Thời gian 22/11/2024 6:16 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Kỹ thuật tạo Keiki và chăm sóc Keiki trên Lan Giả Hạc

 

                                                                          Nguyễn Ngọc Hà

 

Hai năm nay, thị trường lan thân thòng rất sôi động, để sở hữu được một mầm nho nhỏ những mặt hoa đẹp thực sự khá khó khăn. Chính vì lẽ đó, thời gian gần đây có rất nhiều bạn chơi lan quan tâm kỹ thuật tạo keiki từ giả hành già và làm thế nào để gốc lan đẻ được nhiều mầm. Nội dung trong bài viết không những chỉ áp dụng đối với lan Giả Hạc (Phi Điệp Tím) mà còn áp dụng được cho tất cả các giống lan có giả hành như Trầm, Long Tu, Hoàng Thảo Vôi, Kiều, Vũ Nữ, Trúc Lan... Keiki nghĩa là em bé, trẻ con, con nít, cây lan con (đọc là Kây Ki, gọi tắt là Ki). Tạm hiểu là mầm mọc lên từ giả hành thì gọi là Keiki.

 

 

1. THỜI ĐIỂM KÍCH KEIKI

 Thời điểm giả hành được 10 tháng tuổi trở nên là có thể bắt đầu kích keiki được. Tuy nhiên thời điểm hiệu quả nhất chính là thời điểm chuẩn bị giả hành tơ nhú nụ hoặc mầm gốc bắt đầu sưng lên chuẩn bị nảy mầm.

 

Vậy là tháng nào trong năm? Chúng ta không nên tính theo tháng mà tùy vào giống lan nhà bạn nở hoa tháng nào. Nếu là Giả Hạc Di Linh xuân, nở trúng dịp tết Nguyên Đán, thì thời điểm tốt nhất là giữa tháng 10 âm lịch. Nhưng nếu Giả Hạc Lào nở vào tháng 6 Dương Lịch thì thời điểm tốt nhất là vào giữa tháng 4 dương lịch. Nhưng cũng là cây Di Linh Xuân mang về Hà Nội, tới tháng 4 dương lịch mới nở thì thời điểm kích keiki tốt nhất lại là giữa tháng 2 dương lịch. Đó chính là thời điểm các mắt ngủ đã ngủ đủ giấc và sẽ tỉnh ngủ.

 

Vậy nếu kích trước đó hoặc muộn hơn thì sao? Vẫn mọc được keiki nhưng hiệu quả sẽ thấp hơn, miễn là thời tiết ấm áp, ánh nắng đầy đủ và độ ẩm tương đối cao.

 

Nếu bạn kích keiki vào thời điểm lạnh, khô và ít nắng thì hiệu quả thực sự sẽ rất thấp, đấy là lý do vì sao mùa thu và đông ngoài Bắc rất khó tạo keiki. Còn Sài Gòn và miền Tây thì vẫn được (tuy nhiên hiệu quả cũng rất thấp).

 

Đối với những giả hành 2,3,4,5,6 tuổi thì càng lớn tuổi càng khó và hiệu quả càng thấp. Giả hành 2,3 tuổi kích 100 mắt lên được 60 mắt là may mắn, giả hành 5,6 tuổi kích 100 mắt lên được 15 mắt cũng là đạt. Giả hành 3,4 tuổi mập mạp căng tròn kích keiki vẫn đạt hơn nhiều giả hành 2 tuổi nhăn nheo teo tóp.

 

Việc kích keiki đạt hay không còn phụ thuộc vào giống. Có những giống giả hạc phun Keiki Super xanh chỉ 1 lần, một gốc đẻ 2,3,4 mầm, mỗi mắt trên 1 giả hành 1 keiki (Ví dụ như Giả Hạc Châu Như, Giả Hạc Pháp, Đột Biến trắng Di Linh Xuân...). Cũng có những giống thì khó ra keiki dù đã phun hoặc bôi kích keiki nhiều lần.

 

Giả sử trên giả hành đã có 1 hoặc 2 keiki mà còn rất nhiều mắt ngủ, thì việc kích keiki hiệu quả cũng sẽ thấp hơn nhiều, vì theo tôi giả hành đang dồn toàn lực nuôi keiki có sẵn, sẽ không ưu tiên việc tiếp tục nảy keiki nữa.

 

2. TẠI SAO KÍCH KEIKI LẠI RA HOA?

Rất khó giải thích chính xác và đầy đủ được.

 

- Do giống sai hoa.

- Do mắt trên giả hành đã tích lũy đầy đủ sắc tố tạo hoa.

- Do trong quá trình lan thắt ngọn, bạn đã bón phân có nhiều Lân và Kali làm tăng sự phân hóa tạo nụ trong mắt ngủ.

- Do quá trình kích keiki lan ăn nhiều nắng, độ ẩm thấp hoặc nhiệt độ thấp.

 

Vậy để tăng cao hơn khả năng ra keiki như ý muốn, thì trước và trong quá trình kích keiki bạn nên bón phân giàu đạm (N), giảm bớt nắng 1 chút và tăng độ ẩm giá thể cũng như không khí lên 1 chút.

 

3. KỸ THUẬT THAO TÁC.

 

nhiều loại thuốc kích keiki, hàng Mỹ, Nhật, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam đều có, tùy bạn lựa chọn. Cá nhân tôi quen dùng Keiki Super Xanh và Keiki Super Đỏ  của Việt Nam sản xuất.

 

A. Đối với Keiki Super Xanh (Keiki Super Spray; Spray nghĩa là phun, xịt), chỉ cần pha 5cc với 1 lít nước phun ướt đẫm giả hành, gốc, lá, rễ 1 hoặc 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày.

 

Bạn cũng có thể cắt từng khúc giả hành còn mắt ngủ chưa ra hoa, bôi keo liền sẹo (ví dụ Tree Seal của Mỹ, loại nhãn xanh và keo màu đen, loại keo này có nhiều ưu điểm hơn hẳn các mặt hàng cùng loại), sau đó ngâm với dung dịch 5cc Keiki Super Xanh pha 1 lít nước trong 5 phút. Vớt ra đặt trên khay đã trải sẵn dớn Trắng Chi Lê hoặc Dớn Vụn hoặc Dớn Cù Lần xay hoặc Rêu Rừng. Hàng ngày giữ ẩm với chế độ phun sương.

 

Dù cắt hay để nguyên giả hành trên giò lan, thì sau khi phun Keiki Super Xanh, cứ 3-7 ngày phun Chế phẩm Hùng Nguyễn 1 lần. Bạn có thể pha chế phẩm Hùng Nguyễn (20 giọt) với phân bón lá NPK TE 30-10-10Te liều 1gram (khoảng 1 thìa sữa chua) với 1 lít nước. Phun buổi sáng. Tỉ lệ ĐẠM CAO chính là một bí quyết nhỏ ý nghĩa lớn.

 

Để giò lan hoặc giả hành cần ươm nơi ánh nắng 50% - 70%, độ ẩm cao và nhiệt độ ấm áp từ 22 - 33 độ.

 

Đợi khi nào rễ của keiki dài được 3 - 5cm thì cắt ra (nếu ươm trên giò lan) đem trồng vào chậu mới.

 

Nếu bạn phun kích Keiki Super Xanh xong mà không dùng chế phẩm Hùng Nguyễn + NPK hoặc chất kích thích ra rễ khác nào đó, thì keiki mọc ra sẽ rất lâu ra rễ, khi đó giả hành mẹ có thể sẽ kiệt quệ sinh khí, teo tóp và mầm gốc không phát triển được. Các loại phân kích thích ra rễ bạn có thể thay thế Chế phẩm Hùng Nguyễn bằng tất cả các loại phân kích thích ra rễ và tăng khả năng nảy mầm trên thị trường.

 

Cách này chỉ nên áp dụng cho lan đã thuần ít nhất 1 năm, bộ rễ của năm cũ còn tốt và mạnh khỏe. Nếu áp dụng cho lan mới bóc từ rừng về, đang suy yếu và trụi rễ thì vấn đề rất đáng quan ngại. Khi đó mầm gốc sẽ nhanh chóng thắt ngọn, keiki cũng nhanh thắt ngọn. Giả sử giả hành mẹ 1 tuổi, dài 50cm, đẻ 1 con thì chăm bình thường đúng quy trình, giả hành con dài 30-50cm; nhưng nếu kích cho gốc đẻ 2 con, giả hành mọc vài ba keiki thì mầm gốc có khi được 5-20cm là thắt ngọn, keiki dài 3cm là thắt ngọn. Rõ ràng là được không bằng mất.

 

Giải pháp tốt nhất cho lan bóc từ rừng là bạn nên tách từng giả hành, trồng bình thường, chỉ dùng chế phẩm Hùng Nguyễn + NPK te. Sau khi mầm gốc lên khỏe mạnh, bộ rễ dài 10-15cm và tự hút được chất để nuôi chính nó, bạn cắt giả hành mẹ ra (để nguyên hoặc cắt khúc) rồi ngâm với Keiki Super Xanh và ươm như bên trên tôi đã đề cập.

 

B. Keiki Super Pro (đỏ) (Pro nghĩa là Chuyên nghiệp)

Bạn có thể tự thiết kế một mũi khoan bằng dây thép đường kính 2mm hoặc 3mm. Đập bẹt rồi cắt vát đầu đập bẹt bằng kìm chuyên cắt thép hoặc bạn có thể cắt xéo sợi dây thép để có đầu nhọn.

 

Dùng khoan, khoan 1 lỗ có đường kính bằng 1/5 đường kính giả hành bạn cần kích keiki, sâu bằng 1 nửa đường kính giả hành. Vị trí ở giữa đốt giả hành hoặc chia đốt giả hành làm 3 phần, khoan ở cách mắt cần kích bằng 1/3 độ dài của đốt giả hành.

 

Sau khi khoan, bạn nhỏ đầy dung dịch Keiki Super Đỏ vào (hoặc lấy xilanh bơm vào).

 

Đợi khoảng 30-60 phút cho dung dịch kích keiki khô đi thì lấy keo liền sẹo Tree Seal trét đầy vào lỗ khoan và tràn sang hai bên mép vết khoan để ngăn ngừa nước thấm vào (nếu không thể mua keo liền sẹo thì có thể dùng sơn dầu hoặc xi măng sệt trét vào, tuy nhiên hiệu quả kém hơn). Tuy nhiên tôi cũng đã thử không trét keo liền sẹo một số vết khoan, nhưng thỉnh thoảng vẫn có vết khoan bị thối sau một thời gian tưới nước.

 

Ngày trước tôi dùng cách lấy dao lam cắt sâu vào giả hành theo hình chữ V nhưng tôi thấy cách này rất hại giả hành, làm đứt rất nhiều mạch dẫn nước và chất dinh dưỡng của giả hành, ngoài ra làm giả hành dễ gãy và đặc biệt là mất thẩm mỹ.

 

Dùng phương pháp chích như thế này thì dung dịch kích keiki sẽ thấm được nhiều hơn và hiệu quả cao hơn so với dùng dạng phun. Tuy nhiên rất mất thời gian và khá dễ bị thối từ vết khoan.

 

Ngoài cách khoan, bạn có thể lấy tăm bông thấm trực tiếp dung dịch Keiki Super đỏ bôi vào mắt ngủ cần kích. Lưu ý rằng bạn nên bóc bỏ lớp vỏ lụa bọc bên ngoài mắt ngủ ra, phải chú ý nhẹ nhàng tách vỏ lụa tránh làm xước hoặc nát mắt ngủ bên trong.

 

Có một cách khác là bạn có thể pha 3cc (khoảng 60 giọt) với 3 lít nước để phun lên toàn bộ giả hành và gốc lan giống như phun Keiki Super Xanh. Dĩ nhiên hiệu quả kém hơn 1 chút.

 

Nếu mắt ngủ trên giả hành lan bạn đã dùng Keiki Super Xanh để phun mà không nảy mầm, bạn có thể làm cách Chích với Keiki Super đỏ.

 

Có đôi khi vận khí tốt, dù phun hay khoan lỗ rồi chích, đều có thể làm mắt lan đã ra hoa vẫn mọc được keiki.

 

Cách thức kích mầm trên lan đơn thân cũng làm tương tự, khoan 1 lỗ trên thân của lan tại bên dưới vị trí bạn muốn kích mầm, nhỏ dung dịch kích Keiki Super Đỏ vào sau đó trét keo liền sẹo lại và chờ đợi.

 

Nếu sau 15 ngày dùng phương pháp khoan mà chưa thấy mắt ngủ nảy mầm, bạn hãy tiếp tục khoan 1 lỗ khác ngay sát lỗ cũ rồi làm lại từ đầu.

 

Sau khi chích xong, chế độ chăm sóc bảo dưỡng bảo trì giống như sau khi phun Keiki Super Xanh.

 

Có nhiều bạn rất phản đối việc kích cho lan đẻ nhiều, quan điểm của họ là đẻ nhiều thì nuôi không nổi, có thể lan sẽ chết. Thực ra suy nghĩ như vậy cũng rất hợp lý. Quy luật Âm Dương được vận dụng để hiểu vấn đề này quả thực không sai. Tuy nhiên lan chỉ chết khi bị nấm, khuẩn, sốc nhiệt hoặc sốc phân thuốc quá liều chứ không thể vì đẻ nhiều mà lan chết được. Chăm sóc sau quá trình kích keiki sẽ đòi hỏi nhiều công phu hơn và còn tùy vào điều kiện giò lan cây đang như thế nào. Cá nhân tôi thấy lan đẻ nhiều thì cây lên kém một chút nhưng bù lại có nhiều giả hành hơn.

 

Lưu ý khi dùng kích keiki nói riêng và dùng phân thuốc nói chung thì vẫn nên đeo bao tay, bịt khẩu trang, nếu phun số lượng lớn vẫn nên mặc cái áo mưa bảo hộ an toàn lao động.

 

Các sản phẩm phân thuốc và kích keiki trong bài tôi đề cập đều rất dễ mua ở tất cả các đại lý vật tư cho lan và các nhà vườn trồng lan.

 

Hy vọng bài viết sẽ giúp bảo tồn được nhiều giống lan quý hiếm và phổ biến rộng khắp giới chơi lan trong và ngoài nước./.

Theo Tạp chí VNHS

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng