Thời gian 22/11/2024 6:12 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Ngộ độc - sốc phân thuốc trên hoa lan

                                                                                       Nguyễn Ngọc Hà

Sinh vật nói chung và Lan nói riêng, nếu dùng phân thuốc không đúng cách đều sẽ gây tác dụng phụ không mong muốn, ví dụ cháy lá, cháy ngọn, gục giả hành, teo nụ, nhũn mầm, thui rễ…

1. Sốc phân

          Ngưỡng chịu phân của mỗi giống lan là khác nhau, bạn không thể áp dụng cho mọi loại lan bằng một công thức chung được.

Ví dụ: Bón NPK cho Giả Hạc (Phi Điệp), Trầm, Long Tu, Hoàng Thảo Vôi, Kiều các loại… với liều 1 gam pha 1 lít nước thì lan chịu được.

Nhưng bón NPK cho lan Đai Châu, Sóc Lào, Cáo, Vanda, Kiếm (lan đơn thân, lan lá dày cứng) liều 1 gam phân pha 1 lít nước thì xem ra hơi ít và nhẹ. Cũng liều như vậy mà phun cho những giống LAN LÁ MỎNG như Ý Ngọc, Kèn, Kim Điệp, Thập Hoa, Long Tu Đá, Ngọc Thạch, U Lồi, Trúc Quan Âm… hoặc LAN CÓ LÔNG như Nhất Điểm Hồng, Nhất Điểm Hoàng, Bạch Hạc, Thanh Hạc, Suzukii, Bạch Hỏa Hoàng, Dendro Kontum…thì khả năng cháy lá, cháy ngọn, gục mầm hoặc lụi dần dần là 80%. Lan lá mỏng và lan có lông thì dùng phân NPK 1 gam pha 5 lít cho tới 1 gam pha 3 lít là quá đủ.

Lan cần được huấn luyện để từ từ quen phân và từ từ nâng nồng độ phân lên. Bạn không nên pha liều y như bao bì hướng dẫn của nhà sản xuất ngay trong lần đầu tiên. Cần phải nâng liều từ từ 1 gam pha 5 lít giảm xuống 1 gam pha 4 lít, rồi 1 gam pha 3 lít…. Nếu huấn luyện qua một vài tháng thì bạn hoàn toàn có thể cho lan ăn phân như người Thái Lan, 5 gam NPK pha cho 1 lít nước phun lan vẫn chịu được.

Bạn cần phải ĐỌC THÀNH PHẦN của phân bạn bón cho lan. Khi bạn nghe ai đó nói B1 kích rễ pha liều 3cc với 1 lít nước là đúng như hướng dẫn của nhà sản xuất giành cho lan. Nhưng bạn lại không biết rằng đó là chai B1 xanh của Mỹ (Growmore). Còn chai B1 xanh của Thái Lan lại khác, chai B1 vàng của Thái cũng khác, B1 của Việt Nam cũng khác hẳn. Cũng với liều 3cc/1 lít nước áp dụng cho B1 vàng của Thái Lan, tôi đảm bảo lan nhà bạn sẽ chịu không nổi, không phải vì B1 của Thái tốt hơn, mà chai B1 vàng đó có rất nhiều NPK và hàng tá chất khác.

- Bạn dùng liều cho cây ra chai, keiki nhỏ thì nên dùng liều bằng 1/3 cây trưởng thành, cây càng non thì liều càng loãng.

Điều nhấn mạnh nhất của bài viết này chính là hai yếu tố NHIỆT ĐỘ và ÁNH SÁNG:

+ Nhiệt độ là yếu tố gây cho lan bị bỏng phân, sốc phân nhiều nhất mà tôi thấy. Ví dụ khi bạn phun phân xong, nhiệt độ lên cao trên 33 độ, hơi nước bốc đi thì nồng độ sẽ tăng lên. Có thể lúc đầu chỉ là 1 gam 1 lít nhưng khi hơi nước bốc đi thì nồng độ của phân đọng lại trên lá, trên ngọn, trong kẽ lá sẽ lên 5 gam 1 lít, rồi lên 10 gam 1 lít… tế bào non nào chịu nổi?

Ngoài ra khi nhiệt độ lên, một số chất sẽ bị Acid hóa, một số thành muối sẽ làm teo tế bào, làm hoại tử tế bào…

Vì thế, tại sao nhà sản xuất luôn khuyên phun sáng sớm hoặc chiều mát là như vậy. Nhưng trên nhãn mác thường không hướng dẫn bạn rửa phân bám trên lá, trên ngọn khi nhiệt độ lên cao. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, phun phân dù nồng độ nào, phun được bao nhiêu lâu thì khi nhiệt độ lên khoảng trên 30 độ (cơ thể cảm thấy hơi nóng) là tôi đi tưới rửa phân ngay. Dạo này tôi lại hay phun phân vào khoảng 16h, sáng hôm sau 8h là tôi tưới thật đẫm để rửa phân đi. Trước khi phun phân nên tưới sơ sơ, sau khi lá khô thì bắt đầu phun phân được (khoảng 15-45 phút). Tôi chủ yếu phun vào rễ, giá thể chứ không tập trung vào lá hay ngọn nhiều.

+ Ánh sáng mạnh là một nguyên nhân làm phân bị bay hơi và biến chất, ví dụ B1 gặp ánh sáng mạnh sẽ bị biến chất. Nên dù nhiệt độ trong ngày thấp nhưng nắng mạnh tôi cũng không phun phân. Bạn sẽ hoài nghi nắng nhiều mà nhiệt thấp thế nào được, là tại vì bạn chưa biết Lâm Đồng như thế nào.

- Một điều cốt lõi cực kỳ sai lầm của người nôn nóng muốn lan lớn nhanh và người lười đó là pha ba, bốn loại phân và thuốc lại rồi phun 1 thể.

Có bạn pha chung thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, phân kích rễ và phân bung đọt vào một bình rồi phun. Tế bào sẽ không thừa nhận được và sẽ bị teo hoặc hoại tử.

Vậy giảm liều thuốc và phân được không? Câu trả lời là không! Vì thuốc sâu mà liều thấp thì sâu không chết sẽ lờn thuốc, nguy hại vô cùng. Thuốc bệnh mà liều thấp thì nấm khuẩn cũng lờn thuốc luôn, càng nguy hại.

Vậy nên, bạn không nên pha chung ba thứ đó với nhau. Mà nên pha phân với phân, thuốc sâu với thuốc sâu, thuốc nấm khuẩn phòng dịch bệnh với nhau. Các lần phun cách nhau ít nhất 2 ngày cho cây lan còn có thời gian thích ứng và hồi sức.

Ví dụ kích rễ nếu chỉ dùng chế phẩm Hùng Nguyễn là 20 giọt 1 lít.

Chỉ dùng siêu lân là 1 gam 1 lít.

Chỉ dùng Super Thrive là 6 giọt 1 lít.

Nhưng nếu bạn pha chung ba thứ phân này với nhau thì liều mỗi thứ nên giảm xuống 30% - 50%.

Ví dụ: 20 giọt chế phẩm Hùng Nguyễn + 1 gam Siêu Lân (10.55.10te) + 6 giọt Super Thrive + 1,5 lít nước. Chiều phun sáng hôm sau rửa luôn.

- Nguyên tắc dùng phân để không bị cháy lan là nên pha loãng và phun tần suất dày thay vì pha đặc và thật lâu mới phun. Ví dụ NPK 1 gam 3 lít nước, 3 ngày phun 1 lần tốt hơn nhiều lần so với 1 gam NPK pha 1 lít, 9 ngày phun 1 lần.

Lan thiếu phân sẽ không chết, nhưng lan thừa phân chắc chắn chết, chỉ là chết chậm mà thôi.

- Một điều cực kỳ tệ hại và làm mất uy tín của tôi cũng như những người chia sẻ kỹ thuật chăm sóc lan là các bạn dùng phân theo CHIÊU, theo CÔNG THỨC. Áp dụng rất tùy ý, không có lộ trình từ A – Z, áp dụng không đủ bài. Một bài viết dài 4 trang bạn chỉ áp dụng 2 trang bỏ 2 trang thì tai hại hơn là không áp dụng gì.

                                        (Kỳ 2: Sốc thuốc, xử lý lan khi bị sốc thuốc, phân)

Theo Tạp chí VNHS

 

 

 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng