm mặt cắt không áp sát đáy bình để cành hoa hút nước dễ hơn. Những loại hoa có thân gỗ như hoa mai, hoa đào… phải hơ gốc cành trên ngọn lửa một đoạn khoảng 5cm để ngăn cản sự thoát nhựa từ cành ra ngoài nước bình, hoặc đốt gốc cành một đoạn cũng ngăn cản sự thoát nhựa làm hoa tươi lâu, có thể sử dụng nước ấm để cắm hoa nếu hoa được đóng gói khô hoặc bảo quản ở nhiệt độ thấp.
2. Khi cắt hoa từ trên cây xuống nên cắt dài một chút để khi cắm hoa vào bình bạn có thể cắt ở phần gốc của cành hoa khoảng 3–5 cm. Khi cắt bỏ đoạn gốc của cành hoa phải nhúng cả gốc cành vào trong nước, sau đó cắm nhanh gốc cành vào bình. Làm như vậy nước trong bình sẽ tiếp xúc trực tiếp được các ống mạch của cành hoa, tạo thành một cột nước liên tục chuyển đều lên các cành hoa, giữ cho hoa tươi lâu hơn. Cắt bỏ bớt lá một cách hợp lý để giảm bớt sự thoát hơi nước ở cành hoa.
3. Đảm bảo sự cân bằng nước trong bình hoa, sau khi cắt rời khỏi cây mẹ, yêu cầu cần thiết nhất là nước, nên sau khi cắt phải nhanh chóng cắm hoa vào nước càng sớm càng tốt, để cành hoa trong trạng thái trương nước, nếu không cành hoa dễ bị héo do chúng vẫn tiếp tục thoát hơi nước nhưng không được bổ sung nên thiếu hụt nước. Nếu để cành hoa hụt nước kéo dài thì hoa sẽ không có khả năng tươi trở lại, nếu có tươi thì cũng yếu sức, mau tàn.
4. Sử dụng nước sạch và thay nước hàng ngày, cắm hoa phải có nước sạch để cắm hoa, hay nước ấm khoảng 38–400C vì nước ấm vận chuyển nước lên cành hoa nhanh hơn. Không dùng nước có chứa nhiều Calcium, Magnesium, nước có Flour, nếu cắm hoa ngay thì có thể bị hủy hoại mô lá, hoa; vì vậy phải để nước bốc hơi vài ngày cho hóa chất bay hơi hết mới dùng để cắm hoa. Phải thay nước bình hàng ngày, khi thay nước phải rửa sạch cuống hoa, nhất là phần cắm ngập trong nước.
5. Hạn chế vi khuẩn gây thối trước khi cắm, cắt bỏ các lá phía dưới, không để cho lá ngập trong nước gây thối làm cho nước nhiễm khuẩn, vi khuẩn bám xung quanh gốc cành bị chặn lại làm cho nước bị nhiễm khuẩn, nếu hoa có thân mềm như cúc, thược dược, lay ơn… mỗi lần thay nước nên cắt bỏ phần gốc bị thối, không nên để nước trong bình quá nhiều, chỉ vừa đủ để cắm ngập gốc cành khoảng 3–5cm, vì việc hút nước chủ yếu được thực hiện ở chỗ vết cắt. Nếu cắm ngập sâu gốc cành dễ bị vi khuẩn gây thối. Có thể sử dụng một vài loại hóa chất như nước javel, sulfat đồng, thuốc tím… (nồng độ 0,05 gam/1 lít nước) để ức chế vi sinh vật gây thối, làm cho hoa tươi lâu hơn, với hoa có màu trắng không nên dùng thuốc tím hoặc sulfat đồng.
6. Vị trí đặt bình hoa: Không nên đặt bình hoa chỗ có ánh sáng trực tiếp chiếu vào, dưới mái tôn nóng, ở chỗ thường có gió lùa, không khí nóng… làm cành hoa bị mất nước nhanh, làm giảm tuổi thọ của hoa, trong khi chúng hút nước không kịp để bổ sung sẽ làm cho hoa bị héo, mau tàn. Vào buổi tối trước khi đi ngủ nên đưa bình hoa vào chỗ mát hoặc ngoài sân để chúng “hứng sương”.
Với những kinh nghiệm cắm hoa trên, mong rằng các bạn sẽ có nhiều bình hoa tươi trang trí ngôi nhà thân yêu của mình.
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác