Thời gian 22/11/2024 6:09 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Kỹ thuật cắt chuyền

Lê Quang Khang

 Tạo dựng được một cây cảnh nghệ thuật từ gốc, rễ, thân, cành, ngọn đến lá lộc, hoa, quả là cả một công trình lao động kỹ thuật và nghệ thuật bền bỉ, lâu dài, thậm chí phải nhiều đời. Khó khăn và lâu dài nhất là tạo dựng được bộ rễ nghệ thuật, rồi đến tạo dựng thân cây phải đúng là cây cổ thụ thu nhỏ. Yêu cầu đầu tiên đối với thân cây là nhất thiết phải "gốc bồ ngọn chỉ" hay còn gọi là "đầu voi đuôi chuột” nghĩa là gốc phải thật to, ngọn phải thật nhỏ nhưng được thu nhỏ dần như cây ngoài thiên nhiên. Muốn vậy chỉ có một phương pháp duy nhất là cắt chuyền qua nhiều năm. 

 

Cũng nên biết là một thân cây đã cắt chuyền tạo dựng cây cảnh nghệ thuật thì đoạn còn lại gần như không to lên được nữa, điển hình là cây tùng là hán. Vì vậy ban đầu phải trồng cho cây phát triển tự do. Nếu có điều kiện nên trồng xuống đất cho cây lớn nhanh, bằng không thì trồng vào chậu to để chứa được nhiều chất trồng. Khi nào cây có đoạn gốc to gần đạt yêu cầu và cây đã tương đối già ta mới bắt đầu cắt lần thứ nhất. Nếu cắt chuyền lúc thân còn non và còn bé thì cành chuyền sau sẽ to bằng thân, cuối cùng vẫn thành cây có thân "đầu đuôi bằng nhau" như không cắt chuyền. 

 

Có ba phương pháp cắt chuyền sau: 

 

+ Phương pháp chính là cắt bỏ thân, lấy một cành thích hợp dựng làm thân tiếp (gọi tắt là cắt chuyền). Tùy theo ý định dựng cây cỡ tiểu, cỡ trung hay cỡ đại mà quyết định thời gian cắt lần thứ nhất. Chọn lúc đường kính đoạn gốc vừa cỡ và cắt cánh gốc một đoạn cao thấp sao cho đúng yêu cầu. Cách cắt là chọn một cành chuyền thích hợp rồi cắt bỏ thân chính. Nhát cắt phải sát nách cành chuyền và vát xuống như vậy về sau thân cây mới được chuyển nhịp tự nhiên. Nhát cắt mà nằm ngang sẽ tạo nên cái mặt thớt trên thân cây thì không coi được, dù lâu ngày vết cất có thành sẹo (nguyệt) cũng vẫn lộ những bậc ngang trên thân cây như những bậc thang, trông rất xấu. Các cành dưới cắt bỏ hết nếu có, cắt sát thân cây sau này vết cắt sẽ thành nguyệt mờ, còn cắt không sát, sau này sẽ thành mấu. Đợi đủ thời gian cho cành chuyền phát triển hòa nhịp với đoạn gốc ta lại chọn một cành chuyền hợp lý và cắt bỏ thân như lần đầu. Cứ như thế khi nào tạo được bông tán theo yêu cầu là được.

+ Vít ngọn xuống làm tán, lấy một nhánh hợp lý nâng lên làm ngọn. Cách này phải làm lúc ngọn đang thời kỳ bánh tẻ và phải dùng tay uốn nắn nhẹ nhàng nhiều lần cho đoạn bị vít mềm ra rồi mới quấn dây thép hoặc buộc hãm cố định. Nếu để ngọn già, vỏ và gỗ đều bị cứng, khi vít thường bị đập vỏ hoặc rạn nứt thân gỗ, chỗ đó sẽ sùi ra thành tật, cuối cùng cành to hơn cổ ngọn rất phi nghệ thuật, buộc phải cắt bỏ hẳn từ tán dưới đó để tạo dựng lại (ảnh 37). Phần ngọn vít xuống làm cành cần cắt sửa kiệt để hãm. Phần cành nâng lên làm ngọn cần được để nuôi cho phát triển nhanh. Như vậy sau một thời gian nhất định sẽ tránh được chỉ tiết phản nghệ thuật là cành trên cùng to hơn cổ ngọn. 

+ Cắt bỏ đoạn thân phía trên một bông tán nào đó, chọn một nhánh của bông tán ấy nâng lên làm thân chuyền. Nhánh được chọn làm thân chuyền phải to và đường đi của nhánh phải hòa nhịp thích hợp với thân. Mặt của vết cắt thân phải tạo thành đường đi liên tiếp giữa thân và nhánh ấy. Sau đó cắt sửa sao cho bông tán ấy thành một ngọn riêng và một bông tán riêng. Cành nuôi và hãm như trên đã nói. 

* Lưu ý chung: 

 

+ Cắt chuyền còn để điều khiển, tạo dựng đường nét cho thân cây. Mỗi lần cắt là môt lần thân cây đổi hướng về phía cành chuyền. Cho nên cắt chỗ nào, cắt thế nào, cái nào cắt bỏ hẳn, cái nào cắt bỏ một phần, cái nào phải nuôi dựng, thật không đơn giản. Do đó được gọi là nghệ thuật cắt chuyền. 

 

+ Bộ phận cành chuyền phải được nuôi một thời gian dài, không được đụng dao, kéo, chỉ cất tỉa bạo các bông tán, các nhánh mọc thừa phía dưới để cây tập trung nuôi bộ phận trên. Đợi khi nào bộ phận cành chuyền lớn chuyển nhịp hòa với đoạn thân dưới mới được cắt sửa tiếp. 

 

+ Trong quá trình cắt chuyển phải đồng thời kết hợp với việc tạo dựng các bông tán sao cho hợp lý nhất, đạt những yêu cầu cơ bản về nghệ thuật của các bông tán. Các cành thừa, các nhánh mọc lung tung đều cất bỏ. Tất cả các vết cắt thân và cành sau này đều tạo thành các mấu, nguyệt rất đẹp. Nhiều khí các cành nhánh thừa không nên cắt ngay mà phải để một thời gian cho nó nuôi thân, cành chính. 

 

  • Trên là nói cắt chuyển để tạo dựng thân. Dù bạn cắt hay chuyền cũng phải thực hiện khi cây ở thời điểm khỏe nhất. Không thể chuyền nhanh và đạt ý muốn khi cây quá yếu hoặc bị bệnh. Quá trình cắt, chuyền thật lưu ý và chăm sóc tốt các mắt cành, chồi non, định hướng cho đúng điểm và tập trung dinh dưỡng để phát triển tay cành.

Theo Tạp chí VNHS

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng