Thời gian 22/11/2024 6:14 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Kinh nghiệm trồng gây giống cây Vạn tuế

                                                                   Hữu Đức

Vạn tuế là một cây cảnh đẹp tự nhiên, ít tốn công cắt tỉa như những loại cây khác, cây có sức sống mãnh liệt, chịu nắng, chịu rét, chịu hạn, lá có màu xanh quanh năm. Những công trình lớn hay những vườn cảnh rộng, công viên, sân vườn nhà nếu bố trí một số cây vạn tuế để tạo cảnh quan đẹp, trang trọng và uy nghi, nó còn có ý nghĩa về sự nghiệp bền vững và may mắn cho gia chủ.

Cây vạn tuế xuất xứ từ các nước Châu Á nhiệt đới, đặc trưng nhất là phía Nam của Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay cây vạn tuế được nhân rộng tại nhiều nơi, đặc biệt là ở Việt Nam. Nhưng trong thực tế nhiều người do chưa biết cách trồng gây giống và chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây vạn tuế không cho ra nhiều củ hoặc có nhưng ít và củ rất bé nhỏ. Vậy xin giới thiệu cách trồng, chăm sóc cây vạn tuế cho ra nhiều củ và tránh được sâu bệnh sau khi gây giống để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vừa qua, khóa học đào tạo kiến thức sinh vật cảnh tại Quận Gò Vấp Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi mãn khóa có tổ chức cho học viên đi tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng gây giống và chăm sóc cây vạn tuế cho ra nhiều củ của nghệ nhân Nguyễn Văn Lẹ tại ấp Kinh Gãy, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Đến vườn ông được chiêm ngưỡng cây vạn tuế ông trồng trong vườn nhà, thân cao 60cm, đường kính 25cm lá dầy xanh bóng, dưới gốc cây chi chít củ đang mọc lá mầm trông rất đẹp mắt. Ông Lẹ hết sức vui vẻ niềm nở hướng dẫn cho đoàn học hỏi kinh nghiệm gây giống nhiều năm qua trồng và chăm sóc cho ra nhiều củ vạn tuế đã thành công như sau:

Cây vạn tuế trồng để gây giống từ cây mẹ phải to khỏe, không bị sâu bệnh, hàng năm mới cho ra nhiều củ to mập. Đất trồng vạn tuế cần chọn đất sạch, tốt nhất là đất bùn ao phơi khô trộn với phân chuồng, lân, Kali hoặc NPK. Tro trấu ủ hoai và ít vôi bột chống giun đất, cây vạn tuế con mới tách ra nên trồng vào chậu cho dễ chăm sóc. Vạn tuế không ưa ẩm ướt kéo dài nên khi trồng vào chậu, dưới đáy phải có lớp đá và lưới thoát nước phủ lên lớp đá dầy 5cm để dễ thoát nước. Khi cây trong chậu được 4 –5 năm tuổi, nếu để trong chậu thì chăm sóc tạo dáng không lấy củ, còn nhân giống thì phải trồng xuống đất. Sau đó xây bồn hoặc xếp gạch chung quanh bồn đường kính rộng khoảng 1m đào sâu xuống đất khoảng 40cm. Sau đó đổ thêm đất có đủ các loại phân tổng hợp như đã nêu ở trên và trồng như trồng trong chậu. Đảm bảo đất trong bồn cao hơn mặt đất bên ngoài 20–30cm. Hàng ngày chú ý tưới nước sạch giữ độ ẩm cho cây. Khi cây phát triển mạnh, hàng tháng tưới bổ sung phân NPK pha loãng vào quanh gốc. Hàng năm cần chú ý phun lên toàn thân lá 1–2 lần thuốc sâu để phòng trừ rệp sáp trắng: Supration và Cocman trị nấm, vi khuẩn rong rêu.

Với cách chăm sóc trên, cây vạn tuế phát triển rất mạnh, mỗi năm ra hai đợt lá, chỉ sau 4–5 năm tuổi thân đã có đường kính ít nhất là 15cm và bắt đầu đẻ củ. Khi thu hoạch chỉ cần lấy những củ già còn các củ non để lại năm sau. Tách củ xong lại trộn đều đất, vôi bột, phân các loại lấp vào đầy gốc. Làm như vậy đất quanh gốc vạn tuế luôn tơi xốp, đủ chất dinh dưỡng, cây phát triển càng ngày càng to, phần thân gốc chìm trong đất sẽ tiếp tục đẻ nhiều củ to mập.

Cây vạn tuế được 10 năm tuổi, hàng năm cho thu hoạch từ 40 đến 50 củ, củ bé nhất cũng bằng trái cam, củ to bằng nắm tay. Giá bình quân mỗi củ vạn tuế mới tách ra là 10.000 đồng/củ, tổng thu từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng/năm. Nếu đem giâm sau 1 năm củ có từ 6 – 10 lá, bán 20.000 đồng/củ thì kết quả sẽ thu nhập cao gấp đôi.

Nếu chúng ta có đất trồng một loại cây vạn tuế để kinh doanh chắc chắn sẽ thành công, đem lại nhiều kinh tế cho gia đình.

                    Theo Tạp chí VNHS                                                                             

 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng