Nói đến nuôi gà tre truyền thống ai cũng biết nghệ nhân Lương Xuân Quang ở Hội SVC tỉnh Long An, chuyên nuôi gà tre truyền thống và bảo tồn giống gà này khỏi bị mai một. Tại đây còn lưu giữ bộ gen của gà tre thuần chủng mà anh đã nhân giống ra hàng nghìn con, được chia thành 3 nhóm: Gà tre kiểng, gà tre chọi, gà tre thịt.
Nghệ nhân Lương Quân Quang cho biết: gà tre sau khi nở được nuôi lớn tùy theo thể trạng, ngoại hình và được phân loại ra để nuôi đúng qui trình chăm sóc đặc biệt cho từng loại:
- Loại gà tre được lựa chọn làm kiểng: thường là gà trống, phải hội tụ những đặc điểm như: đầu nhỏ, mặt nhỏ và tinh nhanh; bờm cổ phải đầy và kín, có độ phùng phỉnh suôn mượt. Ngoài ra con gà trống tre đẹp phải có thân hình cân đối, ngực rộng, hông to, cánh không quá dài, lông đuôi của gà phải có đủ 3 lớp là lông phủ, lông chúa và lông đỡ; lông xòe đều mọc chênh chếch, lông dài, dầy có nhiều màu sắc khác nhau. Chăm sóc gà tre kiểng áp dụng chế độ chăm sóc riêng biệt sao cho gà tre đạt được tiêu chuẩn về hình thể.
- Loại gà tre chọi dùng để thi đấu: phải mặt lạnh, cổ to, khỏe, đuôi cụp xuống, thân hình tròn trịa, ngực nở, lườn thẳng, không có những vẩy xấu. Chúng được chăm sóc đặc biệt như các chiến binh thực thụ.
- Những chú gà không thuộc hai nhóm trên sẽ được nuôi lấy thịt. Nhằm mang đến giá trị dinh dưỡng cao và an toàn cho người tiêu dùng thưởng thức thì gà tre nuôi theo hướng hữu cơ.
Hiện nay trại nuôi gà tre truyền thống của Nghệ nhân Lương Xuân Quang được nhiều đơn vị, Hội viên các tỉnh, thành phố đến tham quan học hỏi mô hình sản xuất và kinh nghiệm nuôi gà tre kiểng, gà tre chọi, gà tre thịt truyền thống của anh.
Theo Dư Hữu Đức (Tạp chí VNHS số 315, tháng 12 năm 2019)
Tin tức khác