Thời gian 22/11/2024 6:14 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Kỹ thuật uốn nắn thân cành

Lê Quang Khang

Chuyên gia Sinh vật cảnh

Tạo dựng cây cảnh nghệ thuật nhất thiết phải uốn nắn thân, cành. Nhất là để có một tác phẩm kỳ mộc thì việc uốn nắn thân, cành không những chỉ là những kỹ thuật mà còn là một nghệ thuật. 

Trước tiên phải có chủ định đưa cây vào dáng, thế hay kiểu gì, rồi tạo dựng từng bước trong quá trình sinh trưởng của cây. Tốt nhất là uốn lúc thân, cành bánh tẻ. Phương pháp bao trùm là đầu tiên dùng hai tay uốn nắn từ từ nhiều lần cho đoạn cần uốn mềm ra, đồng thời nâng dần khẩu độ uốn cho đến khi đạt hình dạng cần uốn mới dùng dụng cụ để giữ cố định. Nếu đoạn thân, cành to quá sức hai tay không uốn nổi thì phải chọn phương pháp thích hợp khác. Có trường hợp đoạn thân, cành hơi già, uốn một lần có thể bị gẫy thì phải uốn nhiều lần, cách vài ngày lại tăng lên một ít cho đến khi đạt yêu cầu. Cần xác định vị trí uốn, hình dạng cần uốn, sức chịu đựng của thân, cành để chọn phương pháp uốn thích hợp, chọn thời gian uốn và thời gian cây định hình để tháo gỡ kịp thời. Có 3 cách uốn thân, cành thông thường sau: 

  1. Co, kéo:

 Đây là cách uốn phổ biến nhất. Tùy theo đoạn thân, cành cần uốn mà chọn dây mi lông to, nhỏ hoặc dây thừng cho thích hợp, cao nhất là dùng tăng-đơ để kéo. Cần thử nhiều lần để xác định thật chính xác vị trí hai đầu dây và độ dài của đoạn dây sao cho khi buộc hãm cố định thì thân, cành đi đúng hướng và đúng đường nét cần uốn. Vị trí ghì giữ thường ở ngay thân, cành, rễ và miệng chậu của cây ấy. Nếu không được thì kéo ghì sang cây khác hoặc đóng cọc chéo xuống đất để làm điểm níu ghì. Quan trọng là cần uốn từ từ đồng thời lường đoán được mức độ cho phép uốn. Quá tay một chút là bị gãy, lại phải mất hàng năm, thậm chí mấy năm cưa cắt đợi chờ mà thường là không có được cái cành mọc lại đúng vị trí cũ. Cho nên việc co kéo là phải thật cẩn thận, chọn đúng thời điểm uốn, uốn gượng nhẹ và kiên trì như việc uốn nắn con trẻ vậy.

  1. Chèn, chống: 

Muốn tách các thân cây trong bồn song thu hoặc quần tụ ta dùng tre hay gỗ chèn nêm để đẩy hai cây xa nhau ra hoặc chèn nống để đẩy cho một cây này gần lại với cây kia.  Cần uốn cong một đoạn nào đó, ta dùng gậy tre hoặc gỗ chống đỡ có chạc rồi dùng dây kéo cong theo yêu cầu. 

Dựng các thế long phải đóng một cọc dài đúng tâm để uốn đoạn giữa thân cây thành một vòng lò xo cho cân bằng đồng thời tạo dáng trực cho toàn cây, ngoài ra, còn để buộc ghì kéo các tán.

  1. Cột cây theo thanh sắt cứng: 

Cần sửa chỗ thân hoặc cành cong không đúng ý hay cần uốn thân, cành theo một hình dạng nào đó, nhất là kiểu uốn vặn xoắn áp dụng phương pháp này cũng thích hợp. Chọn một thanh sắt tròn hay dẹt cũng được, miễn là phải khỏe hơn lực của đoạn thân, cành cần uốn. Đầu tiên uốn thanh sắt ấy theo đúng hình dạng cây cần uốn. Rồi áp thanh sắt vào đoạn thân, cành cần uốn và dùng dây cột chặt cây theo hình thanh sắt. 

  1. Đẽo, đục, cưa, cắt hoặc đâm xuyên để uốn cong: 

Trường hợp thân, cành đã già và to để nguyên thì tăng-đơ cũng không kéo nổi, nếu kéo thì sẽ bị gẫy, buộc ta phải phá vỡ kết cấu của nó mới uốn được. Có thể áp dụng một trong các cách sau: 

+ Dùng dao đẽo bớt một phần thân phía bụng cong rồi uốn 

+ Đục vào thân cây chỗ cần uốn cong, độ sâu không được quá 2/3 thân. Chiều rộng lỗ đục cũng không được quá lớn để khỏi ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Chiều dọc của lỗ đục vuông góc với chiều uốn cong của thân cây. Sau khi uốn cong và cố định phải bó kín chỗ vừa đục để bảo vệ thân cây 

+ Dùng cưa hoặc dao cắt vát hai nhát ngược chiều, lấy bớt đi một số mẩu thân hình tam giác cân phía bụng cong. Vết cưa ở giữa đoạn sâu hơn và nông dần hai đầu. Vết cưa không được sâu quá 2/3 đường kính của cây. Sau khi uốn cong phải bó chặt lại cho đến khi độ cong đã cố định. 

+Dùng dao bén đâm vào giữa, xuyên qua thân cây rồi chẻ dọc xuống một đoạn cần thiết, chiều dọc của vết dao vuông góc với chiều gập cong của thân cây. Cần dùng dây bó chặt chỗ rọc rồi mới uốn cong 

  1. Quấn dây kim loại để uốn: 

Đây là phương pháp có giá trị đặc biệt vì giúp ta uốn được tất cả các đường nét từ dứt khoát đến dích dắc, uyển chuyển một cách rất đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng. Tuy vậy, chỉ áp dụng được với thân cành có độ to vừa phải trở xuống và đang bánh tẻ hoặc quá một chút. Những thân cành quá to và già thì phải chọn một trong 4 cách nói ở trên. 

Có thể dùng dây đồng, dây nhôm, nhưng tốt nhất là dây kẽm vì độ cứng vừa phải. Cỡ dây to, nhỏ tỷ lệ thuận với độ cứng của thân, cành. Chiều dài của đoạn dây để quấn gấp 3 lần chiều dài của đoạn thân cành định quấn. 

Khi thực hiện, trước hết cần cố định một đầu dây để khi quấn dây không bị xoay mới bám chặt được vào thân, cành cây và khi uốn dây vẫn bám chặt như lúc quấn. Quấn xung quanh thân, cành theo hình lò xo một góc khoảng 45 độ. Khi quấn cũng như khi gỡ ngón trỏ và ngón cái tay phải quấn  đè lên cành dăm và lá. Nếu dây nhỏ, cành to có thể quấn thêm một vài vòng song song với chiểu dây vừa quấn hoặc quấn ngược lại theo hình chữ X trên thân cây cũng được.

Ngoài ra, nghệ nhân còn có thể sáng tạo nhiều kiểu uốn khác với 5 phương pháp trên như trồng cây từ nhỏ, khi cây lên khỏi mặt đất có thể cuộn một vòng hoặc nửa vòng rồi lấp đất đi hoặc dùng đá chèn buộc cây phải khúc khuỷu theo... 

Theo Tạp chí VNHS

 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng